Thứ 6, 22/11/2024, 23:22[GMT+7]

Việc khó có chị Lanh

Thứ 3, 31/12/2019 | 08:32:52
2,610 lượt xem
Đảm nhiệm cương vị Trưởng thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh (Kiến Xương) từ năm 2013 đến nay, chị Trần Thị Lanh luôn được người dân tin yêu, tín nhiệm. Không những vậy, chị còn là một trong những điển hình trong tích tụ ruộng đất.

Giáo Nghĩa là thôn Công giáo toàn tòng của xã Bình Minh, gồm 500 gia đình, gần 2.000 nhân khẩu. Chị Lanh, sinh năm 1977, đã có gần 7 năm đảm nhiệm vai trò trưởng thôn ở đây. Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị là sự cởi mở, chân tình và đầy nhiệt huyết. Chỉ cho chúng tôi những con đường nội thôn đã được đổ bê tông bằng phẳng, rộng rãi, chị Lanh vui vẻ kể lại những tháng ngày cùng chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động người dân chung tay góp công, góp của để mở ra diện mạo mới cho vùng quê này. 

Chị Lanh cho biết: Thời điểm tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ trưởng thôn cũng là lúc cao điểm của phong trào xây dựng nông thôn mới. Để động viên bà con, tôi cùng các cán bộ trong thôn phải nhạy bén, tranh thủ mọi lúc mọi nơi, khôn khéo vận động. Người Công giáo có đức tin lớn, vì vậy, với quan điểm “Lời nói gắn với việc làm”, bản thân nêu gương làm trước, ngoài nghĩa vụ đóng góp, gia đình tôi đi đầu ủng hộ kinh phí làm đường tới hàng chục triệu đồng. Cùng với đó, tôi tranh thủ các chức sắc tôn giáo có uy tín để phối hợp vận động, tuyên truyền cách thức triển khai làm đường sao cho hợp với khả năng đóng góp của từng hộ dân. 

Ngoài ra, chị Lanh cũng là người xông xáo trong mọi việc, từ vận động, hướng dẫn từng khu dân cư đóng góp ngày công, của cải vật chất để mở đường đến việc hạch toán, minh bạch các khoản thu - chi. Có tuyến đường gặp khó khăn trong việc thu kinh phí, chị mạnh dạn ứng trước để tuyến đường được hoàn thành, việc thu hồi tiền được triển khai trong 2 năm sau đó. Khi tuyến đường đầu tiên được hình thành, bà con thấy rõ được lợi ích khi được đi trên những con đường sạch sẽ, bằng phẳng nên nhiều người hồ hởi hiến đất ủng hộ, góp công, góp của để làm đường nông thôn mới. Với cách làm đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới ở thôn Giáo Nghĩa đã thành công. Diện mạo thôn xóm trở nên khang trang hơn, mọi người càng tin chủ trương của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. 

Chị Đỗ Thị Thoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Giáo Nghĩa cho biết: Do làm tốt công tác dân vận, đặc biệt là chị Lanh trưởng thôn đã làm công tác tuyên truyền, vận động, triển khai đến các đoàn thể và nhân dân nên bà con đồng thuận, ủng hộ để làm những con đường, nhà văn hóa thôn sạch, đẹp. 

Chị Vũ Thị Hồng Điệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh chia sẻ: Phụ nữ Công giáo ở thôn Giáo Nghĩa trước đây chưa tự tin trong giao lưu với các địa phương khác, hoạt động hội còn hạn chế. Thế nhưng, thời gian gần đây, có chị Lanh tích cực vận động, tham gia các phong trào, chị em đã noi theo và tích cực tham gia hoạt động hội. Đơn cử như việc thành lập câu lạc bộ dân vũ của thôn. Chị em trước kia có thể múa hát rất đẹp tại giáo xứ nhưng rất hiếm khi giao lưu với các đơn vị khác. Chị Lanh rất tích cực tham gia gây dựng phong trào phụ nữ nói chung, câu lạc bộ dân vũ nói riêng. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ ở thôn Giáo Nghĩa có bước phát triển mới, tiến bộ.

Ngoài thời gian tham gia các công việc chung của thôn, chị Lanh thường xuyên đi thăm đồng, hoặc gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân để nắm bắt tư tưởng, cuộc sống, tình hình sản xuất của bà con. Trên các xứ đồng, chị thuộc làu từng mảnh ruộng, từng giống cây, con của mỗi gia đình. Trong thôn, đường ngang, lối dọc, hoàn cảnh của mỗi gia đình chị đều nắm rõ. Bởi thế, những ý kiến, đề xuất của trưởng thôn về hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn, khuyến khích con em học tập hoặc hỗ trợ các gia đình sản xuất, phát triển kinh tế đều được bà con đồng tình ủng hộ bởi sự sâu sát, minh bạch, tinh thần làm việc chí công, vô tư của chị.

Không chỉ xông xáo chăm lo việc thôn xóm, chị Lanh còn là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhà nào trong xã, trong thôn không sản xuất, chị xin thầu lại đất để canh tác. Hiện nay gia đình chị đang canh tác hơn 100 mẫu ruộng. Ngoài ra chị còn làm dịch vụ máy cày, máy cấy, máy sấy thóc, gieo hạt..., vừa phục vụ gia đình vừa đáp ứng nhu cầu của bà con. Mùa màng bận mải, chị thuê khoảng 20 nhân công với mức thù lao từ 160.000 - 700.000 đồng/ngày công, tùy công việc. Chị cho biết: Khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, phải khai thác hết công suất của máy mới có thể mang lại lợi nhuận khá. Trong năm 2019, tôi thu về khoảng 500 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm trong vai trò trưởng thôn, chị Trần Thị Lanh cho biết: Như con chim có hai cánh, người Công giáo cũng có hai nhiệm vụ phải chu toàn: Kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, mình thể hiện bằng những việc làm cụ thể, góp sức xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, vun đắp tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư... Phụ nữ làm trưởng thôn, thực sự mà nói công việc cũng khá bộn bề, tuy nhiên, tôi được chồng con, anh em, họ hàng rất ủng hộ. Đặc biệt là nhân dân cũng đều yêu quý và ủng hộ, đó chính là động lực giúp tôi luôn cố gắng và nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xuân Phương

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)