Thứ 2, 28/10/2024, 16:02[GMT+7]

Nhiều giải pháp phát triển nghề tẩm quất của người khiếm thị

Thứ 4, 23/10/2024 | 09:58:36
2,610 lượt xem
Tẩm quất hiện đang là nghề mũi nhọn, phù hợp với người khiếm thị. Để tiếp tục phát triển nghề tẩm quất, Hội Người mù tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người khiếm thị, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Nghề tẩm quất giúp người khiếm thị có việc làm, thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Trước đây, cuộc sống của chị Nguyễn Thu Trang, xã An Vũ (Quỳnh Phụ) là chuỗi những ngày sống trong mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc với những người xung quanh. Bị khiếm thị cả 2 mắt từ nhỏ nên cuộc sống của chị phụ thuộc hoàn toàn vào người thân trong gia đình. Năm 2013, may mắn đã đến khi chị biết đến tổ chức hội người mù. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp hội, chị chính thức trở thành hội viên Hội Người mù tỉnh và được học nghề xoa bóp, tẩm quất. Từ đây, cuộc sống của chị thay đổi hoàn toàn. 

Chị Trang chia sẻ: Thoát khỏi cuộc sống khó khăn để vươn lên là khát khao, ước mơ của rất nhiều người khuyết tật, trong đó có những người khiếm thị như tôi. Từ ngày được học và làm nghề tẩm quất tại cơ sở dịch vụ tẩm quất của Hội Người mù tỉnh, ước mơ ấy của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi có việc làm ổn định với thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ nghề tẩm quất, tôi cảm thấy tự tin hơn vào bản thân và có thể chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.

Chị Trang là một trong nhiều hội viên được tạo việc làm, có thu nhập ổn định từ nghề tẩm quất. Có thể nói, trong suốt 23 năm qua, tẩm quất đã trở thành nghề chính của người khiếm thị trên địa bàn tỉnh, cho thu nhập khá hơn một số nghề thủ công truyền thống như: làm tăm tre, bện chổi, đan lát... thu hút được đông đảo hội viên trong độ tuổi lao động tham gia. Từ năm 2001 - 2024, đã có 19 lớp đào tạo nghề tẩm quất được tổ chức (trong đó có 16 lớp xoa bóp cơ bản và 3 lớp nâng cao) cho 300 lượt người mù trong toàn tỉnh. Hiện nay, Hội Người mù tỉnh và hội người mù các huyện, thành phố đang quản lý 9 cơ sở dịch vụ tẩm quất, tạo việc làm cho 70 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhiều hội viên người khiếm thị đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở dịch vụ tẩm quất riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có 38 cơ sở do hội viên làm chủ với nhiều mô hình hoạt động khác nhau như: cổ phần, khoán doanh thu, cá nhân làm chủ, phục vụ khách hàng tại nhà... Nếu như trước kia, khi chưa có nghề tẩm quất, nhiều hội viên người khiếm thị sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, người thân, đời sống hết sức khó khăn, thì nay họ đã vươn lên làm chủ cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng. 

Bên cạnh những thuận lợi, nghề tẩm quất của người khiếm thị còn đối diện với một số khó khăn như: thiếu nhân lực, cơ sở vật chất; kỹ năng giao tiếp ứng xử của người khiếm thị còn hạn chế... Đặc biệt, việc cạnh tranh giữa các cơ sở dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị với người sáng mắt ngày càng nhiều. 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, phù hợp với những yêu cầu về hoạt động dịch vụ tẩm quất trong tình hình mới, các cấp hội người mù trong tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ với phương châm “Tin tưởng khách đến, hài lòng khách quay lại”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nghề tẩm quất của người khiếm thị để các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về nghề tẩm quất và cuộc sống của người khiếm thị, từ đó có sự ủng hộ, giúp đỡ. Phát huy tốt vai trò, hoạt động của các câu lạc bộ tẩm quất; tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho người khiếm thị. Tiếp tục đào tạo nghề để bổ sung nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động, định kỳ tổ chức hội thi tay nghề để đánh giá chất lượng chuyên môn... Bên cạnh đó, các cấp hội cũng thường xuyên xây dựng kế hoạch, khảo sát, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu khách hàng để có những dự báo và phương hướng hoạt động trong từng giai đoạn. 

Ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Ngoài những biện pháp nêu trên, các cấp hội người mù trong tỉnh đã và đang nghiên cứu xây dựng một bộ tiêu chuẩn chung cho dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị trong toàn tỉnh như: thống nhất về logo, mẫu biển hiệu quảng cáo, diện tích phòng ốc, trang thiết bị, bộ quy tắc ứng xử, đồng phục cho nhân viên... Chúng tôi cũng sẽ thống nhất về các mức giá dịch vụ, xây dựng trang web riêng để quảng cáo và giới thiệu dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị. Chú trọng phát triển tất cả các cơ sở dịch vụ tẩm quất do các cấp hội và các cá nhân quản lý thành chuỗi hệ thống trong toàn tỉnh, có chỉ dẫn về địa lý trên bản đồ. Bên cạnh đó, mỗi cơ sở dịch vụ tẩm quất có chế độ chăm sóc, đãi ngộ với nhân viên, luôn đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu, tôn trọng và phát huy tốt mọi ý tưởng sáng kiến có giá trị của từng nhân viên... 

Nêu cao tinh thần đoàn kết giữa các cơ sở dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị; tranh thủ mọi nguồn lực xã hội để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng và tăng yếu tố cạnh tranh. Từ đó giúp người khiếm thị khẳng định bản thân, vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh và tạo nên thương hiệu tẩm quất người mù.

Thu Hoài