Chủ nhật, 12/05/2024, 09:24[GMT+7]

Khởi nghiệp từ thỏ New Zealand

Thứ 2, 03/06/2019 | 09:33:14
3,335 lượt xem
Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, Vũ Thanh Long, xã Thái Dương (Thái Thụy) đã chọn nuôi thỏ New Zealand để khởi nghiệp. Sau gần 4 năm gắn bó, Long đã xây dựng một mô hình nuôi thỏ có quy mô hơn 2.000 con, mỗi năm cho lãi hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động.

Chuồng nuôi thỏ luôn được bảo đảm về nhiệt độ.

Sinh năm 1991 trong gia đình làm nghề nông, ngay từ nhỏ, Vũ Thanh Long luôn mang trong mình khát khao vượt khó làm giàu. Sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh doanh thương mại, Trường Đại học Nha Trang, Long đi làm nhiều nơi nhưng công việc không được như ý muốn. Chàng trai trẻ quyết định về quê lập nghiệp. Vốn đam mê chăn nuôi, Long tìm hiểu trên các trang mạng, tham quan thực tế tại một số mô hình chăn nuôi trong, ngoài tỉnh và quyết định bắt tay vào nuôi thỏ New Zealand dù không nhận được sự ủng hộ của người thân. 

Chia sẻ về việc lựa chọn nuôi giống thỏ New Zealand, Vũ Thanh Long cho biết: Thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, mỗi năm có thể sinh sản 5 - 6 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con. Loại vật nuôi này thịt thơm ngon, bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Do không có nhiều vốn đầu tư nên ban đầu Vũ Thanh Long chỉ nuôi 30 con thỏ sinh sản. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, lựa chọn thức ăn không phù hợp nên thỏ kém phát triển, sinh sản kém. Sau hơn 4 tháng nuôi, thỏ bị mắc bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy…, gần một nửa số thỏ trong chuồng bị chết. Thất bại không làm chàng trai trẻ nản chí, Long dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi qua các kênh thông tin trên mạng như Hiệp hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam và hiệp hội chăn nuôi thỏ các tỉnh…

Vũ Thanh Long chia sẻ: Nuôi thỏ yếu tố quan trọng nhất là nhận biết được các loại bệnh thỏ thường gặp, cách phòng tránh và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, thức ăn cho thỏ phải bảo đảm, lựa chọn đúng nguồn thức ăn, liều lượng nếu không thỏ rất dễ bị tiêu chảy, phình bụng. Việc điều tiết nhiệt độ trong chuồng nuôi cũng cần quan tâm bởi liên quan tới quá trình bỏ giống. Chuồng nuôi phải là chuồng kín có hệ thống làm mát và quạt thông gió. Nhiệt độ trong chuồng luôn giữ mức ổn định từ 28 - 32OC. Ngoài ra, người nuôi thỏ phải thường xuyên quan sát sau khi thỏ mẹ sinh xong có cho con bú không. Nếu thỏ chưa cho bú phải tách thỏ con và chăm sóc riêng.

Mỗi chuồng nuôi đều được Long ghi mã số để dễ quản lý, biết được thời gian nuôi, bỏ giống… Khi tích lũy được kinh nghiệm, thành công đã đến với chàng trai trẻ dám nghĩ, dám làm. Diện tích chuồng nuôi và số lượng thỏ nuôi không ngừng tăng lên. Đến nay trong chuồng đã đạt hơn 2.000 con, trong đó có trên 200 thỏ nái. Với giá bán bình quân 85.000 đồng/kg thỏ thịt và 60.000 đồng/con thỏ giống, mỗi năm sau khi trừ chi phí Long thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, vốn là người ham học hỏi, Vũ Thanh Long thường xuyên cập nhật thông tin từ những người chăn nuôi. Từ đó Long tận dụng được nguồn phân thỏ để nuôi giun quế. Long nuôi giun quế trực tiếp bên dưới chuồng thỏ. Việc nuôi trực tiếp vừa tiết kiệm được chi phí làm chuồng vừa xử lý được mùi phân của thỏ. Nguồn giun thu được tận dụng làm thức ăn cho gà. Khi số lượng giun quế lớn, nhiều hộ chăn nuôi đã tìm đến mua với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg.

Dám nghĩ, dám làm, dám vượt khó và dám biến ước mơ thành hiện thực, Vũ Thanh Long đã chứng tỏ được thành công từ sự lựa chọn của mình, trở thành triệu phú ngay tại đồng đất quê hương. Hướng đi của chàng trai trẻ chưa dừng lại. Lượng thỏ bán ra vẫn không đủ cung cấp cho thị trường Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và một số cơ sở trong tỉnh. Bởi vậy, Vũ Thanh Long sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi thỏ đồng thời liên kết sản xuất với người chăn nuôi trong vùng bảo đảm chất lượng nguồn hàng cung cấp cho thị trường.

Hoàng Lanh


(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)