Thứ 2, 26/05/2025, 00:08[GMT+7]

Nơi sự sống hồi sinh

Thứ 2, 21/09/2015 | 09:53:07
1,070 lượt xem
Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn nép mình bên triền đê sông Hồng, đoạn chạy qua xã Vũ Vân (Vũ Thư). Hơn một thế kỷ trước, đây từng được coi là chốn duy nhất dung thân của những người bệnh phong - “tứ chứng nan y” thời đó. Ngày nay, sự sống đã thực sự hồi sinh trên mảnh đất này.

Lắp chân giả giúp bệnh nhân phong thuận lợi hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

 

Ký ức về một trại phong

 

Thành lập năm 1900, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn - tiền thân là Trại phong Văn Môn, là nơi điều trị bệnh phong ra đời sớm nhất cả nước. Trước kia, khi nhắc đến Trại phong Văn Môn, người ta thường hình dung ra đó là nơi cư ngụ cuối cùng của những con người mang căn bệnh ai cũng sợ. Qua hơn một thế kỷ, nơi đây đã từng chăm sóc, điều trị cho hơn 17.000 lượt bệnh nhân phong của 21 tỉnh, thành phố phía Bắc. Cao điểm nhất là những năm 1945 - 1960 do thời kỳ này trình độ khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, nghèo đói và chiến tranh khiến bệnh xảy ra nhiều. Cụ Trần Thị Tẹo, 91 tuổi, người dân xã Vũ Vân kể lại: Ngày đó, Trại phong như một trại tị nạn, bệnh nhân phong nếu không vào đó cũng không ai cho nương nhờ. Do nhận thức ngày đó hạn chế nên chúng tôi cũng xa lánh, sợ hãi họ. Nhiều nhà dân còn không dám ở gần Trại phong nên họ sống rất nghèo đói, cô độc.

 

Chúng tôi đến thăm cụ Bùi Văn Ðạm, 82 tuổi tại khu nội trú Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn. Khi được hỏi về hoàn cảnh đến với Trại phong, ánh mắt đã mờ đục của cụ chùng xuống. Cụ chia sẻ: Ðó là những tháng ngày không thể nào quên với tôi bởi dường như nó đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Năm 1942 - 1943, tôi bắt đầu có biểu hiện bị bệnh phong nhưng do ngày ấy không khám bệnh thường xuyên nên cũng không biết bệnh. Những năm 1954 - 1955, khi đang hăng hái tham gia hoạt động du kích đóng góp cho cách mạng tại quê hương Hải Phòng thì tôi bất ngờ phát bệnh. Khi biết bị bệnh phong, tôi đã rất đau khổ, phải vào trại cách ly. Ngày ấy có lệnh cấm bệnh nhân phong ra ngoài nhưng thỉnh thoảng nhớ quá tôi trốn ra. Khi tôi cầm giấy tờ tùy thân, người dân phát hiện ra, họ hấp chín giấy tờ của tôi và đuổi tôi khỏi chợ không cho mua hàng. Làm người mà chúng tôi không có quyền của con người vì đã trót mang mầm bệnh quái ác, đó có lẽ là ký ức đau buồn nhất của những bệnh nhân phong như chúng tôi.

 

Ở nơi tận cùng khổ đau ấy, trái tim con người tưởng chừng đã chai sạn nhưng tình yêu vẫn luôn bất diệt. Ngày ấy, mặc dù bị ngăn cấm quyết liệt, có những bệnh nhân vẫn tìm đến nhau và trở thành bạn tri kỷ trăm năm như ông Ðạm, bà Vuốt, ông Hào, bà Tẹo, ông Ích, bà Lỉnh… Thật may mắn là những đứa con họ sinh ra đều lành lặn và không ai mắc bệnh. Nhưng dù thế, họ cũng chưa bao giờ được làm những người cha, người mẹ thật sự. Ngay sau khi sinh con, họ phải lén lút cho đi hoặc nhờ người thân ở quê nuôi hộ để tránh lây bệnh, tránh những thành kiến nặng nề cho con trẻ. Dứt ruột xa con, những bệnh nhân phong đã cô độc lại thêm một nỗi niềm đau đáu về những đứa con đang ở một nơi nào đó rất xa…

 

Xã hội kỳ thị, người đời quay lưng, vượt qua tất cả, cả sự nghèo khó, khốn khổ của những năm tháng đất nước còn chiến tranh, những cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn qua các thế hệ vẫn bao dung, ân cần, dành tất cả tình yêu thương của mình chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân phong. Từ ngày đầu là một khu điều trị bệnh nhân nằm ở bãi ngoài đê sông Hồng với những căn nhà đất lụp xụp đến những lúc gồng mình di chuyển bệnh nhân lên chỗ ở cao hơn để tránh nước lũ dâng hay giờ đây khi dắt cụ này đi khám bệnh nhức đầu, sổ mũi, lúc thay đường ống nước của nhà cụ kia hỏng…, tất cả đều có bàn tay của các cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện. Lặng lẽ đi cùng bệnh nhân phong suốt cả cuộc đời làm nghề, mỗi cán bộ, y bác sĩ ở đây không chỉ có chuyên môn giỏi mà còn đẹp hơn bởi tấm lòng dung dị, sự đồng cảm, sẻ chia với những khổ đau của người bệnh. Bác sĩ Bùi Huy Thiện, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn chia sẻ: Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong, bản thân tôi thật sự xót xa cho hoàn cảnh của những con người không may mắn. Nhưng nói thật, để gắn bó được lâu dài như vậy, không có tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu thương bệnh nhân, không ai trụ nổi. Ở đây, cán bộ, y bác sĩ ngoài lương ra không có thu nhập nào khác mà công việc đặc thù, bệnh nhân hầu hết đã già, hay đau yếu, lại trái tính, trái nết nên các y bác sĩ vất vả vô cùng.

 

Có lẽ, chính sự hy sinh và tình yêu thương chân thành, sâu sắc của các y bác sĩ ở đây đã từng ngày nhen nhóm lên ngọn lửa trong những trái tim và cơ thể không lành lặn của các bệnh nhân. Sự sống hồi sinh trên chính mảnh đất đã từng được coi là nơi tang tóc, đau thương.

 

Sự sống từng ngày hồi sinh

 

Hiện tại, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn có diện tích hơn 65ha với 4 khu gồm: khu điều hành, khu bệnh nhân phong nội trú, khu trung tâm kỹ thuật, khu dân cư thôn Cộng Ðồng (làng phong). Bệnh viện thực hiện chăm sóc, điều trị cho trên 300 bệnh nhân bị biến chứng, phải cắt bỏ chân, tay thậm chí nửa phần thân thể, trong đó có trên 100 bệnh nhân nặng mù lòa, liệt cả người, không đi lại được.

 

Những năm gần đây, với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện, xã hội trong nước và quốc tế, Bệnh viện đã nâng cấp 5.000m2 nhà ở và phòng làm việc cho y bác sĩ và bệnh nhân. 100% nhà ở nội trú cho bệnh nhân là nhà mái bằng, có công trình vệ sinh khép kín. Toàn bộ tuyến đường dẫn vào Bệnh viện và các hộ gia đình bệnh nhân được bê tông hóa. Bệnh viện đã cải tạo hàng chục nghìn mét vuông đầm, ao, hồ để nuôi cá, cho thu hoạch hàng chục tấn cá mỗi năm. Nếu những năm trước kia, bệnh nhân phong thường xuyên bị đói khát, cách bữa, dịch bệnh hoành hành thì nay mỗi người đã được Nhà nước hỗ trợ 510.000 đồng/tháng, cơm đã đủ ăn, hàng tuần có thịt và cá cải thiện dinh dưỡng. Các cụ được khám chữa bệnh, hướng dẫn cách chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ. Ngoài chăm lo đời sống vật chất cho người bệnh, Bệnh viện còn huy động các nguồn lực xây dựng lại chùa và nhà thờ phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng cho bệnh nhân và người dân làng phong. Nhiều bệnh nhân nội trú tiết kiệm được chút tiền ít ỏi đã mua sắm được đài, ti vi, điện thoại để nâng cao đời sống tinh thần. Cụ Trịnh Thị Vuốt, 80 tuổi cho chúng tôi biết: Ngày trước, vợ chồng tôi sinh được hai con nhưng không được nuôi mà phải gửi về quê An Lão (Hải Phòng) nhờ bà con nuôi hộ. Những năm trước kia, đói khát cùng với sự dị nghị của dân làng khiến tôi không thể về thăm con cháu được, tủi lắm. Nhưng bây giờ cuộc sống đã khá hơn, con cháu gửi thêm tiền vào, một năm vợ chồng tôi cũng được về thăm quê một, hai lần. Các cháu còn sắm điện thoại để chúng tôi ở đây thỉnh thoảng trò chuyện với ba đứa chắt cho đỡ nhớ.

 

Ngoài khu nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân nội trú và khu khám chữa bệnh, có lẽ, duy nhất chỉ Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn mới có cả 1 thôn Cộng Ðồng gồm trên 100 hộ dân với 500 nhân khẩu, 1 hợp tác xã quản lý trên 20ha đất nông nghiệp. Ðược hình thành cùng với Trại phong, thôn Cộng Ðồng - hay còn gọi là làng phong chính là tập hợp những bệnh nhân nhẹ còn sức lao động hoặc thế hệ con cháu của những bệnh nhân nặng ở khu nội trú của Bệnh viện. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Thế Bê hóm hỉnh: Ở đây, tôi không chỉ là bác sĩ mà còn là trưởng thôn, lo từ việc bảo đảm nước sạch cho bà con đến việc giữ gìn an ninh trật tự, phát động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…; thậm chí con bò đi lạc mấy ngày không về hay mất điện, mất nước bà con cũng tìm đến tôi. Nhiều khi như con mọn. Ðến nay, tôi đã hiểu tính nết từng bệnh nhân, nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình trong thôn. Càng hiểu càng thương bà con phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng vẫn nghị lực và mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.

 

Những năm gần đây, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, Bệnh viện đã phát động bà con thôn Cộng Ðồng thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia trại; vận động nhân dân đóng góp bình quân 700.000 đồng/khẩu và kêu gọi con em xa quê ủng hộ kinh phí để cứng hóa trên 2km đường giao thông nông thôn. Bệnh viện đầu tư hơn 300 triệu đồng cải tạo, nâng cấp nhà máy nước sạch phục vụ sinh hoạt của nhân dân trong thôn, quy hoạch xây dựng bãi xử lý rác thải để bảo vệ môi trường… Ông Phạm Quang Bình, Bí thư Chi bộ thôn Cộng Ðồng cho biết: Trước kia, đời sống của bà con trong thôn hầu hết nghèo đói nhưng đến nay kinh tế các hộ đã dần ổn định, cả thôn chỉ còn vài hộ nghèo. Diện mạo làng quê cũng “thay da đổi thịt”, khang trang, sạch đẹp. Nhiều con em trong thôn đã trưởng thành, có người là bác sĩ, giáo viên, nhà báo, kỹ sư… đang công tác, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Ngoài chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân phong tàn tật, đến nay, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn của y bác sĩ, thực hiện cấp cứu, khám chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa da liễu, tạo được niềm tin, uy tín với bệnh nhân trong và ngoài tỉnh.

 

Với những kết quả đã đạt được, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng nhiều Bằng khen của Bộ Y tế và UBND tỉnh. Ðây là những minh chứng khẳng định ý chí, nỗ lực vượt khó vươn lên của tập thể cán bộ, y bác sĩ và mỗi bệnh nhân. Thầm lặng và bền bỉ, họ đã làm cho sự sống hồi sinh trên mảnh đất đã từng chịu nhiều đau thương này.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa