Thứ 7, 23/11/2024, 03:00[GMT+7]

Giá thóc, gạo nhiều biến động

Thứ 4, 15/11/2017 | 09:18:41
7,388 lượt xem
Giá thóc, gạo thay đổi từng ngày nhưng đều cao hơn so với trước khi thu hoạch lúa mùa và cùng kỳ nhiều năm là nhận định của nhiều thương lái, nông dân. Để bảo đảm thực hiện hợp đồng, một số doanh nghiệp đã phải thu mua thóc từ thị trường miền Trung, miền Nam.

Để bảo đảm sản xuất, Công ty TNHH Liên Hạnh thu mua thóc từ thị trường miền Trung, miền Nam.

Giá thóc, gạo tăng cao, nông dân ngậm ngùi còn người tiêu dùng mong muốn các ngành chức năng có giải pháp mạnh hơn bình ổn giá, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, tiêu dùng.


Vụ mùa năm 2017, những diện tích lúa không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh có năng suất tương đương vụ mùa năm 2016. 

Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn An Ký Đông, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 5 sào bằng các giống BC15, Bắc thơm 7. Nếu không bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn gây ngập úng đầu tháng 10, năng suất lúa cũng đạt trên 2 tạ/sào, tương đương những vụ trước. Nhưng do lúa đổ gập lúc đang vào chín, phải gặt non nên năng suất giảm nhiều. Giá thóc tăng cao nhưng nông dân không có thóc bán.

Nhiều nông dân cho hay, do ảnh hưởng của bệnh lùn sọc đen và bão số 10 làm cho sản lượng lúa vụ mùa giảm. Lúa được thu hoạch nhưng chất lượng gạo cũng kém bởi hạt thóc nảy mầm ngay khi còn trên cây lúa. Do sản lượng giảm đã ảnh hưởng tới thị trường thóc, gạo trên địa bàn tỉnh. 

Bà Vũ Thị Vân, thôn Thống Nhất, xã Vũ Tây (Kiến Xương) cho biết: Từ nhiều năm nay, gia đình tôi thu mua thóc của nông dân sau đó về xay xát rồi bán lẻ, bán buôn đi khắp các cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi tháng gia đình tôi thu mua khoảng trên 10 tấn thóc, chủ yếu là nếp và Bắc thơm 7. Như những vụ trước, vào thời điểm này, có ngày gia đình tôi thu mua lên tới cả tấn thóc, người dân thu hoạch xong, phơi khô rồi gọi tôi đến thu mua. Nhưng vụ mùa năm nay do thiệt hại bởi sâu bệnh, thiên tai khiến thị trường thóc khan hiếm, nhiều ngày nay tôi không thu mua được hạt thóc nào, máy móc chủ yếu phục vụ người dân xay xát nhỏ lẻ.

Trung bình mỗi tháng cơ sở xay xát của ông Tạ Duy Miêng, xã Minh Tân (Hưng Hà) thu mua khoảng 80 tấn thóc các loại. 

Ông Miêng cho biết: Theo quy luật thị trường, sau mỗi vụ thu hoạch lúa luôn là thời điểm thóc, gạo có mức giá thấp hơn do nguồn cung dồi dào thì năm nay, quy luật này lại hoàn toàn trái ngược. Từ sau bão số 10, giá thóc, gạo liên tục tăng cao, trung bình tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm cao nhất giá thóc Bắc thơm thu mua vào 11.000 đồng/kg, gạo bán ra 16.000 đồng/kg; thóc BC15 thu mua vào 8.500 đồng/kg, bán ra 13.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này duy trì không lâu do thóc, gạo từ miền Trung và miền Nam chuyển ra nên giá có giảm. Hiện tôi thu mua thóc BC15 với giá 7.500 đồng/kg; thóc Bắc thơm 7 có giá 9.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ghé qua một số cửa hàng chuyên bán gạo trên địa bàn thành phố Thái Bình, giá gạo ở mức cao “ngất ngưởng”. 

Bà Võ Thị Lan, chủ đại lý gạo Lan Bách trên đường Minh Khai cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về đa dạng các loại gạo, ngoài Thái Bình, chúng tôi nhập thêm gạo Nam Định, gạo Thái Lan. Vụ mùa năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh khiến nguồn cung khan hiếm, giá thóc, gạo ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đều tăng ở các mức độ khác nhau, thay đổi theo từng ngày. Hiện nay, giá bán một số loại gạo thông dụng như Bắc thơm 7 là 17.000 đồng/kg, BC15 14.000 đồng/kg, cao hơn từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với trước vụ thu hoạch và cùng kỳ mọi năm. Mức giá này là cao nhất từ trước đến nay. Người tiêu dùng có thắc mắc nhưng do chúng tôi nhập vào giá cao nên bắt buộc phải tăng giá bán.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của tỉnh, trung bình mỗi tháng Công ty TNHH Liên Hạnh xuất ra thị trường gần 2.000 tấn gạo nếp, tẻ các loại. Những biến động về giá thóc, gạo đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty. 

Bà Trần Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty cho biết: Vụ mùa năm nay Công ty ký hợp đồng liên kết với 15 HTX trong tỉnh (bằng 30% nguồn cung). Tuy nhiên, do sản lượng thóc giảm, đến nay Công ty chưa thu mua được của đơn vị nào. Vì thế, để bảo đảm sản xuất, chúng tôi phải chuyển hướng, mở rộng thu mua thóc từ thị trường miền Trung, miền Nam. Do khoảng cách mùa vụ dài, tâm lý dự trữ gạo vì nỗi lo “tháng ba ngày tám”, cạnh tranh của các đại lý mong thu mua được nhiều thóc phục vụ thị trường dịp cuối năm nên nhiều khả năng, giá thóc, gạo ở miền Bắc nói chung và Thái Bình nói riêng sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày