Chủ nhật, 19/05/2024, 22:59[GMT+7]

Nhiều nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn tại các chợ, trung tâm thương mại

Thứ 4, 30/10/2019 | 08:40:02
3,370 lượt xem
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh vừa phối hợp với công an các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra công tác PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại.

Kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu bán hàng mã của chợ Bo (thành phố Thái Bình).

Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy như: chủ quầy hàng sắp xếp các mặt hàng lộn xộn, chưa khoa học, xếp hàng hóa chồng lên ổ điện, sát bóng điện; một số hộ kinh doanh tự ý câu móc điện để sử dụng hoặc sử dụng thiết bị điện không bảo đảm an toàn; lấn chiếm lối đi và hành lang ngăn cháy...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 96 chợ trong đó có 3 chợ đầu mối với với hàng nghìn gian hàng, nhiều chợ hiện đã xuống cấp. Chợ Bo là chợ trung tâm của thành phố Thái Bình, được xây lại năm 2004 với diện tích 16.000m2 trong đó có 4.000m2 sử dụng, trên 8.000mlà đường giao thông và kho bãi. Chợ được xây dựng 2 tầng, nhiều cửa ra, vào thuận tiện cho kinh doanh với gần 400 hộ kinh doanh. Hàng năm, ban quản lý chợ thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền các luật và quy định về PCCC, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm cho mọi người về công tác PCCC. 

Ông Cao Văn Sơn, trưởng ban quản lý chợ cho biết: Ngay từ khi xây dựng chợ, đơn vị chủ quản đã quan tâm đầu tư hệ thống PCCC tương đối hoàn thiện với hệ thống bể chứa và cung cấp nước trữ lượng lớn, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường, trụ nước chữa cháy xung quanh khu vực chợ và các loại bình bột, dụng cụ phục vụ chữa cháy. Tuy nhiên, qua nhiều năm khai thác, đến nay quy mô kinh doanh của chợ Bo đã lớn gấp nhiều lần so với ban đầu, mặc dù vậy việc đầu tư nâng cấp, bảo dưỡng hệ thống PCCC kinh phí còn hạn hẹp, một số hệ thống, thiết bị, dụng cụ đã hết hạn sử dụng không được sửa chữa. Mặt khác, do ý thức của các tiểu thương còn kém như: xếp hàng hóa che lấp các họng nước chữa cháy, câu móc điện tùy tiện, đặc biệt là ở khu bán hàng mã trên tầng 2 nên công tác PCCC vẫn còn nhiều bất cập.

Chợ Quang Trung thuộc địa bàn phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) có diện tích 8.500m2 với trên 330 hộ kinh doanh để hàng hóa qua đêm, chủ yếu là hàng may mặc. Tại những lối đi trong chợ hầu hết các hộ kinh doanh đều làm mái tôn, căng bạt che kín, tận dụng diện tích để xếp hàng nên không bảo đảm an toàn PCCC. Hệ thống và thiết bị chữa cháy của chợ có 1 bể nước ngầm khoảng 40m3, 1 máy bơm điện công suất lớn cung cấp cho 5 họng nước và một số bình bột chữa cháy theo tiêu chuẩn. Trong lần kiểm tra công tác PCCC gần đây nhất, khi cán bộ kiểm tra yêu cầu đóng điện máy bơm để nhận biết mức độ cấp nước, máy bơm hoạt động nhưng không đẩy được nước tới các điểm chữa cháy theo yêu cầu. Nguyên nhân là do hệ thống máy bơm và các họng nước chữa cháy trang bị đã lâu và không được bảo dưỡng thường xuyên nên hoạt động không đạt được công suất thiết kế. Mặt khác, công tác kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại về PCCC của ban quản lý chợ chưa kịp thời, vẫn còn tình trạng tập kết hàng hóa, để xe máy lấn chiếm đường giao thông và các lối ra, vào chợ, gây cản trở, không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC; các tiêu lệnh chữa cháy cũ, mờ; nơi để dụng cụ chữa cháy bị che lấp; tình trạng câu móc điện tùy tiện... gây cản trở cho việc chữa cháy khi xảy ra sự cố.

Trung tá Nguyễn Xuân Khoát, Đội trưởng Đội Kiểm tra an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, Phòng đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC và xử phạt vi phạm về PCCC tại chợ Bo, chợ Quang Trung, chợ Quỳnh Côi. Hầu hết các lỗi vi phạm đều thuộc về ý thức, điển hình là vi phạm về cách sắp xếp hàng hóa, không bảo dưỡng phương tiện PCCC, câu móc điện tùy tiện... Khi lực lượng kiểm tra có mặt thì bà con chấp hành, khi đoàn kiểm tra dời đi thì bà con lại tái phạm, do đó rất cần đến ý thức tự giác chấp hành của các hộ kinh doanh.

Công tác PCCC luôn là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành, là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân, được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy. Chủ động phòng cháy, tích cực chữa cháy là biện pháp và hành động tích cực kiềm chế tình hình phức tạp, giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra.


Nguyễn Tùng