Thứ 7, 10/08/2024, 20:19[GMT+7]

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Góp phần thực hiện an sinh xã hội

Thứ 5, 24/01/2013 | 08:08:29
805 lượt xem
Trong một lần trả lời phỏng vấn giới báo chí về vấn đề làm thế nào để thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng “Dạy nghề, tạo việc làm là nguồn cội của mọi vấn đề để bảo đảm an sinh xã hội”. Đó cũng chính là lý do mà thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh dồn nhiều tâm sức vào việc dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, con em họ và các tầng lớp nhân dân, góp phần an sinh xã hội, thực hiện các tiêu chí: 14, 10, 11, 12

Sau một tháng học nghề, chị Nguyễn Thị Xuân, thôn Tú Ninh đã tự tay làm ra sản phẩm tranh thêu đẹp

Việc tăng cơ hội học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, Hội LHPN tỉnh hướng tới không chỉ góp phần bảo đảm quyền được học nghề, có việc làm của phụ nữ đã quy định trong Luật Bình đẳng giới, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015” mà mục đích cao cả hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống, vị thế, vai trò cho chị em.

Năm 2012, Trung tâm dạy nghề Tỉnh Hội tiếp tục mở được gần 40 lớp đào tạo nghề cả ngắn hạn và dài hạn cho hàng nghìn chị em, như: may công nghiệp, may thời trang, tin học văn phòng, kỹ thuật nấu ăn, nghề thủ công truyền thống, đào tạo kiến thức quản lý doanh nghiệp… Thời gian đào tạo phù hợp với trình độ văn hóa, điều kiện làm việc và nhu cầu của cả người lao động và đơn vị sử dụng người lao động. Sau mỗi khóa học, trung tâm đều tổ chức thi kiểm tra tay nghề, hầu hết đều có tay nghề vững vàng, làm ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động.

Nỗi lo lớn nhất của những người học nghề là học xong không có việc làm hoặc làm không đúng nghề, nhưng học ở Trung tâm dạy nghề của Tỉnh Hội, các học viên học nghề may sẽ được tư vấn, giới thiệu đi làm tại các công ty, xí nghiệp có uy tín, như: Công ty CP may xuất khẩu Việt Thái, Công ty may TAV… và trong cụm, điểm công nghiệp tại địa phương. Học viên học nấu ăn được giới thiệu vào làm ở các cửa hàng, quán ăn, phục vụ nấu ăn tại các công ty, xí nghiệp hoặc tự mở nhà hàng riêng. Học viên học tin học văn phòng chủ yếu là cán bộ, hội viên, con em họ, học xong sẽ biết sử dụng và đánh máy thành thạo các loại văn bản, các loại báo cáo phục vụ hoạt động công tác Hội.

Còn 750 học viên là phụ nữ nông thôn 6 xã: Đông Quý, Đông Hải, Nam Hồng, Đông Xuyên, Vân Trường (Tiền Hải), Tân Bình (Thành phố Thái Bình), sau một tháng học các nghề móc hộp, mây tre đan, thêu ren xuất khẩu, 90% có tay nghề khá làm ra sản phẩm đạt chất lượng, được chủ hàng chấp nhận, thu nhập bước đầu đạt 2 – 2,5 triệu đồng/tháng. Với sự khéo tay, nhanh mắt, chị Phương, chị Ly (thôn Đồng Thanh), chị Xuân (thôn Tú Ninh), học viên của lớp học nghề thêu do Tỉnh Hội tổ chức tại Tân Bình giờ đã thêu được những mẫu hàng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, như: áo Kimônô của Nhật Bản, hàng Triều Tiên, thêu tranh. Các chị khẳng định: Nghề thêu phù hợp với tất cả chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, vì vừa làm nghề, vừa có thể tăng gia phát triển sản xuất, chăn nuôi, lại tranh thủ làm việc nhà, dù thu nhập không bằng đi làm ở công ty nhưng đó là nguồn thu không nhỏ, giúp chị em trang trải cuộc sống thường ngày… Đây cũng là cơ hội giúp phụ nữ nông thôn được học nghề mà không phải đi xa, ngành nghề đào tạo phù hợp với sức khỏe và năng lực.

Cùng với Hội LHPN tỉnh, các cấp hội phụ nữ cũng kết hợp với các nữ chủ doanh nghiệp mở 367 lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp cho trên 14.000 lao động nữ, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10.000 người. Toàn tỉnh, hiện có 90% xã, phường, thị trấn duy trì các nghề: thêu ren, móc hộp, mây tre đan, khâu bóng, làm lưỡi câu, đính hạt cườm… Điển hình như: Hội LHPN Tiền Hải, mở 129 lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ, nuôi trồng thủy sản cho gần 4000 chị; Hội LHPN Kiến Xương, mở 78 lớp dạy nghề, thu hút trên 2.700 chị tham gia học nghề…

Hội LHPN tỉnh còn tiến hành khảo sát, thống kê nhu cầu của các nữ chủ doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, chú trọng các nhu cầu về vốn, tìm kiếm thị trường, nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành doanh nghiệp… Hội phụ nữ các cấp tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các nữ chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng tại địa phương làm thủ tục vay vốn kinh doanh, tham mưu với các ngành chức năng hỗ trợ hơn 1000 cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vay trên 17 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đồng vốn hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nữ, với thu nhập ổn định. Những việc làm này nhằm giúp các nữ doanh nghiệp vơi bớt khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế hiện nay, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm an sinh xã hội.

Hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn của các tổ chức Hội phụ nữ thời gian qua đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, giảm thiểu tai tệ nạn xã hội, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Đó là cách làm an sinh xã hội của Hội phụ nữ, một cách làm đúng, đem lại hiệu quả thiết thực nhất.

Bài, ảnh: Thu Hiền

  • Từ khóa