Thứ 5, 16/01/2025, 01:02[GMT+7]

Chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Hiểu đúng, thực hiện nghiêm Kỳ 2: Minh bạch tạo đồng thuận

Thứ 3, 29/08/2023 | 08:25:42
6,298 lượt xem
Sau quá trình rà soát, thực chứng, mặc dù còn ý kiến, kiến nghị từ phía công dân song việc chấn chỉnh, cương quyết dừng thực hiện chính sách đối với các trường hợp chưa đúng, chưa đủ điều kiện được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tổ công tác thực chứng của tỉnh tổ chức thực chứng, kiểm tra, đánh giá lại tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến. Ảnh tư liệu

Rà soát cẩn trọng, thực chứng minh bạch

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Với mục tiêu không để người HĐKC bị nhiễm CĐHH bị thiệt thòi, không bỏ lọt các trường hợp đúng, đủ điều kiện mà không được hưởng chính sách, quá trình rà soát hồ sơ, thực chứng đã được ngành huy động lực lượng thực hiện hết sức cẩn trọng, minh bạch. Qua rà soát, phát hiện hồ sơ chưa đúng, chưa đủ điều kiện theo quy định đều có hướng dẫn cụ thể cho đối tượng bổ sung hồ sơ. Nếu bổ sung được và hồ sơ đủ điều kiện vẫn tiếp tục thực hiện chính sách đối với các trường hợp đó. Nếu người bị dừng hưởng chế độ có yêu cầu giám định y tế để bổ sung hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục giới thiệu đến Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để giám định, xác định bệnh, tật, dị dạng, dị tật làm cơ sở hưởng chính sách. Nếu trường hợp dừng thực hiện chính sách là đối tượng gián tiếp mà có khuyết tật sẽ được chuyển là đối tượng bảo trợ xã hội.

Trên thực tế, sau rà soát và thực chứng đã có nhiều trường hợp bổ sung được hồ sơ chứng minh tham gia chiến trường hoặc bổ sung được hồ sơ y tế có mắc bệnh nằm trong danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật quy định tại Quyết định số 09 của Bộ Y tế nên đã được hưởng lại chế độ. 

Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thái Thụy cho biết: Tại Thái Thụy, từ năm 2020 đến nay có hơn 500 trường hợp bị dừng chế độ, đã có 29 trường hợp bổ sung được hồ sơ hoặc giám định lại sức khỏe và được hưởng lại chính sách.

Tại Vũ Thư, bà Trần Thị Minh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện cho biết: Với những trường hợp dừng chế độ trên địa bàn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện đều nắm đầy đủ thông tin hồ sơ. Với các trường hợp mất giấy tờ hoặc có giấy tờ chưa đủ điều kiện để chứng minh tham gia chiến trường, Hội tích cực phối hợp cùng với ngành chức năng hỗ trợ các công dân vào chiến trường cũ hoặc đề nghị với Bộ Quốc phòng tạo mọi điều kiện để các công dân xin được xác nhận thời gian tham gia kháng chiến. Như trong thời gian qua tại địa phương có ông Phạm Văn Phượng, xã Minh Quang bị dừng chế độ trợ cấp người HĐKC bị nhiễm CĐHH từ năm 2019 do chưa bảo đảm hồ sơ giấy tờ chứng minh chiến trường. Ông đã được các ngành chức năng đề nghị Bộ Quốc phòng thẩm định, bổ sung đầy đủ hồ sơ. Năm 2020, ông đã được hưởng lại chế độ theo quy định. 

Ông Phượng chia sẻ: Tôi rất tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với sự minh bạch, khách quan trong thực hiện các quy định như hiện nay, những người thực sự đủ điều kiện nếu bổ sung được hồ sơ chắc chắn sẽ được hưởng chính sách như tôi.

Cũng tại huyện Vũ Thư, ông Trần Xuân Động, xã Song An là người được hưởng chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam từ năm 2009. Sau quá trình rà soát hồ sơ và thực chứng, tháng 11/2020 ông được thông báo là tạm dừng thực hiện chính sách bởi con đẻ của ông không mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh trong số 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật theo danh mục quy định. Ông đề nghị được bổ sung hồ sơ y tế đối với bản thân mình. 

Ông Động cho biết: Quá trình bổ sung hồ sơ, tôi được giới thiệu giám định sức khỏe. Qua giám định, tôi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, hiện tại tôi đã được hưởng lại chế độ. Quá trình rà soát hồ sơ, giám định sức khỏe, tôi thấy các ngành làm việc công tâm, khách quan. Nên thực sự nếu mình có bệnh đúng theo quy định thì mình sẽ được hưởng chế độ.

Chăm lo cho người có công bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm

Ghi nhận công lao, cống hiến của các thế hệ tham gia HĐKC, những năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo ngành lao động - thương binh và xã hội tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên quan tâm chăm lo cho người có công. Riêng việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công trong đó có chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH, quan điểm xuyên suốt của tỉnh là phải thực hiện nghiêm, đúng, đủ, kịp thời, bảo đảm không để người HĐKC phải chịu thiệt thòi, mất đi quyền lợi chính đáng của họ. Do nguyên nhân khách quan có nhiều sự thay đổi trong quy định của trung ương sau nhiều năm thực hiện và do việc thực hiện quy định của tỉnh chưa đúng với quy định của trung ương dẫn đến những sai sót nên phải buộc dừng thực hiện chính sách với nhiều trường hợp. Nếu người HĐKC hoặc con đẻ của họ bị dừng hưởng chính sách, các cấp, ngành liên quan phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho người bị dừng hưởng chính sách hiểu. Với các trường hợp có đề nghị bổ sung hồ sơ hoặc giám định lại sức khỏe đều phải tạo điều kiện tối đa.

Gia đình bà Bùi Thị Mậu, xã Đông Quang (Đông Hưng) là một ví dụ. Gia đình bà từng có chồng và 2 con được hưởng chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH từ năm 2000. Song, sau quá trình rà soát hồ sơ, ông không có giấy tờ chứng minh ở vùng chiến trường có ảnh hưởng của CĐHH nên 2 con ông phải dừng hưởng chính sách chuyển sang chế độ bảo trợ xã hội. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, các ngành, các cấp và nhiều tổ chức, cá nhân đã vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ. Nhiều năm nay, gia đình bà Mậu đã được xây, sửa nhà ở khang trang, cuộc sống vơi bớt khó khăn.

Cũng như gia đình bà Mậu là gia đình bà Trần Thị Phê, xã Hòa Bình (Vũ Thư) có con gái là chị Bùi Thị Bích trước đây từng được hưởng chính sách bởi thuộc trường hợp con đẻ của người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Tuy nhiên, sau khi rà soát, do không bảo đảm các điều kiện theo quy định đã dừng thực hiện. Nhưng do chị Bích bị khuyết tật thần kinh nên gia đình được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ chuyển sang chế độ bảo trợ xã hội. Hiện tại mỗi tháng chị Bích được hưởng trợ cấp 720.000 đồng, bà Phê cũng được hưởng chế độ trợ cấp cho người nuôi dưỡng. 

Bà Phê chia sẻ: Mặc dù phải dừng chế độ song các ngành chức năng của tỉnh, huyện và địa phương đã hỗ trợ gia đình hoàn thiện các thủ tục chuyển sang chế độ bảo trợ xã hội. Dù số tiền có thấp hơn trước đây song gia đình cũng không thắc mắc vì mọi quy trình đều được làm rất chặt chẽ, công khai, minh bạch theo quy định.

Ông Trần Xuân Duyên, thôn Tài Giá, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) là một trong những người bị dừng thực hiện chính sách. Hiện ông vẫn còn băn khoăn, kiến nghị về việc dừng thực hiện chính sách của mình nhưng khi nói đến việc thực hiện các chế độ đối với người có công với cách mạng, ông khẳng định Đảng, Nhà nước, tỉnh luôn có nhiều chính sách quan tâm chăm lo cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng. 

Ông Duyên tâm sự: Vài năm trước, căn nhà tôi ở xuống cấp, được tỉnh, huyện và địa phương rà soát, lập hồ sơ đề nghị và được hỗ trợ kinh phí xây nhà từ nguồn kinh phí của trung ương. Với sự hỗ trợ 40 triệu đồng đã góp phần giúp tôi có nhà ở khang trang như hiện nay. Đây là sự quan tâm rất kịp thời đối với tôi.

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Đối với từng trường hợp bị dừng thực hiện chính sách đều đã thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ. Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành thực chứng và thực chứng phúc quyết. Ngành lao động - thương binh và xã hội cũng tích cực phối hợp với các ngành, địa phương xem xét thấu đáo đối với từng trường hợp bị dừng thực hiện chính sách, nếu đáp ứng các tiêu chí theo quy định đều chuyển sang hưởng các chế độ phù hợp như đối tượng bảo trợ xã hội nếu có khuyết tật; hưởng chế độ người cao tuổi nếu đủ tuổi hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam-Điôxin.

(còn nữa)
Trần Hương - Nguyễn Cường