Thứ 7, 17/05/2025, 13:14[GMT+7]

Tác nghiệp ở Trường Sa - vất vả mà vui

Thứ 5, 16/06/2016 | 08:45:53
1,132 lượt xem
Dù bước chân vào làng báo chưa lâu song tôi may mắn được cơ quan cử đi công tác tại Trường Sa dịp đầu năm 2016. Chuyến đi đã cho tôi cơ hội trực tiếp chứng kiến cuộc sống của quân và dân nơi đảo xa, được một lần đặt chân đến vùng biển, đảo thiêng liêng để cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn về “Tổ quốc nơi đầu sóng”. Đồng thời, chuyến đi cũng cho tôi những trải nghiệm thú vị khi tác nghiệp nơi đảo xa, đặc biệt là trải nghiệm khổ vì “sóng”.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp trên đảo Đá Tây A.

Chuyến đi biển đầu tiên trong đời tôi lại đúng vào mùa biển động (thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau). Song, sự khắc nghiệt của thời tiết không ngăn được khát khao được một lần đến với Trường Sa - vùng biển, đảo thiêng liêng tuyến đầu Tổ quốc mà tôi vẫn thường ấp ủ. Những ngày đầu tháng Chạp, nhận nhiệm vụ, tôi theo Đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra thăm, tặng quà, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng hành với tôi trong hải trình lần này còn có rất nhiều đồng nghiệp đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước. Tất cả đều mang trên mình một khát khao cháy bỏng được một lần đến với Trường Sa. Trước khi khởi hành, giống như nhiều phóng viên khác lần đầu ra tác nghiệp tại Trường Sa, tôi khá lo lắng. Lo vì sợ sóng to, gió lớn, lo vì những hiểm nguy có thể sẽ phải đương đầu nhưng hơn cả là vì trách nhiệm đang đặt nặng trên vai. Dường như ai cũng trăn trở không biết sẽ phải khai thác thông tin như thế nào? Viết tin, bài ra làm sao? Việc chuyển tin, bài về tòa soạn có thuận lợi hay không? Làm sao để phản ánh một cách hay nhất, chân thực nhất về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa, không khí đón tết cổ truyền của dân tộc trên các đảo, đặc biệt là thể hiện tình yêu giữa đất liền với Trường Sa... Khi con tàu chở cánh phóng viên và Đoàn công tác rời vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), hướng thẳng ra biển lớn để đến với Trường Sa thì những nỗi lo của tôi và các đồng nghiệp cũng bắt đầu thành sự thật khi những con sóng lớn đầu tiên áp sát mạn tàu thì sóng điện thoại và mạng 3G cũng yếu dần.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại quân cảng Cam Ranh.

Vào giữa mùa biển động, những con sóng biển cao từ 2 đến 3 mét thay nhau đánh vào mạn tàu làm cho con tàu không ngừng chao đảo, khiến cánh phóng viên chúng tôi lắc lư, quay cuồng vì say sóng. Trước đó, mặc dù đã được các chiến sĩ trong Vùng 4 lên tinh thần trước, rằng đi biển mùa này là mùa đáng sợ nhất của năm, đến những chiến sĩ đã quen với sóng, nước cũng ngán ngại, mong các nhà báo chuẩn bị sẵn tinh thần. Nhưng có trực tiếp trải nghiệm sóng gió Trường Sa, cánh phóng viên mới thực sự ngấm. Nếu như nhiều người trong Đoàn công tác chỉ ăn với nằm triền miên trên tàu cho qua cơn say sóng thì phóng viên vẫn tranh thủ tay máy, tay bút lần mò, bám vịn vào lan can đi đến các phòng trên tàu gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ để tác nghiệp. Có người đang phỏng vấn phải xin phép dừng lại, chạy vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo, sau đó mới trở ra tiếp tục cuộc phỏng vấn còn dang dở. Vì đang đi trên biển nên mọi người đều thông cảm và xem đó như một chuyện bình thường. Sóng luôn là nỗi ám ảnh trong suốt hải trình, đặc biệt khi di chuyển bằng xuồng chuyển tải. Chiếc xuồng nhỏ thường xuyên phải di chuyển trong điều kiện biển động cấp 5, cấp 6 để chở phóng viên vào đảo tác nghiệp. Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải bọc máy móc thật kỹ và để trong túi chống nước chuyên dụng buộc chặt để tránh hỏng hóc. Những người mê săn "hình độc", lấy máy ra sử dụng khi đang di chuyển trên xuồng thì luôn phải sẵn sàng chịu va đập hoặc bị nước biển bắn vào vì sóng biển đánh liên hồi. Nếu không may máy móc bị hỏng thì coi như thời gian còn lại của chuyến đi là đi chơi. Ở đất liền còn có đồ thay thế chứ ở đảo có tiền cũng chịu. Đấy là chưa kể việc lên xuống xuồng trong điều kiện biển động rất nguy hiểm, chỉ cần một cái bước hụt, hay lỡ nhịp sóng nâng xuồng lên là xảy ra chuyện. Khó khăn là thế, song mỗi phóng viên đều ý thức rằng được đi Trường Sa, được đặt chân lên mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào lớn lao trong cuộc đời làm báo. Vì vậy, khi tàu bắt đầu hạ xuồng vào đảo, ai nấy đều cố gắng vượt qua cơn say sóng, chuẩn bị đầy đủ phương tiện tác nghiệp, sẵn sàng cùng Đoàn công tác vào đảo.

Phóng viên Đài PTTH Thái Bình tác nghiệp tại nhà giàn DK1/14. Ảnh: Thanh Thủy

Tuy nhiên, đó vẫn không phải là khó khăn lớn nhất với phóng viên khi tác nghiệp tại Trường Sa. Do điều kiện biển, đảo xa xôi nên tín hiệu đường truyền internet ở đây rất yếu, chỉ có sóng 2G. Để gửi được một tin, bài hay ảnh về tòa soạn là cả một "trận chiến" cam go, bất kể thời gian hay địa điểm, phóng viên lúc nào cũng phải căng mình để "canh sóng". Lúc mới lên đảo Trường Sa Lớn - đảo đầu tiên chúng tôi lên trong hành trình, cánh phóng viên ai nấy đều nhanh chóng hoàn thành tin, bài để có thể gửi về tòa soạn sớm nhất nhưng internet thì mãi không thể truy cập được. Người thì ôm máy tính chạy ra chân cột mốc chủ quyền, người thì ngồi cạnh đường băng - những chỗ thông thoáng nhất mong có thể bắt được tín hiệu internet để gửi tin, bài về nhưng màn hình máy tính lúc nào cũng báo trong tình trạng đang kết nối mạng. Sau khi được một anh đồng nghiệp đã nhiều lần ra Trường Sa công tác truyền cho ít kinh nghiệm, các phóng viên mới gấp máy tính lại "án binh", đợi tới nửa đêm tiếp tục vào internet. Khi toàn đảo chìm trong màn đêm đen sẫm, chỉ còn một số người lính đứng gác và làm nhiệm vụ tuần tra thì cũng là lúc cánh phóng viên hoạt động hết công suất. Khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 4 giờ sáng là quãng thời gian lý tưởng để phóng viên gửi tin, bài về vì lúc này người trên đảo truy cập mạng ít, sóng vì vậy cũng khỏe hơn. Tuy nhiên để gửi được tin, bài về lúc này cũng không phải chuyện đơn giản. Tải được một file đính kèm lên email có khi mất cả tiếng đồng hồ do đang tải lên thì mất tín hiệu, lại phải tải lại từ đầu. Ảnh muốn gửi được về phải giảm dung lượng, không giảm dung lượng thì không có cách nào gửi về được. Dù vậy, tín hiệu internet trên đảo vẫn còn hơn tín hiệu internet trên tàu. Trong chuyến hải trình, hầu hết các đảo chìm, Đoàn chỉ lên 1 - 2 tiếng rồi trở ra ngay nên việc soạn tin, bài và gửi về đều được cánh phóng viên thực hiện trên tàu. Nhưng sóng thì yếu, cả tàu mấy trăm con người, mà hầu như ai cũng có trong tay một chiếc điện thoại thông minh lúc nào cũng sẵn sàng kết nối internet, vì vậy, cánh phóng viên lại "án binh" đợi tới quá nửa đêm, khi mọi người đã đi nghỉ, "canh sóng" để gửi tin, bài về. Cứ tới nửa đêm, anh chị em phóng viên lại ôm máy tính leo lên cabin, ùa ra hành lang tàu để "hứng sóng". Những lúc như thế này, chúng tôi không chỉ hứng sóng internet mà hứng luôn cả sóng biển. Tàu neo gần các đảo thường gặp sóng lừng, mặt biển thì rất êm nhưng tàu thì chòng chành lắc liên hồi do sóng biển đánh từ dưới đáy biển. Khó khăn là vậy, song với niềm tự hào, hãnh diện khi được ra Trường Sa cùng trách nhiệm của người làm báo đã trở thành sức mạnh để cánh phóng viên chúng tôi vượt qua chính mình, đứng trên hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ mà cơ quan đã giao phó. Như vậy, để mỗi sản phẩm tin, bài, ảnh chuyển từ Trường Sa về đất liền và kịp thời đến với bạn đọc quả thực là một hành trình gian nan, vất vả mà vui.

Đào Quyên

  • Từ khóa