Thứ 7, 30/11/2024, 00:35[GMT+7]

Thực hiện chính sách đối với người nhiễm chất độc hóa học: 20 năm-vừa làm, vừa sửa Kỳ 3: Lọc nước trong, chặn cò

Thứ 7, 19/06/2021 | 21:37:28
2,045 lượt xem
“Da cam thì ít, da quýt thì nhiều”, đó là những ồn ào trong nhiều năm thực hiện chính sách cho nạn nhân da cam. Trước những ồn ào và khiếu kiện kéo dài, các ngành chức năng tại Thái Bình đã vào cuộc điều tra, đưa nhiều vụ việc ra khởi tố, xét xử. Đặc biệt, một cuộc tổng rà soát toàn bộ hồ sơ người hưởng chính sách giai đoạn từ 2000-2009 và thực chứng tại nhiều địa phương đã được thực hiện, qua đó thực hiện dừng chính sách đối với hàng nghìn trường hợp.

Tổ công tác thực chứng của tỉnh tổ chức thực chứng, kiểm tra, đánh giá lại tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến.

10 năm khởi tố 20 vụ án, 49 bị can liên quan đến chạy chế độ nạn nhân da cam

Mất vài chục triệu để được hưởng chính sách cả đời, những lời truyền tai trong cộng đồng đã làm không ít người sốt ruột tin theo các đối tượng “cò” gửi niềm hy vọng vào việc “chạy” hồ sơ. Theo số liệu tổng hợp của Công an tỉnh Thái Bình, từ năm 2010 đến nay, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố, điều tra 20 vụ với 49 bị can liên quan đến hoạt động “chạy” chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh, trong đó từ năm 2018 đến nay đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án nổi cộm. Điển hình là vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Lại Thị Thấm, sinh năm 1973,  trú tại thôn Thọ Trung, xã Minh Châu (nay là xã Minh Phú, huyện Đông Hưng). Trong thời gian công tác tại Trường Mầm non Minh Châu, mặc dù không có chức năng tiếp nhận hồ sơ để giải quyết chế độ, chính sách, tuy nhiên lợi dụng là cán bộ công chức, Thấm đã câu kết với Đặng Đình Độ, thôn Nứa, xã Liên Hiệp (Hưng Hà) và một số đối tượng tự giới thiệu quen biết nhiều lãnh đạo có khả năng chạy được chế độ chính sách khiến nhiều người có nhu cầu hưởng chế độ chất độc da cam, chế độ thương binh đã giao tiền và hồ sơ nhờ Thấm chạy chế độ. Trong thời gian từ năm 2007 đến tháng 6/2019, Thấm đã dùng các thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 2,5 tỷ đồng của 28 người. Sau khi nhận tiền, Thấm không thực hiện được việc chạy chế độ và dùng toàn bộ số tiền sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân.

Cũng giống như Lại Thị Thấm, đối tượng Trần Thị Kiêm, sinh năm 1961, thôn Tân Hòa, xã Tân Lễ (Hưng Hà) cũng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, từ năm 2014 đến tháng 10/2019, nắm bắt được nhu cầu làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách của một số người dân trên địa bàn tỉnh, đối tượng Kiêm khoe quen biết rộng, có thể chạy chế độ chất độc da cam. Tin lời Kiêm, 42 trường hợp thuộc các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Kiến Xương đã giao hồ sơ và tổng số tiền trên 2 tỷ đồng đề nhờ chạy chế độ, chính sách, chạy giấy tờ, bệnh án. Sau khi nhận tiền, do không làm được như đã hứa hẹn nên Kiêm đã trả lại cho bị hại số tiền 187 triệu đồng. Số tiền Kiêm chiếm đoạt trên 1,8 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của Lại Thị Thấm, Trần Thị Kiêm đã bị cơ quan chức năng phát hiện và truy tố trước pháp luật. Trong quá trình điều tra, xét xử, đã có nhiều trường hợp liên quan đến nhiều ngành, nghề tham gia vào các đường dây “chạy” chế độ da cam, trong đó đáng chú ý có 5 cán bộ ngành lao động thương binh xã hội đã bị xét xử, kết án.

Tạo việc làm cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh.

Rà soát, thực chứng, dừng chế độ hàng nghìn trường hợp

Năm 2014, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện cuộc thanh tra việc thực hiện chính sách cho nạn nhân chất độc da cam tại hai huyện Đông Hưng, Kiến Xương. Năm 2017, tiếp tục thực hiện thanh tra tại huyện Quỳnh Phụ. Sau các cuộc thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thái Bình đã thực hiện đợt rà soát lại toàn bộ các trường hợp hưởng chính sách từ năm 2000-2009 (đây là thời điểm chưa có các quy định cụ thể của trung ương về hướng dẫn thực hiện chính sách cho nạn nhân da cam). Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các công văn chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương thực hiện nghiêm túc việc rà soát. Đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ 19.093 hồ sơ người HĐKC bị nhiễm CĐHH lập từ năm 2000-2009. Qua rà soát đã dừng trợ cấp 354 trường hợp vì không bổ sung được hồ sơ giấy tờ chứng minh chiến trường, đến nay đã có 235 trường hợp đã chết, còn 119 trường hợp đình chỉ hưởng chính sách từ ngày 1/8/2018. Có 519 trường hợp là con đẻ của người HĐKC có quyết định đình chỉ trợ cấp từ ngày 1/8/2018 vì không đủ điều kiện theo quy định. Cũng từ năm 2018 đến tháng 1/2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện tiếp 4 đợt dừng trợ cấp đối với người HĐKC nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ chính sách này.  

Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, quá trình rà soát và thực chứng đã được huy động nhân lực toàn ngành thực hiện rất kỹ càng, chính xác. Bởi việc thực hiện chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người HĐKC, không thể để những người có công với cách mạng phải chịu thiệt thòi, nên đối với từng hồ sơ đều được rà soát rất thận trọng. Tất cả các trường hợp đã có quyết định dừng trợ cấp đều là những trường hợp có hồ sơ không đủ các điều kiện theo quy định về hưởng chính sách và cả qua thực chứng không chứng minh được tình trạng bệnh hay dị dạng, dị tật của bản thân người HĐKC và con đẻ theo quy định. Đối với các trường hợp còn ý kiến thắc mắc và còn có đề nghị được làm hồ sơ bổ sung để chứng minh tình trạng liên quan đến phơi nhiễm CĐHH của mình, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn tiếp tục tiếp nhận, hướng dẫn làm hồ sơ bổ sung, hướng dẫn thủ tục giám định y khoa. Nếu đủ điều kiện sau khi bổ sung hồ sơ và giám định y khoa, vẫn được tiếp tục hưởng chế độ. Cuối năm 2020, các ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Cựu chiến binh tiếp tục phối hợp thực chứng phúc quyết 444 trường hợp còn có ý kiến với kết quả thực chứng.

Việc thực hiện chính sách đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH là việc đã thực hiện trong nhiều năm, qua nhiều giai đoạn. Những bất cập, sai sót trong quá trình thực hiện chính sách do nhiều nguyên nhân. Việc khắc phục những bất cập, sai sót, hạn chế đã và đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương thực hiện nhằm bảo đảm chính sách được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định.


Trung tá Hà Minh Đức, Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh

Trong các vụ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hầu hết đều xuất phát từ việc người dân bị các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin. Bản thân người dân khi nghe đối tượng tư vấn không hỏi người có chức năng nhiệm vụ và không thực hiện theo đúng quy trình. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chưa chuẩn, dẫn đến sai phạm. Chính vì những sai phạm của cán bộ nên những người có nhu cầu đi làm chế độ họ cũng hiểu sai về bản chất chế độ, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước cũng như quan điểm của của tỉnh đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, đây chỉ là một số con sâu làm rầu nồi canh, nhưng xét chung lại vẫn là ý thức của người có nhu cầu làm. Nếu chúng ta làm đúng quy trình sẽ không có điều kiện để nảy sinh tội phạm.  


Ông Phạm Chí Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thư

Để không xảy ra tình trạng chạy chế độ, trước tiên chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng để mọi người hiểu được điều kiện, quy trình, thủ tục hưởng chế độ chất. Tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là hội nạn nhân da cam, hội cựu chiến binh cấp huyện, xã để truyền tải các chủ trương, chính sách trong việc thực hiên các chế độ, chính sách đối với người có công một cách nhanh nhất, không để cho kẻ xấu có cơ hội lợi dụng. Bên cạnh đó, phải hướng dẫn cho người dân biết được cơ quan, đơn vị có đủ thẩm quyền thực hiện các chế độ, chính sách, có như vậy mới giải quyết dứt điểm được tình trạng trục lợi chính sách.


Ông Vũ Đức Nam, Chủ tịch UBND xã Quang Trung, huyện Kiến Xương

Trong những năm qua, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với có công với cách mạng luôn được địa phương thực hiện theo đúng quy trình, từ việc tiếp nhận, rà soát hồ sơ. Chỉ những người có nhu cầu chúng tôi mới tiếp nhận, không nhận hồ sơ qua trung gian. Chúng tôi luôn quán triệt quan điểm phải làm đúng theo quy định, cán bộ sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Để tránh việc trục lợi chính sách, địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu đầy đủ các quy định của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Khi người dân hiểu đúng sẽ không có tư tưởng chạy chế độ, khi đó tình trạng trục lợi sẽ không xảy ra.

Trần Hương - Nguyễn Cường