Thứ 7, 27/07/2024, 19:08[GMT+7]

Vui buồn chuyện "quý tử"

Thứ 2, 05/08/2013 | 08:40:22
811 lượt xem
“Muốn có con trai” để có người nương tựa lúc về già, để có người hương hỏa sau khi khuất núi, để “dài đời” hơn... là một tư tưởng mang đậm chất phong kiến nhưng bám rễ rất sâu trong xã hội hiện đại ngày nay. Vì muốn “ngồi mâm trên”, muốn “vui cửa vui nhà”... mà không ít cặp vợ chồng dù đã có cháu ngoại vẫn cố cho ra đời một “cậu quý tử”. Nhưng thực tế cho thấy, không phải quý tử nào khi trưởng thành cũng đảm đương được trọng trách, đáp ứng được những mong đợi của các bậc sinh

Ảnh minh họa

Tuấn (xã Văn Lang, Hưng Hà) là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em. Ngày Tuấn chào đời, bố mẹ cậu mừng vui: Thế là từ nay nhà mình đã có “thằng chống gậy”. Là con út, lại là “thằng chống gậy” nên mọi việc trong nhà Tuấn hầu như không phải “động chân, động tay”, mọi đòi hỏi từ bé đến lớn cậu đều được bố mẹ đáp ứng đầy đủ.

Học xong bổ túc, bố mẹ Tuấn gửi cậu đi học đóng giầy trong miền Nam. Nhưng, vì là con một, từ nhỏ mọi việc đã có các chị lo, lại được bố mẹ chiều chuộng nên chưa đầy một tháng, không chịu được vất vả, “cậu quý tử” trở về trong sự lo lắng của cả gia đình. Ngày ngày, hết bi-a lại game online, bố mẹ nhìn vào cậu “con vàng con bạc” mà ruột gan cứ “sốt lên xình xịch”. Không thể chịu đựng được cậu con trai suốt ngày chỉ biết ăn chơi, lêu lổng, xin tiền, bố mẹ trách mắng, Tuấn liền cầm dao tự đâm vào bụng, may được cấp cứu kịp thời nên tính mạng được bảo toàn.

Có thể nhận thấy một thực tế trong không ít gia đình hiện nay là việc các “quý tử” được phụ huynh nuông chiều một cách thái quá. Là những đứa con được mong đợi, từ khi còn nhỏ rất nhiều phụ huynh có xu hướng thể hiện tình yêu thương với “quý tử” bằng cách đáp ứng mọi yêu cầu của con, không dạy con làm những việc đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày. Theo các chuyên gia tâm lý, đây thực sự là cách nuôi dạy con “gieo mầm cho những đau khổ về sau”. Bởi lúc nhỏ nếu được phụ huynh thỏa mãn mọi đòi hỏi thì những đứa trẻ được coi là “quý tử” trong nhà sẽ cho rằng tất cả mọi yêu cầu của mình đều đúng, tư duy logic phát triển một chiều. Vì thế, khi lớn lên sẽ thường trực một số tính xấu như: coi mình là nhất, mình luôn đúng, chỉ biết nhận mà không biết cho đi, khó có thể đồng cảm, sẻ chia với khó khăn của người khác...

Sống trong sự bao bọc, chiều chuộng quá mức của cha mẹ, các “quý tử” sẽ mất cơ hội học tập những kỹ năng sinh tồn quan trọng như cách chăm sóc bản thân, cách chấp nhận, thích nghi, xử lý tình huống... Vì thế khi trưởng thành, gặp phải khó khăn trong cuộc sống sẽ dễ rơi vào bế tắc, khủng hoảng dẫn đến việc sa ngã, dọa tự tử hay tự tử thật.

Cô Hoa (xã Minh Khai, Hưng Hà) - người mẹ có quý tử trong nhà kể cho chúng tôi về cậu con trai mình trong dòng nước mắt: Chồng tôi là con trưởng nên việc hương hỏa, thờ cúng tổ tiên là chuyện thuộc về bổn phận, trách nhiệm. Khổ nỗi sinh ba lần đều là con gái, hai vợ chồng đều làm nông nghiệp, vẫn biết sinh con thì dễ nhưng nuôi nó ăn học thành người thì khó khăn lắm nhưng vì ở với bố mẹ chồng, ông bà và các cô chú cứ mong mỏi có thằng “đích tôn” để nối dõi nên cũng cố sinh “bằng được” một cậu con trai. Có con trai rồi, nhà thêm khẩu ăn, kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn hơn. Hai vợ chồng sớm tối lo làm lụng, để con cho ông bà chăm giúp. Ai ngờ có mỗi thằng đích tôn, ông bà chiều cháu, rồi nó nghiện ngập từ lúc nào cả gia đình cũng không hay biết... Nghĩ đến con là đau lòng lắm nhưng cũng chẳng trách con hay trách ông bà mà chỉ trách mình, sinh con mà không biết nghiêm khắc dạy con.

Con cái là “của để dành” của cha mẹ. Không cha mẹ nào mong muốn nhìn con cái mình hư hỏng nhưng làm thế nào để các “quý tử” thực sự trở thành những người đàn ông vững vàng, có khả năng gánh vác gia đình lại phụ thuộc vào cách suy nghĩ và nuôi dạy của các bậc phụ huynh.

Vũ Hường

  • Từ khóa