Thứ 2, 25/11/2024, 03:28[GMT+7]

Chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Hiểu đúng, thực hiện nghiêm Kỳ 3: Rà soát kỹ, thực hiện nghiêm để giải quyết dứt điểm

Thứ 4, 30/08/2023 | 08:42:08
9,200 lượt xem
Hàng nghìn trường hợp bị dừng thực hiện chính sách người HĐKC bị nhiễm CĐHH cơ bản đồng thuận song vẫn còn trường hợp có đơn thư, kiến nghị, thậm chí tập trung khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cần phải giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị trên tinh thần thực hiện đúng các quy định của pháp luật là nhiệm vụ mà tỉnh đặt ra.

Vào dịp lễ, tết, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh và hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin các cấp vận động kinh phí từ các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm để trao cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

Xử lý đơn thư, kiến nghị đúng quy định

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ tháng 1/2021 đến hết tháng 6/2023, Sở đã tiếp nhận 1.158 đơn kiến nghị về chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH, trong đó năm 2021 có 912 đơn, năm 2022 có 213 đơn, 6 tháng đầu năm 2023 có 33 đơn. 139 công dân có khiếu nại lần đầu; 41 công dân có khiếu nại lần 2; 123 công dân có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh, trong đó có 41 đơn kháng cáo lên tòa cấp cao sau khi có kết quả án sơ thẩm.

Ngoài đơn thư khiếu nại còn có hiện tượng công dân tập trung đông người đến các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan trung ương để kiến nghị. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Người có công để báo cáo, xin ý kiến tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các kết luận thanh tra tại Thái Bình. Đến nay, Sở đã giải quyết, trả lời, xử lý xong 1.153/1.158 đơn. Đặc biệt, sau khi rà soát, thực chứng dừng thực hiện chế độ, có nhiều đơn khiếu nại của công dân gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ về việc xử lý đơn khiếu nại của công dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát lại 80 hồ sơ, phối hợp với các ngành thực chứng 80 trường hợp để đánh giá lại tình trạng dị dạng, dị tật, kết quả cả 80 trường hợp đều không đủ điều kiện hưởng trợ cấp trong đó có 3 trường hợp không đến thực chứng, 77 trường hợp qua thực chứng kết luận con đẻ của người HĐKC không mắc dị dạng, dị tật theo quy định. Trong giải quyết khiếu nại lần 2, đến nay UBND tỉnh đã thụ lý, giải quyết 41 đơn khiếu nại lần 2, trong đó đã ban hành 27 quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 có 27/27 đơn khiếu nại sai; đã ban hành 14 quyết định đình chỉ khiếu nại do 2 công dân rút đơn khiếu nại, 12 công dân chuyển đơn khởi kiện đã được Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý.

Tích cực phối hợp, quan tâm giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của công dân về thực hiện chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH, đến nay Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý, giải quyết 123 đơn khởi kiện của công dân, trong đó có 54/54 đơn đủ điều kiện giải quyết, đã xét xử, phán quyết bác 54 đơn; còn lại 69 đơn quyết định đình chỉ vụ án với lý do người khởi kiện rút đơn khởi kiện hoặc đã được tòa triệu tập 2 lần nhưng vắng mặt không có lý do. Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh xét xử 54 vụ án sơ thẩm có kết quả bác đơn, 41 trường hợp có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, đã có 27 vụ được xét xử, kết quả bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm; 2 trường hợp rút đơn kháng cáo; 8 quyết định đình chỉ vụ án với lý do người khởi kiện vắng mặt hoặc do cấp sơ thẩm đã đình chỉ vụ án; còn 4 vụ đang trong quá trình thụ lý chờ xét xử.

Tại sao vẫn còn khiếu kiện?

Để giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong tháng 7 vừa qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với ngành y tế, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin và các địa phương tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với những người bị dừng thực hiện chính sách còn có kiến nghị, khiếu nại tại 7 huyện (thành phố Thái Bình không còn trường hợp kiến nghị, khiếu nại) song có 2 huyện Thái Thụy, Vũ Thư không tổ chức được do các trường hợp dừng thực hiện chính sách được mời đối thoại nhưng không đến tham gia đối thoại. Qua đối thoại, phần lớn ý kiến của những người bị dừng thực hiện chính sách đều bày tỏ quan điểm không muốn tiếp tục kiến nghị, khiếu kiện song khi bị dừng thực hiện chính sách họ cảm thấy bị ảnh hưởng đến danh dự, uy tín tại cộng đồng. Một số trường hợp cho biết bị ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt vì hoàn cảnh hết sức khó khăn. Một số khác bày tỏ chưa tin tưởng vào sự rà soát và thực chứng của ngành chức năng bởi trên thực tế vẫn còn những trường hợp không đúng quy định nhưng đang được hưởng chính sách.

Ông Trần Xuân Duyên, thôn Tài Giá, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) nêu quan điểm, ông tham gia chiến trường từ những năm 1970, khi có chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH, ông hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn và được hưởng chính sách. Sau 10 năm, đến nay ông bị dừng thực hiện chính sách, ông rất ngại với bà con, hàng xóm. Bản thân ông cũng không muốn hàng tháng phải đi khiếu kiện, tập trung đông người vì tuổi đã cao, sức đã yếu. Nhưng để bảo vệ danh dự của mình, bất đắc dĩ ông phải làm như vậy. Ông mong muốn tỉnh, các ngành chức năng quan tâm đến ý kiến của người bị dừng thực hiện chính sách để có hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, đặc biệt không để người không đủ điều kiện vẫn được hưởng chính sách.

Hiểu thấu đáo để giải quyết dứt điểm

Những sai, lọt trong quá trình thực hiện chính sách người HĐKC bị nhiễm CĐHH trên địa bàn tỉnh đã được chỉ rõ; việc chấn chỉnh, sửa sai cũng đã được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện. Để thực hiện đúng quy định của trung ương buộc phải dừng thực hiện chính sách đối với hàng nghìn người chứ không phải với một hay ít người. Có một số lượng không nhỏ trường hợp bị dừng thực hiện chính sách lỗi hoàn toàn thuộc về cơ quan hướng dẫn trong quá trình làm thủ tục hồ sơ thực hiện chính sách, không thuộc về người hưởng chính sách. Vì vậy, những người bị dừng thực hiện chính sách cùng gia đình và cả cộng đồng cần hiểu rõ vấn đề này để cởi bỏ áp lực tinh thần cho những người bị dừng thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, cần hiểu thấu đáo chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH là để dành cho những người thực sự bị ảnh hưởng bởi CĐHH theo danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật quy định tại Quyết định số 09. Còn người HĐKC đã có chính sách đối với người HĐKC. Cụ thể, những người HĐKC được hưởng chế độ theo Quyết định số 142 của Thủ tướng Chính phủ, người HĐKC trên 15 năm (mà không có chế độ ưu đãi hàng tháng) được hưởng trợ cấp hàng tháng, người dưới 15 năm được hưởng trợ cấp 1 lần.

Về vấn đề còn không ít trường hợp không đủ điều kiện nhưng vẫn đang được hưởng chính sách như nhiều ý kiến phản ánh, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Tất cả các hồ sơ đều được rà soát kỹ, mục tiêu của ngành là thực hiện đúng, nghiêm, không để người đủ điều kiện không được hưởng chính sách, đồng thời không để lọt người không đủ điều kiện lại được hưởng chính sách. Thời gian qua, Sở đã tiếp nhận 69 đơn phản ánh, kiến nghị về việc hưởng chính sách không đúng quy định. Sở đã giải quyết xong 67 đơn, trong đó có quyết định đình chỉ hưởng chính sách đối với 11 trường hợp; 6 trường hợp đang tạm đình chỉ chính sách để rà soát, thanh tra. Sở cũng khuyến khích tinh thần tố giác, phát hiện những trường hợp đang hưởng sai và thông tin đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời xử lý.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, biết ơn sự hy sinh xương máu của các thế hệ ông cha đã tham gia kháng chiến để con cháu có cuộc sống tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay. Cùng với sự phát triển của đất nước, các chế độ, chính sách chăm sóc người có công nói chung, người tham gia HĐKC ngày càng được thực hiện chu đáo, đầy đủ hơn. Với các chính sách hỗ trợ tích cực và sự quan tâm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, đến nay có trên 99% gia đình người có công trong tỉnh có mức sống trung bình trở lên. Riêng đối với những người HĐKC bị nhiễm CĐHH luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tối đa bởi bệnh, tật đã biến nạn nhân chất độc da cam trở thành “người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ”. CĐHH không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ thứ nhất mà còn ảnh hưởng cả đến thế hệ thứ hai, thứ ba. Nếu không phải là nạn nhân chất độc da cam, chắc chắn đó phải là điều hạnh phúc hơn hết của những người lính đã từng tham gia kháng chiến. Chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, đồng thời để chính sách người HĐKC bị nhiễm CĐHH được thực hiện đúng quy định, thực sự dành cho nạn nhân chất độc da cam, đó là mong mỏi của tất cả những người lính đã tham gia kháng chiến và toàn thể cộng đồng.

Theo kế hoạch, sáng ngày 30/8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với công dân thuộc diện dừng thực hiện chế độ người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH. Cùng dự có đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Đại diện Hội Nạn nhân CĐDC-Điôxin tỉnh, huyện trao quà cho gia đình bà Trần Thị Phượng, xã Minh Quang -Vũ Thư.

Trần Hương - Nguyễn Cường