Chủ nhật, 24/11/2024, 22:50[GMT+7]

Phi công Vũ Đình Rạng - rạng danh quê lúa

Thứ 2, 02/03/2020 | 08:46:24
12,658 lượt xem
“Nếu hôm đó ông Rạng bắn rơi chúng tôi tại chỗ, thì hôm nay tôi không còn được ở đây nói chuyện cùng ông về chuyện ngày xưa nữa. Tôi và tổ bay 6 người trên B52 mỗi người nợ ông một cuộc đời”. Đó là phát biểu của cựu phi công Mỹ David Robert Volker, người trong kíp 6 phi công lái chiếc máy bay B52 của Mỹ bị phi công Vũ Đình Rạng lái máy bay Mig 21 thuộc Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân đội nhân dân Việt Nam bắn hạ vào đêm 20/11/1971.

Về thăm và nói chuyện với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh và các huyện, thành phố tỉnh Thái Bình, Đại tá phi công Vũ Đình Rạng đã khiêm nhường không cho rằng mình là phi công lái máy bay Mig 21 đầu tiên trên thế giới và của Không quân nhân dân Việt Nam tiếp cận và bắn rơi máy bay B52 (pháo đài bay B52 bất khả xâm phạm của quân đội Mỹ). Ông khiêm tốn tự nhận rằng đêm 20/11/1971, ông đã nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong việc tiếp cận và bắn trúng máy bay B52 của đế quốc Mỹ. Ông kể lại: Năm 1971, đế quốc Mỹ tăng cường cho pháo đài bay B52 đánh phá các tuyến đường khu 4 của ta nhằm ngăn chặn chi viện sức người và trang bị kỹ thuật của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Lực lượng không quân được tăng cường vào trực chiến ở các sân bay dã chiến khu 4. Cứ mỗi buổi chiều các phi công lái máy bay Mig 21 thay nhau bay chuyển sân bay bí mật vào các sân bay tiền tiêu khu 4 trực sẵn sàng chiến đấu. Khi phát hiện có máy bay B52 Mỹ bay vào là xuất kích đánh chặn, sau đó quay về hạ cánh ở sân bay phía Bắc. Phía Mỹ cũng nhận định được quy luật này và cho rằng Không quân nhân dân Việt Nam chỉ có một máy bay Mig 21 trực ở một trong các sân bay dã chiến sau khi cất cánh săn B52 không được thì quay ra Bắc hạ cánh. Không quân nhân dân Việt Nam đã tạo được một cái bẫy lừa B52 của Mỹ. Đêm 20/11/1971, phi công Vũ Đình Rạng cùng máy bay trực chiến tại sân bay Anh Sơn, Nghệ An và đồng đội Hoàng Biểu trực chiến tại sân bay Vinh. 19 giờ 40 phút, có tín hiệu máy bay B52, Sở chỉ huy đã lệnh cho phi công Hoàng Biểu cất cánh lên đánh chặn rồi quay ra hạ cánh ở sân bay Nội Bài. Địch phán đoán ta không còn máy bay trực chặn đánh B52 nên lúc 20 giờ 40 phút, B52 đã bay vào. Lúc đó, máy bay B52 của địch chủ quan mở cả đèn vào đánh phá các mục tiêu quan trọng của ta. Phi công Vũ Đình Rạng được lệnh cất cánh đánh chặn B52. Để tiếp tục đánh lừa địch và hệ thống cảnh báo của lực lượng hải quân Mỹ ngoài biển, anh Rạng đã không bật máy liên lạc với Sở chỉ huy. Khi anh đang bay ở độ cao 2.000m địa phận huyện Đô Lương, Nghệ An thì máy bay bắt được tín hiệu B52. Sở chỉ huy ra lệnh Vũ Đình Rạng lên độ cao 9.000m và cho phép tiếp cận B52. Suốt quá trình tiếp cận B52, Vũ Đình Rạng nghe trung tâm chỉ huy thông báo mục tiêu phía trước 40km, 30km, 15km và khi cách mục tiêu B52 chỉ còn 10km, Vũ Đình Rạng bật ra đa và nhìn trên màn hình xuất hiện 3 chiếc B52 của địch, anh tập trung mọi sự chú ý tiếp cận mục tiêu B52 với vận tốc siêu âm 1.400km/giờ. Cách mục tiêu 2km, Vũ Đình Rạng phóng quả tên lửa tầm nhiệt lao vào mục tiêu B52 và nhìn rõ một vệt nổ, đồng thời lập tức điều khiển máy bay lên cao và nhìn thấy một chiếc B52 khác, anh chúc xuống phóng tiếp quả tên lửa thứ hai về phía mục tiêu rồi thoát ly đưa máy bay về hạ cánh an toàn tại sân bay Anh Sơn. Khi hạ cánh, anh đã cho tắt hết đèn để không lộ mục tiêu trong khi phía sau là ù ù tiếng máy bay F4 của Mỹ đang truy tìm đối thủ Mig 21 của Không quân nhân dân Việt Nam. Về số phận chiếc máy bay B52 của Mỹ bị phi công Vũ Đình Rạng bắn trúng đêm 20/11/1971 không bị rơi tại chỗ mà phải mãi đến cuối năm 1999 chúng ta mới biết rõ được qua Thiếu tá phi công Mỹ Ralp Wetterhahn lái chiếc B52 bị trúng đạn và lết về sân bay Nakhon - Phanom, toàn bộ kíp lái 6 người trên chiếc máy bay B52 thoát chết. Cựu phi công David Robert Volker, là một trong 6 phi công thoát chết khi máy bay B52 bị Vũ Đình Rạng bắn trúng, khẳng định đó là lần đầu tiên trên thế giới B52 của Hoa Kỳ bị phi công Mig 21 của Không quân nhân dân Việt Nam tiếp cận và bắn trúng. Với Hoa Kỳ, đó là cơn chấn động. Chúng tôi từng tuyên bố B52 là bất khả xâm phạm, không có vũ khí nào có thể tấn công được. Nhưng giờ đây B52 đã bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn trúng. Cơn chấn động đêm 20/11/1971 khiến B52 của Mỹ phải dừng bay trong 4 tháng để nghiên cứu cách chống lại các phi công và máy bay Mig 21 của Không quân nhân dân Việt Nam. Trong cuốn “Ký ức trời đêm” của tác giả Nguyễn Công Huy mô tả những trận đánh đêm của Không quân nhân dân Việt Nam có đoạn khi sau này phỏng vấn Trung tướng Trần Hanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về trận đánh đêm 20/11/1971 của phi công Vũ Đình Rạng, Trung tướng Trần Hanh đã nói: Đây là lần đầu tiên Mig 21 của Không quân nhân dân Việt Nam tiếp cận B52 và khẳng định Mig 21 hoàn toàn có thể đánh được B52. Qua trận đánh này, tuy không bắn hạ B52 rơi tại chỗ nhưng cũng rút ra được cách đánh, chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch 12 ngày đêm sau này. Còn Đại tá Nguyễn Chuyên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người đã dẫn đường chính cho phi công Vũ Đình Rạng trong trận đánh B52 đêm 20/11/1971 thì nhận định: Trận đánh này có tác dụng rất lớn cho chiến dịch Quảng Trị, giúp cho ta có thời gian dài vận chuyển vũ khí, khí tài và chuyển quân cho chiến trường Quảng Trị.

Đại tá phi công Vũ Đình Rạng.


Sau trận xuất kích đánh máy bay B52 trên bầu trời khu 4 đêm 20/11/1971, phi công Vũ Đình Rạng còn tham gia nhiều trận đánh đối mặt với không quân Hoa Kỳ trên bầu trời Hà Nội và tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm năm 1972. Ông Vũ Đình Rạng cho biết thêm: Đêm 13/4/1972, tôi trực chiến đấu ở sân bay Đa Phúc, trời mưa tầm tã, màn mây thấp xệ hẳn xuống, tầm nhìn rất hạn chế. Khi ấy hệ thống ra đa phát hiện tốp B52 đang bay từ Thái Lan qua Savanakhet (Lào) vào Việt Nam. Sở chỉ huy lệnh cho tôi xuất kích săn lùng B52 nhưng vì B52 gây nhiễu quá mạnh và dày đặc nên Sở chỉ huy dẫn đường nhưng tôi không thể phát hiện mục tiêu. Tôi phải đưa máy bay về hạ cánh trong điều kiện hết dầu, thời tiết xấu, Sở chỉ huy cho phép rời bỏ máy bay và nhảy dù. Tôi nhảy dù trong trời mưa, khi rơi xuống tiếp đất gần một bờ ruộng. Lúc đó, trời vẫn mưa xối xả, lại trong đêm tối, tôi đã quấn dù kín người nằm thiếp bên bờ ruộng. Sáng đó có bà nông dân đi chợ phát hiện ra phi công rơi liền hô hoán dân quân, du kích. Cùng lúc đó, tốp tìm kiếm tôi của Quân chủng cũng vừa có mặt. Tôi được đưa lên xe về bệnh viện Đan Phượng trong tình trạng gần như kiệt sức.


Vũ Đình Rạng, người con của quê hương xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1963 thuộc Lữ đoàn dù 305. Theo yêu cầu của Quân đội, năm 1964 Vũ Đình Rạng được tuyển chọn sang Quân chủng Không quân, năm 1965 được tuyển chọn sang Liên Xô học lái máy bay Mig 21 và là một trong 34 phi công đạt thành tích xuất sắc trong quá trình học tập tại Liên Xô. Năm 1968, Vũ Đình Rạng tốt nghiệp khóa huấn luyện về nước tham gia chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 921, Sư đoàn 371. Tại Sư đoàn 371, Vũ Đình Rạng tiếp tục được trau dồi kiến thức bay đêm và chuyên trực chiến săn B52. Ông đã lái máy bay Mig 21 tham gia nhiều trận chặn đánh B52 trên bầu trời Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khu 4.


47 năm sau, năm 2018, viên phi công David Robert Volker, một trong 6 phi công thoát chết khi lái máy bay B52 khi gặp lại Vũ Đình Rạng đã phải cảm phục: Nếu hôm đó ông Rạng bắn rơi chúng tôi tại chỗ, thì hôm nay tôi không còn được ở đây nói chuyện cùng ông về chuyện ngày xưa nữa. Tôi và tổ bay 6 người trên B52 mỗi người nợ ông một cuộc đời.


Năm 2000, ông Vũ Đình Rạng được Quân đội cho nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, hiện ông đang sống ở số nhà 126 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)