Thứ 7, 20/04/2024, 17:24[GMT+7]

Đông Thọ cần chú trọng an toàn vệ sinh lao động

Thứ 6, 21/08/2020 | 09:01:47
2,474 lượt xem
Xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) có nghề truyền thống sản xuất miến dong, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động và làm giàu cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, những năm qua việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại làng nghề chưa được chủ sử dụng lao động và người lao động coi trọng. Việc chủ quan, thờ ơ trong công tác bảo đảm ATVSLĐ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Hầu hết các hộ sử dụng nồi hơi tự chế để sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn lao động.

Theo thống kê, xã Đông Thọ hiện có khoảng 10 cơ sở sản xuất miến dong, tập trung chủ yếu ở hai thôn Thống Nhất và Đoàn Kết. Để duy trì nghề truyền thống, trong quá trình sản xuất các hộ sử dụng một số thiết bị như nồi hơi, bình chứa nén khí, máy thái miến sử dụng mô tơ điện... Đây là những thiết bị liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm ATVSLĐ. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị này đều chưa bảo đảm các quy định về ATVSLĐ. 

Cơ sở sản xuất miến dong của gia đình anh Nguyễn Văn Luyện, thôn Thống Nhất hiện có 8 lao động làm việc thời vụ với thu nhập khoảng 160.000 đồng/người/ngày. Trong hơn 30 năm làm nghề, hầu hết các thiết bị máy móc gia đình anh sử dụng đều được mua tại các sơ sở sản xuất cơ khí, không có giấy tờ kiểm định chất lượng; một số dụng cụ (máy thái miến, cắt miến...) chủ yếu là tự chế. Trong khi đó, anh Luyện và người lao động tại cơ sở đều vận hành máy móc bằng kinh nghiệm thực tế và chưa tham gia các khóa huấn luyện về ATVSLĐ.

Cách nhà anh Luyện không xa là cơ sở sản xuất miến dong của gia đình anh Hà Văn Hiếu, thôn Thống Nhất. Cơ sở của gia đình anh Hiếu được xã Đông Thọ chọn làm điểm chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP). Mặc dù có sự đầu tư về quy mô với diện tích 300mvà được quy hoạch thành các khu riêng biệt (nhà xưởng; khu chế biến; khu sấy, bảo quản), tuy nhiên công tác bảo đảm ATVSLĐ chưa được quan tâm. Cũng như cơ sở của anh Luyện, các thiết bị dùng cho sản xuất miến dong của gia đình anh Hiếu đều là sản phẩm tự chế, không được kiểm định chất lượng. Giấy tờ anh đưa ra duy nhất là chứng nhận anh đã tham gia khóa huấn luyện về ATVSLĐ, an toàn thực phẩm. Anh Hiếu và nhiều hộ sản xuất miến dong trên địa bàn thôn đều nêu lý do là các thiết bị về bảo đảm ATVSLĐ như nồi hơi không dùng áp suất, hơi nước tự thoát, không dùng van nén khí nên không gây nguy hiểm; người lao động có kinh nghiệm và cũng chưa xảy ra vấn đề gì về tai nạn lao động.

Để bảo đảm ATVSLĐ tại các làng nghề, năm 2019 xã Đông Thọ là một trong những địa phương được đoàn công tác của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATVSLĐ. Quá trình kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn xã, đoàn nhận xét hầu hết các cơ sở sản xuất, người lao động chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ. Các chủ hộ sản xuất, kinh doanh, người lao động hầu hết không tham gia tập huấn về ATVSLĐ và không tự nhận thấy được các nguy cơ gây mất an toàn lao động. Các hộ sản xuất đều sử dụng nồi hơi tự chế, không có van an toàn, các nồi hơi chưa được kiểm định kỹ thuật ATVSLĐ. Hệ thống điện, cầu dao của nhiều cơ sở không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ điện giật khi người lao động làm việc trong điều kiện thường xuyên tiếp xúc với nước, ẩm ướt; các máy thái miến sử dụng mô tơ điện; người vận hành nồi hơi không có chứng chỉ vận hành, hầu hết làm bằng kinh nghiệm; người lao động không sử dụng bảo hộ lao động; tại nơi làm việc không niêm yết nội quy, quy trình làm việc an toàn, không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Ông Hà Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ chia sẻ: Các hộ làm nghề trong xã đều có thời gian lâu năm, chủ yếu làm bằng kinh nghiệm nên việc chuyển biến trong nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATVSLĐ chưa nhiều; mặc dù hàng năm địa phương đã tích cực tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn về công tác ATVSLĐ nhưng số người tham gia còn ít. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền và tăng cường kiểm tra để các cơ sở sản xuất phải nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo đảm ATVSLĐ.

Cách đây gần 4 năm, tháng 10/2016 tại xã Thụy Hải (Thái Thụy) đã xảy ra vụ nổ nồi hơi tại một cơ sở chế biến don xuất khẩu làm chết 4 người và nhiều người bị thương, nguyên nhân là do không bảo đảm các quy định về ATVSLĐ. Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng do không chấp hành đúng các quy định về bảo đảm ATVSLĐ đã xảy ra song nhiều cơ sở sản xuất, người lao động vẫn còn thờ ơ với việc bảo đảm ATVSLĐ. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động và người lao động về bảo đảm ATVSLĐ tại cơ sở sản xuất là rất cần thiết, không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động.

Nguyễn Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày