Chủ nhật, 24/11/2024, 09:26[GMT+7]

Ông Bệ “cấy” nhanh hơn 90 thợ cấy giỏi

Thứ 3, 02/07/2019 | 09:00:09
2,958 lượt xem
Ở vụ mùa này, ông Nguyễn Xuân Bệ, thôn Trung, xã Song Lãng (Vũ Thư) là một trong những người được nhiều nữ nông dân yêu mến nhất, bởi với 3 chiếc máy cấy, ông Bệ đã thay hàng trăm chị em làm công việc vất vả “còng lưng” cấy lúa khi mùa vụ đến.

Ông Nguyễn Xuân Bệ (người lái máy cấy) mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ bà con nông dân.

Cánh đồng thôn Trung gần trưa, cái nắng như đổ lửa xuống cánh đồng. Nếu là người đi cấy thủ công, phải khom lưng cấy trong cái nắng bỏng rát này cũng không mấy người trụ nổi. Thế nhưng, 2 người đàn ông điều khiển 2 chiếc máy cấy trên cánh đồng vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ của mình. Cứ mỗi lượt máy lướt qua mặt ruộng, những cây lúa xanh, nhỏ xíu đã được cấy lên, hàng nối hàng thẳng tắp. Kiểm tra thấy những hàng lúa mới cấy đứng thẳng, cứng cáp, độ sâu cắm rễ lúa bảo đảm tiêu chuẩn, ánh mắt ông Bệ tỏ rõ sự hài lòng. 

Ông Bệ cho biết, nhiều năm trước, ông từng là cán bộ của HTXNN ở địa phương nên ít nhiều có chút kiến thức và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Ham đầu tư máy móc để áp dụng vào sản xuất, trước kia gia đình ông từng là một trong những hộ tiên phong mua máy gặt đập liên hợp, máy cày công suất lớn để phục vụ sản xuất của bà con. 

Vụ xuân năm 2017, thấy nhu cầu sử dụng máy cấy ở địa phương rất cao, ông Bệ khởi xướng và chung vốn cùng với HTXNN Song Lãng (xã Song Lãng) đầu tư mua máy cấy để làm dịch vụ cấy lúa cho nông dân. Sau mấy vụ triển khai, dịch vụ cấy lúa bằng máy của ông Bệ và HTXNN Song Lãng khá thành công. Đến vụ mùa này, khi HTXNN dừng triển khai dịch vụ, ông mạnh dạn đầu tư kinh phí mua lại 2 chiếc máy cấy và mua thêm 1 máy cấy mới, 1 máy gieo hạt và 7.000 chiếc khay gieo mạ, tổng kinh phí gần 200 triệu đồng để tiếp tục thực hiện dịch vụ cấy lúa bằng máy cho nông dân. Tính ra đến nay ông Bệ là cá nhân có nhiều máy cấy nhất trên địa bàn huyện Vũ Thư.

Cùng như nhiều chủ máy cấy khác, ông Nguyễn Xuân Bệ gặp khó khăn nhất ở khâu gieo mạ khay. 

“Tôi đã phải lặn lội đi nhiều tỉnh ngoài để học hỏi kinh nghiệm gieo mạ khay. Có vụ gieo mạ hỏng, lỗ vài tạ thóc giống, tuy nhiên đến nay, tôi khá tự tin vì đã nắm được khá chắc kinh nghiệm gieo mạ khay. Một trong những bí quyết đó là tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích để cây mạ xanh tốt, mà phải sử dụng phân hữu cơ, cố gắng làm sao để cây mạ “đanh”, dẻ mạ cứng, khi cấy xuống ruộng, cây lúa chắc, ít bị chột, cây sinh trưởng, phát triển khỏe” - ông Bệ chia sẻ. 

Ngoài ra, ở mỗi xứ đồng ông sẽ chỉ đạo các thợ lái máy cấy điều chỉnh kỹ thuật máy móc sao cho hợp lý, ví dụ ở chân ruộng trũng, đất bùn thì độ dúi của cây lúa chỉ cần nhẹ, sao cho cây lúa không bị nghẹt rễ; nhưng ở chân đất cát, pha cát, đất thường bị “rẽ”, “lỳ” thì cần phải điều chỉnh máy dúi mạnh hơn, nếu không thì cây lúa sẽ bị nổi lên. Hoặc việc điều chỉnh “hàng sông”, “hàng tay” của cấy lúa cũng khá linh hoạt, theo nhu cầu của từng hộ, nhưng ông Bệ vận động bà con để máy cấy thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật khuyến cáo nhằm hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao nhất... 

Không còn vất vả nhổ mạ và cấy, chỉ cần đứng trên bờ chỉ ruộng để máy cấy đến cấy, bà Phạm Thị Nụ, thôn Trung, xã Song Lãng tỏ rõ sự phấn khởi: Nhờ có ông Bệ đưa máy cấy về làng, tôi “thoát” được cảnh đi nhổ mạ từ nửa đêm và còng lưng cấy giữa nắng hè như thế này. Không riêng tôi, mà chị em phụ nữ đều cám ơn ông Bệ vì đã “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thay chị em. Cái hay nữa là cấy máy, lúa bảo đảm kỹ thuật nên chúng tôi đỡ phải phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hơn, lúa cho năng suất cao hơn... 

Ông Doãn Đức Thanh, Trưởng thôn Trung, xã Song Lãng cho biết: Thôn có 215 mẫu lúa mùa, trong đó bà con đăng ký cấy bằng máy là 30 mẫu. Nhờ ông Bệ mạnh dạn đưa máy cấy về đồng ruộng đã góp phần giải quyết vấn đề lao động cấy lúa, giảm chi phí sản xuất, bảo đảm khung thời vụ, hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất lúa. Đặc biệt, có máy cấy, bà con hạn chế tình trạng bỏ ruộng vì thiếu lao động và hạn chế tình trạng gieo thẳng lúa mùa hơn trước.

Với 3 máy cấy, vụ mùa năm nay, ông Nguyễn Xuân Bệ nhận cấy khoán gần 45ha lúa mùa cho nông dân của 3 HTXNN: Song Lãng, Đông Phú (xã Song Lãng), Minh Hùng (xã Việt Hùng) với chi phí 240.000 đồng/sào. Với công suất máy hiện tại, trung bình mỗi máy cấy được 3 mẫu lúa/ngày, với 3 máy đạt công suất 9 mẫu lúa/ngày, tương đương hoặc cao hơn 90 lao động cấy trong 1 ngày. Nhiều người đùa rằng một mình ông Bệ “cấy” nhanh hơn 90 thợ cấy giỏi. Ước tính, trừ chi phí đầu tư, ông sẽ thu lãi hàng trăm triệu đồng từ dịch vụ cấy lúa mùa bằng máy cho nông dân. Ngoài ra, ông tạo việc làm thời vụ cho 7 - 8 lao động ở các khâu lái máy cấy, kiểm tra, dặm lại một số cây lúa bị nổi, vận chuyển mạ khay, thu nhập từ 200.000 đồng - 500.000 đồng/ngày/người. 

“Không chỉ mang lại thu nhập khá cho gia đình từ dịch vụ cấy lúa bằng máy, điều tôi phấn khởi hơn cả là bản thân tôi đã áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật để góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, giảm sức lao động, hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất lúa cho nông dân” - ông Bệ chia sẻ thêm.

Quỳnh Lưu

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)