Thứ 4, 08/05/2024, 14:25[GMT+7]

Dấu ấn một vùng quê

Thứ 2, 16/03/2020 | 09:57:42
1,674 lượt xem
Xã Đồng Phú (Đông Hưng) nằm ở tả ngạn sông Trà Lý - mảnh đất nghèo khó này ẩn chứa bao dấu tích lịch sử. Nơi đây đã chứng kiến và 2 lần đưa đón Bác qua sông khi Người về thăm Thái Bình trong những ngày tháng cam go nhất.

Quang cảnh xã Đồng Phú ngày nay.

Nơi đây vẫn còn lưu giữ lời huấn thị của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ngày đầu xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Nơi đây có người con ưu tú trúng cử đại biểu Quốc hội (khóa I) đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nơi đây đã cán đích nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020. Từ một vùng quê hẻo lánh, Đồng Phú hôm nay đã thay da đổi thịt, khởi sắc đi lên. Thành quả đó là sự bồi đắp, tạo dựng của bao thế hệ và quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân xã Đồng Phú.  

Tương truyền, trước đây Đồng Phú thuộc Vụng Bà Lanh, là vùng đầm, sông nước ăn thông với sông Trà Lý. Trải qua hàng nghìn năm bồi đắp và tôn tạo của bao thế hệ, Đồng Phú đã trở thành quần cư hội tụ 82 tộc họ thuộc 18 dòng họ khác nhau về đây sinh sống. Ở thời đại nào, người dân Đồng Phú cũng thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ nhau chống chọi với thiên nhiên và giặc giã, trở thành hậu cứ của các triều đại Lý, Trần. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay từ trước những năm 1930, hai người con họ Bùi là Bùi Đăng Sắc và Bùi Đăng Chi đã trở thành hội viên Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên Thần Duyên và trở thành nòng cốt trong cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930 lừng danh cả nước. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập và 2 cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đồng Phú đã trở thành hậu cứ vững chắc, cung cấp sức người, sức của cho cách mạng. Đặc biệt, được chứng kiến và vinh dự 2 lần đưa đón Bác qua sông Trà Lý khi Người về thăm Thái Bình. Đó là ngày 28/4/1946, sau khi làm việc với Tỉnh ủy Thái Bình chỉ đạo chống lũ lụt, Bác đã qua đò Cống Vực (Đồng Cống) để thị sát đê Đìa của huyện Hưng Nhân bị vỡ. Và lần thứ hai, ngày 1/1/1967 trong bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, Bác đã qua đò Cống Vực về thăm, nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tại xã Tân Phong (Vũ Thư) và cũng là lần cuối cùng trước khi Bác đi xa. Trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và khởi đầu xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp, tháng 6/1961, Đồng Phú tự hào được đón Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm và nói chuyện. Năm điều huấn thị của Tổng Bí thư đã trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động của Đảng bộ và nhân dân xã Đồng Phú.

Điều đáng tự hào trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 6/1/1946, ông Bùi Đăng Chi người con quê hương Đồng Phú đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I, trở thành vị đại biểu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, ở thời kỳ nào Đồng Phú cũng tiên phong đi đầu các phong trào. Cho dù là xã duyên giang nghèo khó, xa trung tâm huyện nhưng bằng nỗ lực của mình, Đồng Phú đã bật dậy cán đích nông thôn mới trước 2 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Đồng Phú đã huy động từ nguồn ngân sách xã, đóng góp của nhân dân và con em xa quê trên 35 tỷ đồng, hàng nghìn ngày công, hàng vạn mét vuông đất thổ canh, thổ cư để xây dựng các công trình phúc lợi, đường sá, mương máng. Điều đáng quý, nhiều con em Đồng Phú xa quê đã hướng về quê hương chung tay xây dựng nông thôn mới, đóng góp hàng trăm triệu đồng cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi. Tiêu biểu như các ông bà: Đặng Văn Khiêm (thành phố Thái Bình), Nguyễn Tuấn Minh (Quảng Ninh), Nguyễn Thị Quyên, Nguyễn Văn Quang, Phạm Thị Hoa (Thái Bình), Nguyễn Thị Mai (Hà Nội), Trần Thị Tuyên (thành phố Hồ Chí Minh),... Với ân tình sâu nặng với quê hương, ông Đặng Văn Khiêm - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Đại Dương đã trực tiếp chỉ huy thi công 2 tuyến đường ra Cống Vực và nối liền với xã Minh Châu, mở ra diện mạo giao thương cho cả vùng.

Còn đâu những con đường gồ ghề, nhớp nháp bùn non một thời Bác đã đi qua. Còn đâu những mái nhà tranh nghèo mỗi khi mùa lũ về trắng xóa nước đồng. Đồng Phú hôm nay đã bừng dậy với sức sống của một vùng quê đầm ấm, văn minh đang nhích dần tới đời sống văn minh đô thị. Rồi đây, xã Minh Châu sát nhập với xã Đồng Phú trở thành xã Minh Phú theo quy mô địa dư và dân số, lại càng thêm sức mạnh, bởi nguồn cội vốn cùng một Chi bộ Đảng thời kỳ tiền cách mạng, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và sức mạnh cộng đồng.

Trọng Thắng
(Thành phố Thái Bình)