Thứ 6, 10/05/2024, 11:40[GMT+7]

Khát vọng khởi nghiệp từ nông nghiệp

Thứ 2, 20/01/2020 | 08:52:08
2,676 lượt xem
Dẫu biết phải đối diện với vô vàn khó khăn, nhưng với kiến thức khoa học kỹ thuật của mình và khát vọng làm giàu từ chính thửa ruộng trên đất quê hương, chàng trai trẻ Trần Văn Tuyển, thôn Đồng Hòa (xã Thụy Phong, Thái Thụy) vẫn tự tin khởi nghiệp từ nông nghiệp. Những thành công ban đầu đã tiếp thêm động lực để anh theo đuổi ước mơ.

Những thửa ruộng bỏ hoang giờ thực sự trở thành bờ xôi ruộng mật để làm giàu của anh Tuyển.

Sau 7 năm theo nghề sửa chữa ô tô và mở được gara sửa chữa ô tô riêng ở gần nhà, công việc đang ổn định, thu nhập khá, Tuyển bất ngờ chuyển nghề sang làm ruộng. Một quyết định khiến không chỉ người thân trong gia đình mà cả bạn bè, hàng xóm nghĩ anh bị “dở hơi”. Ông Trần Văn Mao, thôn Đồng Hòa, hàng xóm của anh Tuyển cho biết: Gần cả cuộc đời tôi gắn bó với đồng ruộng, chưa một ngày nào nghĩ có thể làm giàu được từ cây lúa. Làm lụng vất vả, chi phí đầu tư cao và còn thêm thiên tai, sâu bệnh hại lúa, nếu được mùa thì đủ ăn đã là quý lắm rồi! Thấy Tuyển đầu tư vào cấy lúa, ban đầu ai cũng lo cho cháu.


Chẳng phải ông Mao hay người dân địa phương lo lắng, bản thân Tuyển đôi lúc cũng “run” khi nghĩ đến những rủi ro có thể gặp phải khi bắt tay khởi nghiệp từ cây lúa. Trò chuyện với Tuyển, chúng tôi hiểu vì sao anh lại “hăng” đeo đuổi nghiệp trồng lúa đến thế. Tuyển cho biết: Làm nông nghiệp theo phương pháp truyền thống của ông, cha đúng là quá khổ bởi chỉ dựa vào sức người. Nhưng bây giờ, có máy móc hỗ trợ từ khâu làm đất, cấy đến thu hoạch, bảo quản thì nông dân có khác nào công nhân làm trong các nhà máy, xí nghiệp. Có kiến thức khoa học kỹ thuật, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa thì đâu sợ mất mùa nữa. Và điều quan trọng hơn cả là hiện nay, nhiều nông dân chán sản xuất, bỏ ruộng hoang, Đảng và Nhà nước có chính sách, cơ chế tạo thuận lợi, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn tạo ra hàng hóa chính là “chìa khóa” để mở ra hướng làm giàu cho nông dân từ nông nghiệp...


Dám nghĩ, dám làm, Tuyển dứt khoát chuyển nghề, bán hết đồ sửa chữa ô tô tập trung vốn và vay thêm người thân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Vụ xuân năm 2018, anh vận động người thân trong gia đình và họ hàng tích tụ được 6 mẫu ruộng để cấy lúa; đến vụ mùa cùng năm, anh vận động bà con trong thôn cho thuê thêm 6 mẫu với giá 10kg thóc/sào/vụ. Để phục vụ sản xuất cho gia đình và bà con trong xã, Tuyển đã đầu tư gần 700 triệu đồng mua sắm 3 máy cấy, 5.000 khay gieo mạ, 2 máy làm đất, 1 máy phun thuốc bảo vệ thực vật công suất 4 - 5 mẫu/ngày và các loại máy móc nông nghiệp khác như: máy bơm nước, máy cắt cỏ, máy gặt đập liên hợp. Năm 2018, từ cấy lúa cho thu lãi 70 triệu đồng giúp Tuyển tạm an tâm. Bước sang năm 2019, anh tiếp tục vận động bà con trong thôn, trong xã để tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất lên 18 mẫu ruộng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa, kiến thức về thị trường lúa gạo, Tuyển đã làm chủ quá trình thâm canh, thu hoạch, bảo quản nông sản. Năng suất, sản lượng cao, chất lượng thóc tốt, bán với giá cao, sau khi trừ mọi chi phí, năm 2019 anh Tuyển thu về 240 triệu đồng tiền lãi. Chia sẻ về vấn đề đầu ra cho nông sản, anh Tuyển cho biết: Sản xuất với quy mô lớn, tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là nỗi trăn trở. Bên cạnh việc bảo đảm sản xuất ra thóc có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường, tôi chủ động tìm kiếm đối tác tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh. Hiện, tôi đã ký kết hợp đồng bán thóc cho 3 đầu mối là doanh nghiệp xay xát, chế biến nông sản với tổng sản lượng gần 70 tấn thóc/năm.

Anh Tuyển không chỉ biết vận hành mà còn tự bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy nông nghiệp của mình.


Tham gia Câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp của tỉnh và Hội máy cấy Thái Bình, Trần Văn Tuyển không chỉ cập nhật, tham khảo về khoa học kỹ thuật thâm canh lúa hiện đại, tìm hiểu thị trường mà còn có nhiều cơ hội hợp tác tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy, bên cạnh bảo đảm đầu ra cho toàn bộ sản lượng thóc của gia đình làm ra, anh còn thu mua, bao tiêu thóc cho nhiều nông dân của địa phương. Dự tính năm 2020, anh sẽ tích tụ thêm khoảng 12 mẫu ruộng, nâng tổng diện tích canh tác lên 30 mẫu. Để sẵn sàng cho quy mô sản xuất lớn, anh Tuyển vừa đầu tư 142 triệu đồng mua máy sấy thóc với công suất 15 tấn/mẻ phục vụ bảo quản nông sản sau thu hoạch bảo đảm chất lượng tốt nhất.


Nói về anh Tuyển, ông Đặng Xuân Hoa, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy Phong (Thái Thụy) cho biết: Cả xã có 3 mô hình tích tụ ruộng đất, trong đó mô hình của anh Tuyển có quy mô lớn nhất. Không chỉ thành công trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, anh Tuyển còn tổ chức các dịch vụ làm đất, gieo mạ, cấy thuê bằng máy, cung ứng phân bón cho bà con trong xã. Việc mở mang làm thêm dịch vụ nông nghiệp không chỉ tăng thu nhập cho gia đình anh Tuyển mà còn trực tiếp tạo việc làm cho 12 lao động của địa phương. Quan trọng hơn cả, đây có thể coi là mô hình giúp cho bà con nông dân thay đổi nhận thức, tư duy về sản xuất nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy nông dân tham gia tích tụ ruộng đất để sản xuất, hạn chế tình trạng những bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang như hiện nay.


Có ý chí, có đam mê, sau 2 năm với 4 vụ lúa, những thành công bước đầu đã tiếp thêm động lực để anh Tuyển theo đuổi khát vọng làm giàu từ nông nghiệp. Tuy nhiên, con đường lập nghiệp của anh vẫn còn những khó khăn; đặc biệt là cơ chế tích tụ ruộng đất ổn định để yên tâm đầu tư sản xuất; mặt bằng triển khai gieo mạ khay, xây dựng nhà xưởng chứa, bảo vệ máy móc sau mỗi mùa vụ, xây dựng kho xưởng bảo quản nông sản sau thu hoạch với sản lượng lớn... Ngoài sự năng động, linh hoạt của mình, anh Tuyển rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để biến ước mơ làm giàu từ nông nghiệp trở thành hiện thực và duy trì bền vững.

Phan Lợi - Khắc Duẩn

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)