Thứ 5, 21/11/2024, 23:43[GMT+7]

Xóa bỏ sự kỳ thị trong phòng chống lao

Thứ 3, 26/03/2013 | 08:14:57
812 lượt xem
Với hơn 40% dân số nhiễm lao, bất kỳ ai trong số này cũng có thể chuyển sang mắc lao. Khi một người không may mắc bệnh lao, họ cần được sự chia sẻ và hỗ trợ của cả cộng đồng.

Khám, tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi

Sau khi bị ho nhiều ngày, tự mua thuốc uống không khỏi, bà Trương Thị T (Thị trấn Kiến Xương) được gia đình đưa đến bệnh viện khám, bác sỹ kết luận bà mắc lao. Bà T cho biết khi đó bà đã rất lo lắng vì bà vẫn nghĩ bệnh lao không thể chữa khỏi và sẽ lây lan rất nhanh. Song, sau khi được tư vấn, được hướng dẫn dùng thuốc, sức khỏe của bà hồi phục. Đã qua giai đoạn điều trị tấn công, hiện tại, bà T vẫn đang trong giai đoạn điều trị duy trì. Bà T hiểu rõ đây là thời điểm bệnh của bà không còn có khả năng lây sang người khác, tuy nhiên, bà vẫn giấu bạn bè, hàng xóm. Đang ở một mình nên bà lo khi biết bà mắc lao, mấy bà bạn già sẽ sợ hãi, không dám sang chơi nữa, khi ấy thân già sẽ thui thủi một mình cả ngày.

Khác với trường hợp của bà Trương Thị T là trường hợp của anh Nguyễn Văn H (Thành phố). Bị ho dài tháng, sút cân, thấy sức khỏe sa sút nhiều anh đi khám mới biết mình mắc lao. Đang làm công nhân trong một công ty may, không dám công khai bệnh vì sợ mất việc làm, anh xin nghỉ phép, giấu mình nằm viện điều trị. Hết giai đoạn tấn công, sức khỏe chưa hồi phục hẳn nhưng anh vẫn đi làm vì sợ nghỉ dài ngày việc giấu bệnh sẽ lộ.

Những bệnh nhân mắc lao và muốn giấu bệnh của mình như bà T và anh H không phải là ít gặp. Bác sỹ Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và bệnh phổi cho biết: Tâm lý lo sợ khi biết mình mắc lao là tâm lý của hầu hết bệnh nhân lao. Một phần vì bệnh tật, song sự lo sợ nhiều hơn đối với họ là sợ sự không chấp nhận của cộng đồng, sợ bị kỳ thị, sợ bị xa lánh và phân biệt trong đối xử. Đây cũng là nhận định của đội ngũ cán bộ phòng chống lao tại cơ sở.

Bác sỹ Hoàng Thị Lanh, thư ký chương trình chống lao, Trung tâm y tế Kiến Xương cho biết mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng, y tế tuyến cơ sở đã đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, người dân được tăng kiến thức về bệnh lao song những hiểu biết đúng và đủ về bệnh vẫn còn hạn chế. Điều này là nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị về bệnh lao vẫn còn tồn tại. Sự kỳ thị này tồn tại trên hai khía cạnh: cộng đồng với người bệnh và sự mặc cảm của bản thân người bệnh. Người bệnh có thể có hiểu biết về lao, có thể ý thức được sự nguy hiểm của bệnh, tuy nhiên họ lại bị ám ảnh rằng bản thân sẽ bị cộng đồng xa lánh, cô độc. Chính những lo sợ này dẫn đến hành vi cố tình che giấu bệnh, không đi khám hoặc sẽ tìm đến cơ sở y tế tư nhân và điều trị "chui".

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Giám đốc bệnh viện Lao và bệnh phổi giải thích: khi mắc lao, do người bệnh tự dùng thuốc kháng sinh hoặc đi đến cơ sở y tế tư nhân điều trị, bệnh không khỏi, thời gian ủ bệnh kéo dài. Khi sử dụng kháng sinh cũng làm cho việc xác định và điều trị bệnh trở nên khó khăn. Giấu bệnh, tự điều trị và điều trị "chui" là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc, lao kháng đa thuốc, lao tái phát và lao ngoài phổi tăng cao những năm gần đây trở thành thách thức lớn đối với công tác phòng chống lao hiện nay.

Các nhà chuyên môn phân tích sẽ không có một nhân viên y tế nào có thể gần dân, sát dân, hiểu về sức khỏe người dân hơn chính bản thân họ. Bởi vậy, việc phát hiện và điều trị lao muốn đạt hiệu quả, việc cần làm là xóa bỏ tâm lý phân biệt, kỳ thị của toàn xã hội đối với căn bệnh này. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân có những hiểu biết chưa đúng về căn bệnh này. Ngay trên các phương tiệân thông tin đại chúng vẫn còn đăng các thông báo tuyển việc làm với yêu cầu: "Không nhận người mắc bệnh xã hội, mắc bệnh lao...". Với hơn 40% dân số nhiễm lao, bất kỳ ai trong số này cũng có thể chuyển sang mắc lao. Khi một người không may mắc bệnh lao, họ cần được sự chia sẻ và hỗ trợ của cả cộng đồng. Cần được tạo điều kiện trong công việc để được điều trị khỏi, phục hồi sức khỏe, nhanh chóng trở về với công việc và cuộc sống bình thường. Những thông tin tuyển việc như trên sẽ vô hình là sự phản tác dụng lớn trong tuyên truyền về phòng chống lao hiện nay.

Bài, ảnh: Trần Hương


  • Từ khóa