Chủ nhật, 24/11/2024, 21:09[GMT+7]

Hành trình mở đất, dựng nghiệp (Kỳ 1)

Thứ 2, 24/02/2020 | 08:54:18
3,430 lượt xem
Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, chính thức đánh dấu Thái Bình trở thành đơn vị hành chính trực thuộc nhà nước trung ương. Mặc dù là tỉnh được thành lập muộn hơn song theo các tài liệu lịch sử, đất và người Thái Bình đã tồn tại từ hàng nghìn năm.

Cây thị cổ có niên đại trên 400 năm tại khuôn viên chùa Phụng Công, thôn Phú Lạc, xã Minh Tân (Hưng Hà).

Tại nơi hun đúc khí thiêng sông biển, nơi hội cư của nhân dân nhiều vùng miền đã sớm hình thành những đặc điểm vừa riêng biệt vừa đa dạng mang tên đất và người Thái Bình, đóng góp vào tiến trình dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Kỳ 1: Nhớ thuở tiền nhân mở cõi

Qua các sự kiện khảo cổ học, quá trình nghiên cứu về đời sống văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán..., các nhà khoa học đã khẳng định ngay từ buổi bình minh của lịch sử đã xuất hiện sự sinh tồn, phát triển của người Việt cổ trên mảnh đất Thái Bình ngày nay. Các thế hệ cư dân đã khai phá, chinh phục mảnh đất hoang vu nơi đầu sóng, ngọn gió, lập nên làng xã trù phú.

Con người quần cư trên đất Thái Bình từ bao giờ?

Ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thái Bình cho biết: Cuối năm 2000 đã diễn ra một sự kiện khảo cổ học quan trọng ở Thái Bình. Đó là việc phát hiện 2 chiếc trống đồng tại khu vực chùa làng Còng, xã Minh Tân, Hưng Hà. Hai chiếc trống đồng cổ được phát hiện ở độ sâu 0,58m, trên nền gò cao hơn 1,5m so với mặt bằng canh tác xưa gọi là Đống Lãm. Không chỉ có 2 chiếc trống đồng cổ, các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều mảnh gốm trong phạm vi mở rộng hàng nghìn mét vuông. Tháng 11/2010, các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ và Bảo tàng Thái Bình tiếp tục tiến hành khai quật lần thứ hai địa điểm Đống Lãm tại xã Minh Tân. Kết quả khai quật đã tìm được một tầng văn hóa dày khoảng 30cm chứa nhiều mảnh gốm thô, rìu đá. Qua nghiên cứu hoa văn trống đồng và các mảnh gốm cho thấy chủ nhân của những di chỉ khảo cổ này đã xuất hiện và sinh sống ổn định trên mảnh đất này từ 2.300 - 2.500 năm trước. Cuộc khai quật đã cho thấy đây là một làng cổ ven sông Hồng mà người Việt cổ cư trú lâu dài. Trong quá trình cư trú, họ đã để lại dấu tích: Những mảnh gốm vỡ ra từ đồ gia dụng, lưỡi rìu đá vứt bỏ tại chỗ trong quá trình sử dụng bị sứt mẻ. Bước đầu, các nhà khoa học đã dựng lại được cảnh quan xưa của làng cổ Đống Lãm. Thời bấy giờ, chưa ai đắp đê sông Hồng (phải đợi đến ngàn năm sau, vào thời Lý, người Việt mới đắp đê trị thủy sông Hồng). Đôi bờ sông còn là những vùng đất bồi, trũng, nước ngập mênh mông. Vì thế, người Việt cổ chọn những gò đống cao để lập làng xóm. Ngay tên gọi Đống Lãm cũng đã phản ánh thế đất cao của khu vực này so với xung quanh.

Không chỉ có di chỉ khảo cổ ở Minh Tân, trước đó, năm 1960, tại thôn Lường, xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Côi (nay là Quỳnh Phụ) cũng phát hiện một số đồ đồng và mảnh gốm có phong cách giống với hiện vật của văn hóa Đông Sơn. Sau sự kiện này, Thái Bình đã được ghi tên trên bản đồ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn của Việt Nam. Cùng với các di chỉ khảo cổ học, tại Thái Bình hiện còn hơn 300 làng (chiếm khoảng 40% số làng trong tỉnh) có tên Hán và tên Nôm cổ như: Kẻ Ón, Kẻ Bái, Kẻ Gũ, Kẻ Gọ, Kẻ Bo, Cổ Lễ, Cổ Trai, Cổ Đẳng. Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và địa danh học, đây là tên gọi các làng Việt cổ dưới thời kỳ Vua Hùng. Cùng với địa danh, các văn bản thần tích ghi lại công lao của nhiều vị thần là danh tướng dưới thời Hùng Vương - An Dương Vương được khá nhiều làng xã Thái Bình phụng thờ góp phần xác nhận dấu tích định cư của cư dân Thái Bình thời kỳ Văn hóa Đông Sơn từ giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến những thế kỷ đầu Công nguyên.

Hai chiếc trống đồng cổ phát hiện tại chùa làng Còng, xã Minh Tân (Hưng Hà) hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thái Bình.

Chinh phục, khai phá mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió

Ngay trong buổi bình minh của lịch sử Việt Nam, cư dân Việt cổ đã thực hiện những cuộc hành trình chiếm lĩnh và khai phá miền đầm lầy vũng vịnh men theo các dòng sông hướng ra biển cả. Mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển Thái Bình chính là nơi họ dừng chân lập làng, mở rộng địa bàn cư trú tìm kiếm một cuộc sống ổn định lâu dài. Trên cả vùng đất rộng lớn, hoang vu, lau lách, họ đã tìm đến những gò đống, dải đất cao, bãi phù sa ven sông để đặt chân. Những cuộc khẩn hoang, vỡ đất vĩ đại đã được cư dân thực hiện để phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, họ vừa dùng sức người, vừa biến cải tự nhiên để sinh tồn.

Vốn là dân vùng đồi núi, khi tiến về đồng bằng ven biển, cư dân Việt cổ đã sớm thích nghi với điều kiện địa hình mới, sáng tạo nên các kỹ thuật rồi tiến dần lên dùng sức kéo của người và trâu bò để khai khẩn, trồng lúa. Nghề trồng lúa nước với nhiều kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất đã trở thành nguồn sống chính của cư dân. Bên cạnh trồng lúa, để thích nghi với mảnh đất bốn bề là biển và sông bao bọc, đầm lầy, sông ngòi chằng chịt, nghề đánh bắt cá cũng trở thành một loại hình kinh tế song hành với trồng lúa. Để tiếp tục tiến dần xuống phía nam, mở mang đất đai, cư dân Việt cổ đã sáng tạo ra công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Các nghề thủ công như đốt gạch, làm gốm, dệt vải, đúc đồng... đã lần lượt ra đời. Trong nhiều mộ táng được phát hiện tại các gò đống lớn trải dài từ Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Kiến Xương đã phát hiện những vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân Việt cổ như bát đồng, muôi đồng, chì lưới và điển hình là trống đồng được phát hiện tại chùa làng Còng (Minh Tân, Hưng Hà) vào năm 2000 được nhận định là gần giống với trống đồng Ngọc Lũ, cho thấy sự phát triển rực rỡ của nghề đúc đồng của cư dân Thái Bình xa xưa. Cho đến ngày nay, hầu hết những nghề truyền thống phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của cư dân nông nghiệp xưa vẫn đang tồn tại và phát triển trên đất Thái Bình như đúc đồng An Lộng (Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ); chạm bạc Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương); dệt vải Phương La (Thái Phương, Hưng Hà)...  

Nhìn lại lịch sử Thái Bình từ thuở tiền nhân mở cõi để thấy, ngay trong buổi bình minh của lịch sử Việt Nam, người Việt cổ đã chọn vùng đất hạ lưu sông Hồng để làm nơi quần cư, lập nên những làng xã trù phú. Bằng bàn tay và khối óc, các bậc tiền nhân đã lập nên những ngôi làng cổ đầu tiên làm cơ sở để mở mang, phát triển làng xã, lập nên Thái Bình hôm nay.


Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin


Theo bản đồ lịch sử phát triển châu thổ sông Hồng thì toàn bộ vùng đất thuộc hai huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, một phần lớn đất đai thuộc các huyện Tiên Hưng, Thư Trì, Thụy Anh (cũ) có lịch sử 3.000 - 2.000 năm. Hầu hết các huyện Vũ Tiên, Đông Quan (cũ) có lịch sử từ 2.000 - 1.000 năm. Vùng Nam Kiến Xương, Tiền Hải có lịch sử từ 1.000 năm trở lại đây theo xu hướng muộn dần, gần như song song với bờ biển hiện nay. Phải thấy được sự hình thành đất đai sớm, muộn khác nhau giữa các vùng trong tỉnh mới thấy rõ hơn đặc điểm văn hóa và cư dân Thái Bình phong phú và mang tính gối sóng.

Ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thái Bình

Nói đến Thái Bình từ trước tới nay chúng ta cứ nghĩ đây là miền đất trẻ chỉ vài trăm tuổi đánh dấu bởi cuộc khẩn hoang của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ nhưng kỳ thực cuộc khẩn hoang này chỉ mở rộng đất đai, thành lập thêm huyện Tiền Hải còn nhiều vùng đất đai Thái Bình như Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng đã có từ hàng nghìn năm. Tôi đã được trực tiếp tham gia vào hai cuộc khảo cổ quan trọng tại Đống Lãm (Minh Tân). Tại đây, đã phát hiện hai trống đồng (hiện vẫn đang trưng bày tại Bảo tàng Thái Bình) cùng nhiều mảnh gốm để khẳng định nơi đây là một làng Việt cổ tồn tại từ 2.300 - 2.500 năm trước. Bản đồ hành chính của tỉnh Thái Bình có thể bắt đầu xuất hiện từ sau ngày Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập tỉnh vào ngày 21/3/1890 nhưng phần lớn đất đai Thái Bình đã có hàng nghìn năm tuổi.

Ông Nguyễn Văn Thế, 94 tuổi, thôn Phụng Công, xã Minh Tân (Hưng Hà)

Theo nhiều nguồn tài liệu lịch sử, chúng tôi được biết, làng Phụng Công, tên nôm là làng Còng, xã Minh Tân (Hưng Hà) là một làng cổ nằm ven sông Hồng. Minh chứng rõ nét nhất về sự hình thành và phát triển lâu đời của vùng đất này chính là việc phát hiện hai hiện vật trống đồng cổ trong khuôn viên ngôi chùa Phụng Công tại thôn Phú Lạc, xã Minh Tân cách đây gần 10 năm. Ngoài ra, trong quá trình cải tạo đất đai xung quanh ngôi chùa này, người dân còn phát hiện nhiều hiện vật cổ như đồng tiền bạc, gươm, đồ gốm... Chúng tôi rất tự hào về mảnh đất nghìn năm văn hiến của quê hương.


(còn nữa)

Trần Hương - Tất Đạt


(Bài viết sử dụng tư liệu từ Địa chí Thái Bình, Từ điển Thái Bình, Lịch sử Đảng bộ Thái Bình, các tài liệu liên quan và ý kiến, tư liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử).