Thứ 7, 27/07/2024, 19:03[GMT+7]

Quỳnh Phụ Hiệu quả phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật tại cộng đồng

Thứ 3, 20/08/2013 | 08:37:12
987 lượt xem
Không giống các chương trình điều trị khác, phục hồi chức năng là một chương trình cần thực hiện lâu dài, bền bỉ mới mong đem lại hiệu quả. Chương trình phục hồi chức năng tại cộng đồng tại Quỳnh Phụ cần được tuyên truyền, được nhân rộng để bắt đầu từ chính gia đình của mình giúp người khuyết tật luyện tập, nâng cao sức khỏe. Thoát khỏi khuyết tật hoặc giảm nhẹ khuyết tật mới là món quà tặng vô giá đối với mỗi người khuyết tật tại cộng đồng.

Chị Phan Thị Thu, cộng tác viên chương trình PHCN xã Quỳnh Giao hướng dẫn tập luyện PHCN cho nạn nhân chất độc da cam.

Cũng như nhiều ngày, trên đường đi làm về, chị Phan Thị Thu, cộng tác viên chương trình phục hồi chức năng (PHCN) cho nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật dựa vào cộng đồng tại xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) lại tranh thủ ghé thăm gia đình ông Nguyễn Tiến Chiến (thôn Bến Hiệp) có con gái Nguyễn Thị Vân bị khuyết tật bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam. Chị Thu cho biết chị đang phụ trách tập luyện PHCN cho 28 nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật trong thôn, trong đó Vân là trường hợp khuyết tật nặng, việc PHCN gặp rất nhiều khó khăn. Với tình cảm và trách nhiệm của một cộng tác viên chương trình, chị thường xuyên qua lại, vừa hướng dẫn những động tác xoa bóp, tập luyện đơn giản, vừa động viên ông bà Chiến.

Ngoài trường hợp của Vân, những trường hợp khuyết tật mới do tai nạn thương tích hay ảnh hưởng chất độc da cam thể nhẹ mà chị đã và đang hướng dẫn tập luyện PHCN, hiệu quả đem lại rõ rệt. Từ khi triển khai thực hiện chương trình từ cuối năm 2010 đến nay, chị đã hướng dẫn tập luyện cho 33 người, có 6 người đã ra khỏi chương trình PHCN, hòa nhập cộng đồng, trong đó một số người khi sức khỏe tốt lên đã tìm được việc làm.

Bác sĩ Đặng Đức Tố, Trưởng phòng Y tế Quỳnh Phụ cho biết tại 38 xã, thị trấn của huyện đang có 228 cộng tác viên PHCN như chị Thu. Trung bình mỗi cộng tác viên phụ trách luyện tập thường xuyên cho từ 15 - 20 người khuyết tật. Đã được tập huấn, đào tạo về kỹ năng PHCN, nhiệm vụ của họ là quản lý, giám sát người khuyết tật trên địa bàn, thực hiện tuyên truyền, tư vấn về phòng tránh tai nạn thương tích và hướng dẫn nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật cùng người thân trong gia đình họ thường xuyên tập luyện PHCN, nâng cao sức khỏe. Đây là một trong các hoạt động của Dự án "Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam" do Trường Đại học Y tế công cộng, Sở Y tế và UBND huyện Quỳnh Phụ phối hợp triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2008 đến nay. Ban đầu, Dự án hướng tới đối tượng nạn nhân chất độc da cam, song trong quá trình triển khai nhận thấy nhiều người khuyết tật tại cộng đồng có nhu cầu được tập luyện PHCN nên Dự án đã mở rộng đối tượng PHCN đến người khuyết tật trên địa bàn.

Bác sĩ Đặng Đức Tố cũng cho biết, theo điều tra vào tháng 7/2013, toàn huyện Quỳnh Phụ có hơn 8.100 người khuyết tật, trong đó có 548 người là nạn nhân chất độc da cam. Trong tổng số người khuyết tật có 43% là do bẩm sinh, 57% còn lại do tai nạn thương tích và bệnh tật (chủ yếu do di chứng sau tai biến mạch máu não). Trong điều kiện sinh hoạt và xu hướng bệnh tật hiện nay, mỗi năm trên địa bàn huyện cũng có thêm khoảng 150 người mắc khuyết tật mới. Người mắc khuyết tật càng sớm được tập luyện PHCN càng có cơ hội giảm nhẹ khuyết tật, tránh di chứng liệt vận động.

Trên thực tế, sẽ không có một bác sĩ, một cán bộ y tế nào trợ giúp người khuyết tật tập luyện PHCN tốt hơn chính người thân của họ. Song hạn chế là những người thân trong gia đình của người khuyết tật lại không có đủ kiến thức về PHCN để giúp đỡ người khuyết tật tập luyện. Vì vậy, với việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên PHCN, hoạt động PHCN tại cộng đồng của Quỳnh Phụ đem lại hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2010 đến nay, trung bình có từ 3.300 – 3.500 người thường xuyên được hướng dẫn tập luyện PHCN tại gia đình, trong đó có hơn 300 người là nạn nhân chất độc da cam. Sau thời gian kiên trì tập luyện, đến hết tháng 6/2013, toàn huyện đã có 1.362 người ra diện PHCN hòa nhập cộng đồng (trong đó nạn nhân da cam là 61 người); tỷ lệ người có chuyển biến tốt lên đến hơn 60%. Đây là kết quả PHCN  cao nhất từ trước tới nay mà Quỳnh Phụ đạt được.

Không giống các chương trình điều trị khác, PHCN là một chương trình cần thực hiện lâu dài, bền bỉ mới mong đem lại hiệu quả. Với sự hỗ trợ 100.000 đồng/tháng đối với một cộng tác viên, các cộng tác viên chương trình vẫn đang làm việc chủ yếu bằng tình cảm và trách nhiệm. Để giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà. Song tặng sự chăm sóc, hỗ trợ để đem lại sức khỏe vận động cho người khuyết tật là vấn đề chưa thực sự được quan tâm. PHCN ngay tại gia đình và dựa vào cộng đồng chính là hoạt động nhằm giải quyết vấn đề này.

Vì vậy, chương trình PHCN tại cộng đồng tại Quỳnh Phụ cần được tuyên truyền, được nhân rộng để bắt đầu từ chính gia đình của mình giúp người khuyết tật luyện tập, nâng cao sức khỏe. Thoát khỏi khuyết tật hoặc giảm nhẹ khuyết tật mới là món quà tặng vô giá đối với mỗi người khuyết tật tại cộng đồng.

Bài, ảnh: Trần Thu Hương

 

  • Từ khóa