Thứ 6, 22/11/2024, 16:56[GMT+7]

Người lính Cụ Hồ trên trận tuyến mới

Thứ 2, 08/07/2019 | 09:19:46
1,422 lượt xem
Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, làm theo lời Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, đùm bọc thương yêu, tương trợ giúp đỡ nhau, đồng tâm hiệp lực cùng đồng đội xây dựng cơ nghiệp trong cơ chế thị trường - đó là anh Đỗ Hồng Phương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương binh 27/7, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La - người con của quê hương Thái Bình đã gắn bó và góp sức xây dựng miền đất này và coi nơi đây như quê hương thứ hai.

Thăm hỏi, tặng quà thành viên Hợp tác xã có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Đỗ Hồng Phương, quê xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bố anh từng là bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó, ông xuất ngũ và công tác tại Nông trường quốc doanh Tô Hiệu, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phát huy truyền thống của gia đình, năm 1978, anh Phương tình nguyện nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường C (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Sau đó, anh theo học tại Trường Sĩ quan lục quân I, tốt nghiệp ra trường anh được phân công về làm giảng viên Trường Quân chính thuộc mặt trận 379. Năm 1991, anh xuất ngũ trở về xã Hát Lót sinh sống cùng gia đình và gia nhập HTX Thương binh 27/7, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, bước vào trận tuyến mới trên lĩnh vực xóa đói giảm nghèo.

Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da nâu sạm cùng sự tận tâm, năng động tìm hướng đi hiệu quả để nâng cao thu nhập cho các thành viên của anh khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh anh chủ nhiệm trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “...Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe/Cùng bao đồng chí, anh đi trước/Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược...”. Nhưng khi hỏi về vai trò của người giám đốc HTX trong quá trình phát triển của HTX thì anh Phương lại chia sẻ thật giản dị: Trong tổng số 41 thành viên HTX thì có 12 thương binh, 8 bệnh binh, còn lại là con, cháu của các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn thị trấn Hát Lót và một số xã khác trong huyện. Vì vậy, việc chăm lo đời sống cho các thành viên không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm, là tình cảm đối với đồng chí, đồng đội, những người đã cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc, mang lại cuộc sống yên bình hôm nay.

Năng động trên trận tuyến mới

Các thành viên HTX Thương binh 27/7 kể lại, cách đây 30 năm (năm 1989), một số thương binh, bệnh binh trên địa bàn thị trấn Hát Lót đã đề xuất với huyện Mai Sơn việc thành lập HTX Thương binh 27/7. Mục đích trước tiên là quy tụ các thương binh, bệnh binh vào một tổ chức để tạo việc làm, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, động viên nhau những lúc “trái gió trở trời”, vết thương tái phát... Buổi đầu thành lập, HTX có 15 xã viên, hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, vốn đầu tư sản xuất là vốn tự có của gia đình xã viên. “Vạn sự khởi đầu nan”, thời gian này quả không ít khó khăn, thiếu vốn sản xuất, thiếu thốn cơ sở vật chất, trong khi các xã viên là những thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em của các gia đình chính sách, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh không nhiều. Song, các xã viên vẫn gắn bó, động viên nhau phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. 

Năm 1991, sau khi xuất ngũ về địa phương, anh Đỗ Hồng Phương đã làm đơn xin gia nhập HTX và chỉ thời gian ngắn sau đó đã được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Trước những khó khăn của HTX, anh Phương nghĩ, người cầm lái “con thuyền HTX” chỉ nhiệt tình thôi chưa đủ mà còn phải bản lĩnh, vững vàng, năng động, thậm chí hy sinh quyền lợi của bản thân để HTX hoạt động hiệu quả, xã viên có thu nhập khá. Vì vậy, anh cùng với Ban Quản trị HTX “xoay” nhiều cách để HTX hoạt động hiệu quả, với hướng đi phù hợp với sức khỏe, điều kiện thực tế của các xã viên. Anh không ngần ngại sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để thế chấp với Liên minh HTX tỉnh vay 100 triệu đồng mua sắm máy móc sản xuất kem cho HTX. Thời gian sau đó, anh Phương đã bàn với gia đình sử dụng hơn 200 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình để xây dựng trụ sở HTX, tạo điều kiện cho các xã viên có nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kế hoạch phát triển của HTX; một phần diện tích của trụ sở được sử dụng làm nơi sản xuất thạch rau câu. Cứ thế, từng bước... từng bước, việc gì làm được, có lợi cho HTX là anh làm ngay.

Trao đổi kỹ thuật trồng cây chanh leo.

Nói về những ngày tháng thăng trầm của HTX thì rất dài, song “hết cơn bĩ cực, tới hồi thái lai”, bây giờ, câu chuyện thường được nghe từ các thành viên HTX là mỗi thành viên đã có thu nhập trên trăm triệu đồng một năm nhờ năng động, sáng tạo, lựa chọn ngành nghề phù hợp, mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Qua những câu chuyện, chúng tôi nhận thấy, quá trình hoạt động của HTX Thương binh 27/7 chứa đựng biết bao tình đồng đội ấm áp. Bởi đã từng “vào sinh ra tử” nên anh Phương và các đồng đội hiểu rất rõ giá trị của tình đồng đội thiêng liêng trong cuộc chiến với nghèo đói. Vì vậy, anh đã cùng các thành viên chia sẻ với nhau những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ những đồng vốn ít ỏi để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt và cùng nhau học hỏi, bàn bạc lựa chọn cây, con đưa vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Đồng thời, quan tâm thăm hỏi, động viên nhau lúc ốm đau, khi gia đình gặp hoạn nạn, cùng nhau vượt qua khó khăn để có cuộc sống no ấm. Cứ vậy, HTX đã trở thành điểm tựa cho các thành viên vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến xóa đói giảm nghèo.

Được gặp gỡ, trò chuyện với Giám đốc HTX Thương binh 27/7, chúng tôi cảm nhận được sự năng động của anh - người “đứng mũi chịu sào” đã giúp HTX mở rộng các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên. Cùng với xu thế chung, năm 2015, HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2012, với đa ngành nghề: chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây cà phê; sản xuất chế biến thạch rau câu, sữa đậu nành, nước uống tinh khiết, kem; chế biến nông sản; dịch vụ thú y; dịch vụ hàn xì...  Tuy nhiên, do những sản phẩm của HTX thiếu sức cạnh tranh trên thị trường nên thu nhập của thành viên thấp. Trước thực tế đó, anh Phương cùng Ban giám đốc HTX nghiên cứu nhu cầu thị trường để mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, nhất là việc chuyển diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo quy trình VietGAP. Đồng thời, anh đề xuất với Ban giám đốc HTX tổ chức cho các thành viên đi học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn để áp dụng vào thực tế sản xuất. Được tận mắt chứng kiến các mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả ở xã Hát Lót, xã Cò Nòi... các thành viên HTX đã đầu tư trồng cây ăn quả có giá trị  kinh tế trên diện tích đất nương của gia đình. Điển hình là thành viên Trịnh Thanh Tình, Lò Văn Sức, Nguyễn Hồng Xuân... Hiện, HTX có 30ha cây chanh leo, 15ha xoài Đài Loan, sản lượng bình quân đạt 450 tấn quả các loại, được tiêu thụ trên thị trường các tỉnh miền xuôi và xuất khẩu ra nước ngoài. HTX còn đấu thầu hồ Tiền Phong (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn) để nuôi trồng thủy sản và hướng tới xây dựng điểm du lịch sinh thái; mở rộng thêm các mô hình kinh doanh tổng hợp; chế biến nông sản hàng hóa... tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên.  Nhờ vậy, 100%  gia đình thành viên có mức sống từ trung bình trở lên, với thu nhập bình quân 100 triệu đồng/thành viên/năm.

Dũng cảm khi chiến đấu với quân thù để bảo vệ Tổ quốc, năng động trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, anh Đỗ Hồng Phương, Giám đốc HTX Thương binh 27/7 - người con của quê hương Thái Bình đã phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới, góp sức xây dựng quê hương Sơn La nói riêng, đất nước nói chung to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong.

Hồng Luận
(Báo Sơn La)