Thứ 6, 10/01/2025, 23:20[GMT+7]

Tiếng gọi Tây Bắc (Kỳ 1)

Thứ 2, 08/07/2019 | 14:59:58
2,725 lượt xem
Những năm 60, có những chuyến tàu đặc biệt lên Lào Cai mà không dừng lại ở bất cứ ga nào dọc đường, đó là chuyến tàu đưa đồng bào miền xuôi trong đó có những người con Thái Bình lên xây dựng kinh tế miền núi, chuyến tàu mang theo khát vọng và niềm hân hoan xây dựng cuộc sống mới. Từ đó đến nay đã có hàng vạn người con đất lúa chọn Lào Cai là quê thứ hai, ở lĩnh vực nào cũng có những người con ưu tú đóng góp quan trọng và sự phát triển của mảnh đất biên cương này.

Cánh đồng xã Xuân Hòa (Bảo Yên) gợi cho ông Nguyễn Xuân Thanh nhớ về mảnh đất quê hương.

Kỳ 1: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Chúng tôi muốn mượn câu thơ nổi tiếng này của nhà thơ Chế Lan Viên để nói về tình cảm của những người con Thái Bình với mảnh đất Lào Cai. Tình cảm ấy biến mảnh đất xa lạ trở nên gần gũi, gắn bó máu thịt, để giờ đây những thế hệ người Thái Bình thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên tiếp tục góp sức xây dựng mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

“Tôi đã lựa chọn đúng”

Tôi cũng chưa hình dung mảnh đất Việt Hùng (Vũ Thư) nơi ông sinh ra có đẹp lãng mạn, hay mơ mộng gì không nhưng có lẽ cũng như nhiều làng quê bắc bộ, đó chắc chắn phải là một nơi bình dị với những con người thật thà, chất phác. Chính tình cảm của ông với quê hương và hình ảnh của những còn người ngày đêm góp sức làm nên huyền thoại quê lúa ấy đã nuôi dưỡng  trong ông cái khí chất bình dị và nghị lực vượt qua những con đường gập ghềnh khi rời xa quê.

Ông Nguyễn Xuân Thanh kể về những ngày gian khó. 

Mùa hè năm 1967 đánh dấu cái ngày ông Nguyễn Xuân Thanh đặt chân lên mảnh đất Xuân Hòa (Bảo Yên) này, khi ấy cả xã có 29 hộ được chọn đi xây dựng kinh tế mới, hồi ấy còn nhỏ nào có biết đấy là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước chỉ nghe người lớn nói chuẩn bị cho một chuyến đi dài ông chỉ thấy háo hức là lạ, cái mảnh đất miền ngược xa xôi ấy đã có lần ông được nghe mấy người đi buôn nói qua, thỉnh thoảng nó cũng theo mơn man vào trí óc ông qua những lần cao hứng mà thầy giáo lại nảy ra một câu thơ hay một câu văn trích ra từ đâu đó. Và tất cả những gì động lại trong đầu một đứa trẻ khi ấy chỉ man mác mơ hồ rằng đó là Tây Bắc là sương mù là đường quanh co và rừng cây đậm đặc. Cùng đoàn chuyển cư của xã, năm ấy gia đình ông có 5 người, bố mẹ đã già yếu, ba anh em lúc ấy cũng ngơ ngác chưa biết sẽ làm gì ở mảnh đất này. Đúng như mường tượng ban đầu, chiếc xe đi được vài trăm cây số, gần chạm đất Yên Bái ông đã bắt đầu cảm nhận được cái vẻ đường lên tây bắc xa xôi như lời trong một bài hát mà có lần vô tình nghe ai đó cất lên.

Chiếc xe đi chầm chậm, trước mắt ông là một bến sông, dòng nước trong xanh, lấp lánh soi bóng cánh rừng xanh ngút ngàn phía bên kia, xa xa là những mái nhà sàn của đồng bào người Tày. Đúng là đẹp như trong thơ – suy nghĩ ấy thoáng qua khiến ông nhẹ cả đầu. Đợi cho mọi người xuống xe hết, ông trưởng đoàn khoát một cái nhìn như thế muốn điểm danh lại vừa như để chắc chắn rằng chuyến đi đã an toàn rồi ông gật gù mỉm cười vẻ như mọi thứ như thế là tạm ổn. Thanh khi ấy còn nhỏ nhưng nghe mọi người nói ông này là cán bộ xã lâu năm ở Việt Hùng, cũng bởi cái sự gắn bó và được người dân tin tưởng mà ông được chọn để giúp bà con yên tâm hơn khi chuyển đến miền đất này, nghe đâu trước đây ông cũng đã từng đặt chân đến đây nhiều rồi. Nhìn về mảnh đất bên kia sông, người cán bộ già ấy hắng giọng cùng cái vỗ tay đôm đốp để mọi người chú ý rồi mới nói: Chỗ này là bản Chuân, chiếc xe khách sẽ dừng lại ở đây, chúng ta còn một chặng đường nữa là đến nơi nhưng phải đi đò sau đó đi bộ.

Theo lệnh của người cán bộ già, đoàn người chuyển cư từ dưới xuôi lên được chia làm 4 nơi một đoàn ở bản Chuân, một đoàn ở bản Cuông, một ở Mai Thượng, còn ông và gia đình theo một đoàn về bản Đao. Cái lo lắng ban đầu về một cuộc xua đuổi bởi “xâm phạm lãnh thổ" của người bản địa đã không xảy đến như ông nghĩ, trái lại đồng bào người Tày nơi đây coi  nhưng người mới đến như những vị khách, họ tận tình giúp đỡ nơi ăn chốn ở.

Cuộc sống ở nơi mới bao giờ cũng lạ lẫm đôi khi đôi  khi đối với người này thì nó mang lại một cảm giác thích thú nhưng với người khác đó lại là một cái gì đó khó thích nghi bởi vậy mà sau một thời gian dừng chân ở mảnh đất này, không ít gia đình đã kéo nhau về xuôi. Gia đình ông Thanh khi ấy cũng gặp không it khó khăn, bố mẹ đã già chỉ có 3 anh em bám vào nhau, người anh cả cũng mới 15 tuổi trở thành lao động chính của gia đình. Năm 1969, bố ông mất do tuổi cao, mấy người họ hàng dưới xuôi lên đón người mẹ và mấy anh em về nốt nhưng chả hiểu thế nào khi ấy ông vội lắc đầu.

Thời gian cứ trôi dần, cuộc sống ở nơi định cư mới cũng trở nên quen thuộc, cuộc sống khó khăn từ nhỏ nên những bỡ ngờ ban đầu Thanh vượt qua rất nhanh, đám bạn người Tày, Dao, Mông... cũng quen với cậu bạn từ xa tới. Căn nhà sàn dựng bên kia suối Đao, sáng sáng, Thanh lại cùng lũ bạn vượt suối đi bộ gần 4 cây số tới trường. Học hết phổ thông, anh vào bộ đội, tham gia chiến đấu và giúp đỡ nhân dân nước bạn Lào hơn 10 năm.

Trở về mảnh đất Xuân Hòa, Nguyễn Xuân Thanh tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương và tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Mấy sào ruộng hợp tác xã chỉ đủ cho gia đình bớt đi nỗi lo thiếu đói, "kinh tế gia đình nếu dựa vào đó thì không biết bao giờ mới khá lên được" – Nguyễn Xuân Thanh nghĩ bụng. "Phi thương bất phú" cái kinh nghiệm của người xưa đúng là không sai vào đâu được, ngày ấy đường đi từ bản Đao ra thị trấn Phố Ràng chưa thuận tiện như bây giờ, thành ra hàng hóa đều khan hiếm, thế là ông nảy ra ý định tại sao không mang những hàng hóa thiết yếu vào khu vực này đổi cho bà con lấy lúa ngô rồi lại đem ra Phố Ràng bán. Ngày ngày người ta thấy hai vợ chồng ông lụi cụi cùng 3 con ngựa thồ giống như cánh thổ dân du mục cứ ra ra vào từ thị trấn Phố Ràng đến các thôn, bản Xuân Hòa.

Cuộc sống dần ổn định, Nguyễn Xuân Thanh nghĩ ngay đến việc phải tìm cách làm giàu dựa vào đất, vào rừng nơi đây thì mới mong bền vững được. Đồng vốn dành dụm được, anh mua quế trồng vào những vạt đồi trơ cỏ dại, lau lách, rồi đào ao thả cá. "Chẳng có mô hình cũng không có kinh nghiệm gì cả, mình vừa làm vừa tự mày mò thôi, đất Thái Bình thuận thế mà cũng phải biết bao con người nai lưng làm quần quật mới nên cái kỳ tích 5 tấn, mình tin nếu ở đây chịu khó bỏ công bỏ sức thì đất sẽ không phụ công người". Trong bước đường thành công của mình ông không quên nhắc đến người vợ luôn đồng cam cộng khổ theo ông trong suốt hành trình lập nghiệp trên mảnh đất này. Ngày mới lập gia đình, bà đã cùng ông lăn lộn không kể việc gì, khi ông tham gia công tác tại địa phương, cũng một mình bà cáng đáng việc nhà lo cho các con ăn học, trưởng thành.

Tôi nhớ đã có lần nghe đến một ông Thanh chủ tịch xã Xuân Hòa và một nông dân sản xuất giỏi cũng tên là Thanh ở xã ấy, khi tìm gặp ông tôi mới ngớ ra hai con người trùng tên ấy hóa ra là một. Ông cười bảo: thì trước đây mình vừa  nông dân sản xuất giỏi vừa là cán bộ xã. Thế cậu nghĩ cán bộ xã thì sản xuất không giỏi à?!

Hai nhiệm kỳ làm chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Thanh luôn được bà con yêu mến và quý trọng, khi hết nhiệm kỳ nhiều người không biết vẫn bỏ phiếu cho ông, hãy khoan nghĩ rằng họ mong đợi ở một người cán bộ xã sẽ làm gì cho họ mà quan trọng hơn họ tin tưởng những gì ông đã và đang làm cho mảnh đất và con người dân nơi đây đều xuất phát từ trái tim mình. Mảnh đất Xuân Hòa đối với ông không chỉ là nơi ông lập nghiệp nữa mà trở thành nơi gắn bó máu thịt, mang đến cho ông đủ mọi cảm xúc vui buồn. Nhớ lại cái ngày gian khổ mấy người họ hàng ở quê lên đón về, ông lại cười hồi ấy tôi đã lựa chọn đúng khi quyết tâm ở lại gắn bó với mảnh đất này.

Bí quyết của một người biết làm giàu

Ngồi nghe Vũ Kim Trọng say sưa kể chuyện làm giàu bằng đất, bằng rừng cây tôi mới thấy giá trị của câu thành ngữ "có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Phải làm kinh tế giỏi, có thu nhập thì gia đình mới ổn định, điều ấy thì ai cũng biết nhưng đó cũng thực sự là bài toán khó không dễ dàng tìm ra lời giải. Bằng sức lao động không mệt mỏi, Vũ Kim Trọng đã tìm ra cách giải bài toán kinh tế gia đình một cách đơn giản nhất, anh chia sẻ: người khác làm một thì mình cố gắng làm bằng 2 bằng 3 họ, tất cả chỉ có vậy.

Nhà mình làm nông nghiệp mà vẫn phải đong ăn từng bữa thì còn nói gì đến chuyện làm giàu, bởi vậy việc đầu tiên Trọng nghĩ tới là làm gì để những mảnh ruộng kia không khiến bát cơm nhà mình vơi mỗi khi vào mùa giáp hạt. Những dự định mới cứ thế biến người nông dân ấy trở thành con người tham công tiếc việc, lúc nào cũng thấy anh luôn chân, luôn tay, khi thì phun thuốc ngoài ruộng, khi thì tỉa đồi cây, khi thì chăm sóc vườn mía. Anh tâm sự: trồng lúa cốt là có bát cơm ăn để làm việc khác chứ cứ trông mong vào mấy sào ruộng thì cũng chẳng mong khá hơn được. Lại cái kinh nghiệm người ta làm một thì mình làm bằng hai, bằng ba, anh cho tôi cái ví dụ khi hai vợ chồng dồn sức trồng mía đường bán, có những năm  thu về hơn 7 tấn mía đường tức là bằng sức của 6,7 lao động khỏe mạnh.

Những năm những năm 90, cây mía được giá, cả khu vực xã Xuân Quang (Bảo Thắng) này trở thành một khu vựa trồng mía lớn của tỉnh, gia đình anh cũng có đến vài ha, riêng nguồn thu từ cây mía những năm ấy đã đem lại cho gia đình anh không dưới 30 triệu/năm. Có vốn anh tiếp tục đầu tư vào phát triển rừng và nuôi cá nhằm tạo nguồn thu vững chắc.

Bí quyết làm giàu của anh Vũ Kim Trọng là lao động không ngừng nghỉ.

Câu chuyện về những ngày mới đặt chân lên Lào Cai với anh Trọng vẫn còn vẹn nguyên như mới xảy ra hôm qua. Mảnh đất Lào Cai ngày ấy đối với anh còn quá mơ hồ, những câu chuyện mà người họ hàng xa làm ăn trên ấy thỉnh thoảng về thăm kể lại cũng chỉ mang đến cho anh một chút mường tượng không rõ ràng. Thế mà 27 tết người ta về quê đoàn tụ gia đình, còn mình thì cả nhà kéo nhau lên mảnh đất ấy. Không phải chiến tranh loạn lạc, cũng không phải một cuộc chuyển cư theo tiếng gọi xây dựng kinh tế mới, đó đơn giản là một chuyến đi để thắp nên những hy vọng rồi đây cuộc đời sẽ đổi thay. Cánh đồng thẳng cánh cỏ bay, những con sóng bạc đầu cứ thế xa dần, xa dần. Năm ấy, gió lạnh đến thấu xương, cái lạnh như từng mũi kim châm xuyên vào đầu ngón tay rồi buốt đỉnh đầu, đặt chân đến Lào Cai, cám cảnh rừng núi heo hút, vắng người nhưng lẽ nào lại quay về tiếp tục những ngày tháng đói khổ. Trong con mắt của đứa trẻ 11 tuổi như anh khi ấy cũng chưa nghĩ gì để mà gieo hy vọng chỉ đơn giản là phải tìm cách thích nghi với nơi ở mới bằng cách bắt đầu một cuôc sống mới mà thôi. Những bước ngoặt như thế có lẽ đã giúp anh có thêm niềm tin và sự táo bạo mỗi khi bắt đầu một kế hoạch mới. Mấy ngày tết ở nhờ người họ hàng cốt cho qua ngày đến mùng 4 tết làm một tuýp lều ra ở riêng, kể lại chuyện ấy bây giờ sẽ thật khó tin khi nhìn vào cơ ngơi của anh bây giờ. Cảm nhận được khó khăn khi bắt tay gây dựng sự nghiệp nên khi kinh tế gia đình dần ổn định, anh sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ các hộ khó khăn tại địa phương vay vốn và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Cảm mến và trân trọng người con đất Thái Bình hiền lành và chăm chỉ, Phùng Kim Liên, giáo viên trường Xuân Quang đã nguyện gắn bó cuộc đời với anh. Chính chị đã luôn dõi theo và giúp anh có thêm niềm tin và những dự định của mình.

Trò chuyện với anh tôi còn biết thêm một điều khá thú vị, do thời gian tại ngũ học tập và rèn luyện tốt, Vũ Kim Trọng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, rời quân ngũ trở về, lẽ ra cuộc sống của anh đã rẽ sang một con đường khác nếu anh nhận lời vào làm tại một cơ quan nhà nước. Từ chối lời mời gọi ấy, Vũ Kim Trọng trở về với mảnh đất đã nâng đỡ mình trong lúc khó khăn để tiếp tục bước vào chặng đường làm kinh tế. "Lúc ấy gia đình khó khăn quá, trong đầu mình lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc phải làm kinh tế thì mới ổn định được cuộc sống, thế là cứ lao vào đất vào, vào rừng, vào ruộng mà làm thôi".

Hai mươi năm kể từ ngày mới đặt chân lên Lào Cai, cuộc sống  gia đình mới xem như là tạm ổn, quên đi cuộc sống riêng của mình, Vũ Kim Trọng thay cha mẹ lo cho các em ăn học rồi có cuộc sống ổn đinh. Anh em bây giờ mỗi người một nơi, cuộc sống cũng đủ đầy, nhắc đến người anh trai của mình họ đều tự hào và kính trọng.

- Tôi nghe nhiều người nói anh hình như anh hơi tham việc quá?

- Mình là nông dân mà, không tham việc thì còn tham gì nữa

- Anh cũng nhiều dự định lắm thì phải

- Cũng không có dự định gì lớn đâu, mình còn sức thì còn làm thôi

(Còn nữa)

Mạnh Dũng - Phạm Khánh (Báo Lào Cai)

(Bài dự thi viết về đề tài người Thái Bình, đất Thái Bình)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày