Thứ 3, 14/05/2024, 18:20[GMT+7]

Phòng, chống dịch Covid-19: kiểm soát chặt chẽ lao động trở về từ vùng dịch

Thứ 5, 26/03/2020 | 16:27:47
714 lượt xem
Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đang bùng phát ở nhiều quốc gia, việc kiểm soát chặt chẽ lao động ở những vùng có dịch trở về các địa phương trong tỉnh được các cấp, các ngành và các địa phương đặc biệt chú trọng.

Các doanh nghiệp tổ chức đo thân nhiệt cho người lao động trước khi vào làm việc.

 Chủ động cách ly người trở về từ vùng có dịch

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp là tập trung kiểm soát và cách ly tốt những người trở về từ vùng có dịch. Tại các doanh nghiệp có chuyên gia, lao động là người nước ngoài trong vùng có dịch trở lại tỉnh làm việc sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đều được cách ly theo dõi nghiêm ngặt. Tại Thái Bình hiện có nhiều doanh nghiệp có chuyên gia, lao động là người nước ngoài với số lượng lên đến hàng trăm người. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, tính đến ngày 24/3 toàn tỉnh có 639 chuyên gia, lao động nước ngoài đang ở Việt Nam, trong đó Trung Quốc 519 người, Hàn Quốc 71 người, Nhật Bản 6 người, các quốc gia khác 43 người; số chuyên gia, lao động quay về nước chưa sang làm việc tại tỉnh thuộc các nước kể trên 378 người. Với những người nước ngoài đến từ vùng có dịch trở lại tỉnh làm việc, công tác cách ly được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm theo sự chỉ đạo của tỉnh.

Tại Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam có trên 1.000 chuyên gia, lao động, trong đó có 205 chuyên gia, lao động là người Trung Quốc. Khi có thông tin về dịch, 58 chuyên gia, lao động trở lại tỉnh làm việc sau tết đều được Công ty bố trí cách ly. 

Ông Triệu Hồng Vận, Phó Giám đốc hành chính của Công ty cho biết, khi các chuyên gia, lao động Trung Quốc trở lại tỉnh Thái Bình làm việc, Công ty bố trí khu cách ly riêng biệt, phun thuốc khử trùng nơi ở, khám sức khỏe, đo thân nhiệt hàng ngày. Sau 14 ngày cách ly, nếu không có biểu hiện nhiễm bệnh doanh nghiệp sẽ cho các chuyên gia nước ngoài trở lại làm việc. Đồng thời, Công ty tổ chức phun thuốc khử trùng nơi làm việc, nhà ăn và hỗ trợ mua khẩu trang, nước rửa tay cho công nhân.

Ngày 6/3, ngay sau khi Việt Nam có thông tin về ca nhiễm Covid-19 thứ 17, công tác kiểm soát lao động nước ngoài và người Việt Nam trở về được các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh tập trung cao độ. Tại Thái Bình, sau khi xác minh thông tin công dân Đ.H.T (thôn An Ấp, xã An Ấp, Quỳnh Phụ) là điều dưỡng viên đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) có tiếp xúc gần với một bệnh nhân dương tính Covid-19 đến khám tại bệnh viện này và trở về xã An Ấp trong ngày 6/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Quỳnh Phụ đã triển khai 3 đội cơ động của Trung tâm Y tế huyện và các lực lượng liên ngành tổ chức phun hóa chất khử trùng khu vực điều dưỡng Đ.H.T đến; điều tra, xác minh, theo dõi, cách ly 16 người có tiếp xúc gần với điều dưỡng Đ.H.T. Tại một số huyện khác như Hưng Hà, Tiền Hải sau khi phát hiện có trường hợp tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 đều kịp thời giám sát, thực hiện cách ly tập trung những người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19. Việc chủ động cách ly ngay từ khi tiếp nhận thông tin đã giúp kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam bố trí khu cách ly cho chuyên gia, lao động người Trung Quốc trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 để phòng, chống dịch. 

Toàn dân phòng, chống dịch

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về triển khai thực hiện khai báo sức khỏe tự nguyện bắt đầu từ ngày 10/3 nhằm phát hiện sớm, cách ly kịp thời người nhiễm Covid-19, tại Thái Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị phải triển khai nghiêm túc việc hướng dẫn nhân dân khai báo y tế, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đúng quy định về thực hiện cách ly, khai báo y tế, sẽ xử lý nghiêm những người cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch. Đến nay, hệ thống khai báo y tế đã được kích hoạt. Cùng với khai báo qua ứng dụng điện thoại di động, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh và y tế cơ sở tổ chức triển khai hướng dẫn nhân dân khai báo y tế, một số huyện, thành phố đã khẩn trương thực hiện khai báo y tế và lên kế hoạch lập hồ sơ theo dõi sức khỏe với người dân trên địa bàn quản lý để phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm để có biện pháp cách ly phù hợp. Bên cạnh đó, ý thức phòng chống dịch của người dân đã được nâng cao. Việc chủ động đeo khẩu trang để phòng, chống dịch, hạn chế tiếp xúc người lạ, người ở tỉnh ngoài, ở nước ngoài về, những nơi đông người trong nhân dân tăng cao; không còn tình trạng người dân tích trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm.

Công tác quản lý lao động cũng được siết chặt. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành một số văn bản phối hợp với các sở, ngành và các địa phương về tăng cường các biện pháp quản lý lao động. 

Ông Phạm Quang Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở yêu cầu phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các phòng chuyên môn hướng dẫn các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thông báo rộng rãi đến người dân, gia đình có người lao động, sinh sống ở nước ngoài để phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc chủ động khai báo thông tin với cơ quan chức năng để kịp thời theo dõi. Với doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài, yêu cầu thực hiện nghiêm các chế độ khai báo tình hình sử dụng quản lý lao động hàng ngày về Sở. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người lao động chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh để hạn chế nguy cơ lây lan, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguyễn Cường

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày