Thứ 2, 25/11/2024, 13:27[GMT+7]

Người Thái Bình cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập

Thứ 3, 17/03/2020 | 09:17:03
19,218 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Trong đoàn quân trùng điệp ra trận rất nhiều con em Thái Bình đã lập chiến công xuất sắc, là nhân chứng cho những sự kiện trọng đại của dân tộc. Điển hình trong số đó là Anh hùng Bùi Quang Thận - người đầu tiên cắm lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc dinh Độc Lập vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

Anh hùng Bùi Quang Thận (người ngoài cùng bên trái) trong một lần trở lại thăm dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu

Chúng tôi về xã Thụy Xuân (Thái Thụy) gặp bà Nguyễn Thị Đót - vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Quang Thận. Ký ức về người chồng bao năm gắn bó khiến bà không giấu được xúc động. Bà bảo: Chồng tôi mất đến nay đã 8 năm nhưng trong căn nhà này luôn hiện hữu bóng hình của ông ấy. Bà cho chúng tôi xem những kỷ vật của ông để lại được gia đình cất giữ rất cẩn thận trong đó có những tấm ảnh đen trắng đã hoen ố theo thời gian, những tấm ảnh chụp buổi nói chuyện của ông với các chiến sĩ, các em học sinh; những tấm ảnh chụp ông giữa đời thường với bạn bè hay những khoảnh khắc bình yên bên gia đình... Tất cả là những mảnh ghép về cuộc đời của một con người đã đi vào lịch sử. Bà Đót và các con luôn coi những kỷ vật của Đại tá Bùi Quang Thận như báu vật, niềm tự hào, nhắc nhớ về một thời oanh liệt mà ông cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đại tá Bùi Quang Thận sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 11/1966, là cán bộ ưu tú thuộc thế hệ đầu tiên của Lữ đoàn Xe tăng 203. Ông đã trải qua các cương vị: Trưởng xe, Trung đội phó, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, Chủ nhiệm Tăng thiết giáp Quân đoàn 2. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, ông giữ vai trò Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp trong Quân đoàn 2, là đơn vị trực tiếp đảm nhiệm việc đánh chiếm dinh Độc Lập.

Tháng 4/2011, chúng tôi được tham dự buổi nói chuyện truyền thống của Đại tá Bùi Quang Thận với thầy trò Trường THPT Đông Thụy Anh (Thái Thụy), được nghe ông kể về những ngày tháng tư lịch sử năm 1975 và sự kiện cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Ông bảo: Điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi cho đến lúc này là được kéo lá cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, được trở thành nhân chứng lịch sử chứng kiến giờ phút miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Câu chuyện này cũng được ông kể trong rất nhiều buổi nói chuyện truyền thống tại các đơn vị, trường học và ghi lại trong rất nhiều tài liệu viết về ông. 

Theo lời kể của ông: 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, Đại đội 4 của chúng tôi vượt cầu tiến vào thành phố, phía trước chúng tôi là chiếc xe tăng của Đại đội 3 do đồng chí Lê Tiến Hùng chỉ huy bị xe tăng M41 của địch bắn cháy. Tình thế khá nguy cấp, xe tăng 843 của tôi vọt lên tiêu diệt xe địch và tiếp tục vượt cầu. Khi đến dinh Độc Lập, thấy cổng đóng, tôi ra lệnh cho pháo thủ 2 Nguyễn Văn Kỷ giục pháo thủ 1 Thái Bá Minh nhắm giữa cổng dinh Độc Lập khai hỏa. Không hiểu sao đạn không nổ. Hai lần như vậy, tôi ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng dinh. Trong 10 phút phải húc 3 lần thì cánh cổng trái mới bung ra. Ngay lúc đó xe tăng 390 do anh Vũ Đăng Toàn chỉ huy lao vào húc đổ cổng chính. Thế là cả hai xe đều tiến vào bên trong. Vào trong dinh, tôi đề nghị anh Vũ Đăng Toàn ở lại “canh chừng” các thành viên nội các Việt Nam Cộng hòa và chờ cấp chỉ huy đến còn tôi thực hiện cho được nhiệm vụ của mình là cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập. Khi lên đến nơi, tôi hạ cờ ngụy xuống, treo cờ giải phóng vào. Kéo cờ mình lên, tôi lại hạ xuống, đưa tay xem đồng hồ. Tôi thận trọng ghi: 11 giờ 30 ngày 30/4 và ký tên Thận lên góc lá cờ Tổ quốc. Xong, kéo cờ lên lại. Kéo cờ xong, tôi chạy xuống bằng cầu thang bộ. Xuống đến tầng hai, thấy cờ giải phóng đã được các đồng đội cắm lên khá nhiều. Xuống dưới sân, tôi thấy hầu hết các quân đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đều đã có mặt. Phóng tầm mắt ra bốn phía xung quanh, tôi thấy khắp nơi, trên tất cả các dinh thự, các nóc nhà đều phấp phới lá cờ giải phóng tung bay trong gió. Tiếng hô bật lên từ mọi phía: “Việt Nam thống nhất độc lập muôn năm!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại muôn năm!”...

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác, Đại tá Bùi Quang Thận đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2000, Đại tá Bùi Quang Thận nghỉ hưu, về sống tại quê nhà. Ông mất năm 2012. Năm 2013, ông được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Đót luôn tự hào về chồng mình: Trên từng cương vị công tác, dù trong hoàn cảnh nào ông ấy cũng luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chủ động khắc phục mọi khó khăn, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, đồng chí, đồng đội yêu mến.


Ông Hà Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy
Thụy Xuân tự hào là quê hương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Quang Thận, người đã ghi dấu ấn đúng thời khắc lịch sử của đất nước. Những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, lấy đó là động lực để tạo sức mạnh đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thụy Xuân đã về đích nông thôn mới, đang trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Dù còn nhiều khó khăn song cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng, noi gương đồng chí Bùi Quang Thận, quy tụ lòng dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng Thụy Xuân trở thành xã biển giàu đẹp, văn minh.

Bà Nguyễn Thị Đót, vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Quang Thận
Dù chồng tôi đã đi xa nhưng với tôi và các con, các cháu, ông ấy vẫn luôn hiện hữu và là niềm tự hào của cả gia đình. Tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, Quân đội đã truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho chồng tôi, ghi nhận đóng góp của chồng tôi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó cũng là nguồn động viên để con cháu tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Chị Bùi Thị Khuyên, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy
Tôi là hàng xóm của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Quang Thận. Ông là người sống chan hòa, giàu tình cảm. Thời gian ông công tác xa nhà cũng như lúc về hưu, mỗi dịp khai giảng năm học mới hay các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, ông thường đến các trường học để nói chuyện truyền thống với các em học sinh. Hồi còn bé tôi cũng được nghe kể về sự kiện ngày 30/4/1975 và chính ông là người cắm lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc dinh Độc Lập. Dù ông đã đi xa nhưng biểu tượng về người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập năm ấy vẫn còn mãi, chẳng thể nào phai mờ trong các thế hệ người dân Thái Bình, nhân dân cả nước hôm nay và mai sau.


Nhóm phóng viên