Thứ 4, 28/08/2024, 13:19[GMT+7]

Khó triển khai đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo

Thứ 4, 28/08/2024 | 10:44:46
277 lượt xem
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ các đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật... phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo, từ đó có sinh kế bền vững, việc làm ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án này tại nhiều địa phương đang gặp khó khăn.

Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo không còn khả năng lao động nên khó triển khai thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo.

Đối tượng hưởng lợi từ dự án sẽ được hỗ trợ về vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất... Thời gian qua, tỉnh Thái Bình tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tới tất cả các xã, phường, thị trấn; các địa phương rà soát đối tượng đủ điều kiện, đăng ký nhu cầu và dự kiến hình thức hỗ trợ dự án. Do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, quá trình thực tế triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. 

Ông Nguyễn Công Lý, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiền Hải chia sẻ: Khi bắt tay rà soát, chọn đối tượng triển khai, các đơn vị đầu mối, chủ trì nhận thấy đặc thù đối tượng thụ hưởng, tham gia các dự án, mô hình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nên trình độ nhận thức, kinh nghiệm sản xuất, khả năng đối ứng còn hạn chế. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi về đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ so với giai đoạn trước; số dự án, tiểu dự án thành phần nhiều hơn; cơ chế quản lý chặt chẽ hơn. Vì vậy, các cấp, các ngành phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, hướng dẫn triển khai một cách bài bản, kỹ lưỡng so với giai đoạn trước. Năm 2024, huyện Tiền Hải được phân bổ 3,5 tỷ đồng để thực hiện dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân được nguồn kinh phí hỗ trợ. Thậm chí, nếu tính cả giai đoạn từ năm 2021 đến nay, huyện cũng chưa giải ngân, hỗ trợ được mô hình nào. 

Năm 2024, Quỳnh Phụ được phân bổ 4,2 tỷ đồng để thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tế không chỉ riêng năm 2024 mà những năm qua nguồn tiền hỗ trợ này gần như “đóng băng” vì không giải ngân được. 

Bà Phạm Thị Thúy Mùi, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho rằng: Quy trình, thủ tục phê duyệt, triển khai mô hình phức tạp, nhiều bước. Phần lớn các mô hình hiệu quả đòi hỏi thời gian triển khai, đánh giá hiệu quả từ 2 năm trở lên, trong khi nguồn lực hỗ trợ triển khai mô hình giảm nghèo từ nguồn vốn sự nghiệp phân bổ theo năm nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện. 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được Chính phủ triển khai là hết sức ý nghĩa nhằm thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Tuy nhiên, cũng vì đây là chính sách chung áp dụng trên phạm vi toàn quốc nên ở nhiều dự án và tiểu dự án lại có những phù hợp và không phù hợp với từng địa phương bởi điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của mỗi vùng, miền là khác nhau. 

Phân tích về thực trạng khó giải ngân nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ đối tượng được thụ hưởng chính sách giảm nghèo, ông Nguyễn Công Lý, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiền Hải cho rằng, lý do quan trọng nhất đó là có ít gia đình phù hợp để áp dụng chính sách hỗ trợ. Đơn cử như huyện Tiền Hải hiện có 1.176 hộ nghèo, chiếm 1,63% và 1.306 hộ cận nghèo, chiếm 1,82%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo không còn khả năng lao động chiếm 65%; số còn lại trong độ tuổi lao động thì đang làm công nhân hoặc đi làm ăn xa... Đây là một trong những nguyên nhân khó khăn không chỉ ở Tiền Hải mà hầu hết các địa phương khác trong tỉnh đều gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. 

Chính sách hỗ trợ đã cụ thể, rõ ràng, ngân sách cũng không thiếu nhưng nếu không có giải pháp tháo gỡ, giải ngân nguồn vốn nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thì đó thực sự là sự tiếc nuối rất lớn. Thiết nghĩ thời gian tới đây tỉnh cần tập trung tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người đủ điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ nắm bắt được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chủ trương giảm nghèo bền vững, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia các mô hình, dự án giảm nghèo. Các địa phương cũng cần nâng cao chất lượng rà soát, thẩm định những hộ có nhu cầu tham gia mô hình; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống. 


Đỗ Hồng Anh