Thứ 7, 23/11/2024, 03:39[GMT+7]

Tiên phong đưa máy cấy, mạ khay xuống đồng

Thứ 3, 16/07/2019 | 09:13:06
5,515 lượt xem
“Tại Thái Bình, cơ giới hóa trong nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt với cây lúa. Tuy nhiên, tỷ trọng cơ giới hóa không đồng đều trong khi khâu làm đất, thu hoạch gần như đạt 100% thì với khâu cấy, gieo mạ vẫn đang tiến triển chậm dù tỉnh và các ban, ngành luôn khuyến khích bà con nông dân đầu tư vào khâu này”

Cơ sở sản xuất mạ khay tại xã Thụy Phúc (Thái Thụy) của anh Huyến.

 Đó là chia sẻ của anh Đỗ Đức Huyến, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Phúc Sơn (xã Đông Hợp, Đông Hưng), được xem là một trong những người tiên phong đưa máy cấy, mạ khay xuống đồng ruộng Thái Bình.

Tình cờ biết đến anh qua quảng cáo dịch vụ mạ khay, cấy máy kèm số điện thoại in sau áo của anh Nguyễn Văn Kiên, xã Tân Phong (Vũ Thư) - một trong những “đại điền chủ” tích tụ ruộng đất tiêu biểu hiện nay, chúng tôi tìm về xã Thái Phúc, một trong những cơ sở sản xuất mạ khay của Công ty. Khi Thái Bình cũng như các tỉnh trong vùng đang bước vào gieo cấy lúa mùa, buổi trò chuyện liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại liên hệ thuê máy, mua mạ khay...

Rẽ ngang...

Khởi nghiệp và có kinh tế khá vững chắc với nhiều lĩnh vực: kinh doanh gỗ, nước sạch..., tuy nhiên, năm 2010, sau chuyến đi Thanh Hóa, tình cờ tham quan mô hình sản xuất mạ khay, cấy máy, ngay lập tức ý tưởng đưa máy cấy về Thái Bình vụt sáng trong anh Huyến. 

Anh chia sẻ: Khi quyết định làm dịch vụ mạ khay, cấy máy, ngoài tính toán hiệu quả kinh tế, tôi còn mong muốn góp phần nhỏ bé tạo nên thay đổi cho nông nghiệp Thái Bình, giúp nông dân bớt cơ cực trên đồng ruộng. Mặc dù tỉnh, các ban, ngành đã có những chính sách khuyến khích mở rộng cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhất là khâu gieo cấy nhưng bà con nông dân vẫn không mặn mà. Một phần vì thị hiếu của người nông dân, chủ ruộng vẫn chuộng những phương thức cấy truyền thống như gieo sạ, cấy tay. Chính vì nhầm tưởng những phương thức này giúp cấy dày, nhiều để tăng năng suất. Ngoài ra, cấy máy đòi hỏi đầu tư lớn về máy cấy, máy làm đất, máy gieo mộng, khay mạ cũng như mặt bằng để gieo mạ. Nhận thấy thị trường Thái Bình còn quá trống để phát triển dịch vụ này, tôi đã mạnh dạn đầu tư máy cấy, hệ thống máy gieo hạt, khay đựng... đồng thời tham quan, học hỏi kỹ thuật. Ban đầu, do cấy bằng máy, mật độ khóm lúa thưa, người dân phần vì tiếc ruộng, phần chưa tin tưởng nên nhiều hộ đã mang máy ra bừa đi để cấy lại bằng tay. Tôi phải giải thích, thuyết phục rồi viết giấy cam kết bảo đảm năng suất, sản lượng, người dân mới tạm yên tâm. Một vụ, hai vụ, nhận thấy lợi ích từ cấy máy: tăng năng suất từ 5 - 10%, giảm lượng giống mà còn giảm sâu bệnh, cây lúa chống đổ tốt người dân mới hoàn toàn bị thuyết phục. Cấy máy, một trong những yếu tố quyết định chính là chất lượng khay mạ, trong đó ngoài giống thì giá thể (gồm đất, mùn cưa, phân lân) dùng để gieo mộng đóng vai trò quan trọng. Do chưa có kinh nghiệm, thời gian đầu, tôi sử dụng đất thịt lấy ở ruộng lên nghiền nhỏ để làm giá thể, tuy nhiên mạ gieo lên bị chết chỏm, không bảo đảm mật độ cấy. Sau nhiều lần tìm hiểu, tôi vào Thanh Hóa mua đất đồi về làm, đất tơi xốp, nhẹ hơn nên thoáng khí, mạ lên đều, cứng cây.

“Người đỡ đầu” của nhiều chủ máy cấy

Đến nay, sau 9 năm gây dựng và phát triển, Công ty TNHH Kinh doanh Phúc Sơn do anh Huyến làm chủ đã trở thành “người đỡ đầu”, “người thầy” của hàng trăm chủ máy cấy trong và ngoài tỉnh. 

Anh Huyến chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, chúng tôi đã cung cấp khoảng 150 máy cấy các loại, có nhiều cơ sở sử dụng các dịch vụ: máy cấy, mạ khay của Công ty, mỗi vụ cấy thuê khoảng 600 mẫu. Ngoài cung cấp máy cấy của các hãng: Kubota, Yanmar, mạ khay, giá thể, chúng tôi còn hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở, trong đó có các cá nhân tích tụ ruộng đất như: anh Kiên (Vũ Thư), chị Lanh, anh Lưỡng (Kiến Xương) hay các HTX có dịch vụ cấy máy như HTX SXKD DVNN xã Độc Lập, HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà)... Tính riêng dịch vụ cấy máy, trừ mọi chi phí, anh Huyến thu lãi 120.000 đồng/sào/vụ, với khoảng 600 mẫu mang lại thu nhập 720 triệu đồng mỗi vụ.

Gọi anh Huyến là “người đỡ đầu” của nhiều chủ máy cấy cũng không sai bởi ngoài hỗ trợ kỹ thuật, anh còn trợ giúp về tài chính cũng như chia sẻ kinh nghiệm, cầm tay chỉ việc cho những cơ sở mới hình thành khi gặp khó khăn. 

Anh Nguyễn Thành Duy, thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc cho biết: Do gieo cấy 1,2 mẫu ruộng nên tôi đầu tư đầy đủ các loại máy: máy cấy, máy làm đất, máy gặt đập liên hợp. Và thật may mắn khi được biết đến anh Huyến, tất cả những khó khăn, vướng mắc ban đầu khi bắt tay vào làm như: vốn, kỹ thuật tôi đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm của anh. Kết thúc mùa vụ, tôi lại làm thuê cho anh Huyến, đi cấy, gặt ở các tỉnh khác.

Dự định thời gian tới

Hiện nay, anh Huyến đã tập hợp hơn 60 chủ máy cấy trong tỉnh, hình thành Hiệp hội máy cấy Thái Bình. Trước mỗi mùa vụ, Hiệp hội tổ chức họp để nắm tình hình hoạt động của các thành viên, chia sẻ kinh nghiệm cũng như kịp thời tương trợ nhau khi gặp khó khăn. 

Anh Huyến tâm sự: Hiệp hội được thành lập với mong muốn gia tăng lượng máy cấy trong tỉnh từ đó nhân rộng diện tích cấy bằng máy, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân bởi thực tế hiện nay, với khoảng gần 70 máy cấy ở các huyện, thành phố, do tính chất thời vụ nên chúng tôi chỉ phục vụ được khoảng trên 600 mẫu ruộng, trong khi nhu cầu thuê máy của người dân ngày càng gia tăng. Tôi cũng đi tìm hiểu thị trường máy cấy cũ của Nhật, với giá về Việt Nam khoảng 80 triệu đồng/máy cấy 6 hàng trong khi chất lượng, tuổi thọ của máy còn rất tốt. Thay vì đầu tư một máy có công suất tương đương với giá trên 300 triệu đồng, sử dụng máy Nhật cũ sẽ thu hồi vốn trong khoảng 2 vụ cấy. Thời gian tới tôi dự định sẽ nhập máy này về để bán cho nông dân.

Theo anh Huyến, nông dân ở một số địa phương có truyền thống gieo thẳng như xã Mê Linh (Đông Hưng) đã liên hệ với anh, đầu tư máy về cấy, thay thế cho gieo vãi đã cố hữu từ nhiều năm nay. Thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất là việc làm cần thiết để hướng tới nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra sản phẩm an toàn. Sản xuất nông nghiệp rất cần có những người dám nghĩ, dám làm và tận tâm với đồng ruộng, với nông dân như anh Huyến.


Ngân Huyền

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)