Thứ 6, 29/03/2024, 16:20[GMT+7]

10 phim hình sự kinh điển mọi thời đại

Thứ 3, 21/07/2020 | 08:35:24
10,156 lượt xem
Không chỉ là thể loại phim luôn hấp dẫn công chúng, nhiều bộ phim hình sự đạt đến tầm mẫu mực của thể loại hoặc trở thành những tác phẩm kinh điển vượt thời gian. Điểm chung của những bộ phim này là kịch bản sáng tạo, đôi khi phá bỏ các khuôn mẫu về thể loại và khả năng chỉ đạo, dàn dựng xuất chúng của đạo diễn.

The Sixth Sense pha trộn giữa ba thể loại: siêu nhiên, kinh dị và giật gân.


The Sixth Sense (1999)

The Sixth Sense (Giác quan thứ 6) là bộ phim thành công đột phá và làm nên tên tuổi của biên kịch, đạo diễn gốc Ấn M. Night Shyamalan tại Hollywood. Phim kết hợp tài tình giữa các yếu tố siêu nhiên, kinh dị và giật gân hồi hộp kể về cậu bé 6 tuổi có khả năng nhìn thấy và trò chuyện với hồn ma do Haley Joel Osment đóng.

Cho rằng cậu bé mắc chứng bệnh tâm lý, mẹ cậu (Toni Collette) đã mời Malcom Crowe (Bruce Willis), một bác sĩ, chuyên gia tâm lý trẻ em đến “chữa bệnh” cho cậu. Nhưng càng tiếp cận với cậu bé, bác sĩ Malcom dần dần khám phá ra nhiều sự thật đáng sợ mà ông không thể lường trước được.

Ngay khi ra mắt, Giác quan thứ 6 đã gây tiếng vang tại phòng vé, thu về tới 673 triệu USD toàn cầu so với mức kinh phí sản xuất chỉ 40 triệu USD. Cái kết gây bất ngờ không đoán được, không khí bí ẩn bao trùm và diễn xuất ám ảnh của ba diễn viên chính là Haley Joel Osment, Bruce Willis và Toni Collette tạo được thiện cảm cho giới phê bình và khán giả.

Năm 2000, Giác quan thứ 6 nhận 6 đề cử Oscar, trong đó có các hạng mục phim, đạo diễn, kịch bản cho M. Night Shyamalan và nam, nữ diễn viên phụ cho Osment và Collette.

The Dark Knight (2008)
Christopher Nolan khởi đầu sự nghiệp bằng bộ phim hình sự dài 69 phút có tên Following (1998), cho thấy nhiều tố chất của đạo diễn tài năng, đặc biệt là kịch bản thông minh, lắt léo và ít nhiều thách đố trí não người xem.

Thế mạnh này tiếp tục được anh khai triển trong hai bộ phim hình sự thuần túy sau đó là Memento (2000) và Insomnia (2002). Kể từ đó, yếu tố hình sự luôn xuất hiện trong các bộ phim tiếp theo của Nolan, dù nó được phối hợp, hòa trộn với nhiều thể loại khác như khoa học giả tưởng hoặc siêu anh hùng…

Bộ phim thành công nhất tính đến nay về mọi mặt của Christopher Nolan là The Dark Knight (Kỵ sĩ bóng đêm), bộ phim siêu anh hùng pha trộn với thể loại hình sự ra mắt năm 2008.

Đây là bộ phim do Nolan đồng viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn, được chuyển thể từ bộ truyện tranh của DC Comics và là tác phẩm thứ hai trong bộ ba phim về nhân vật Người Dơi, tiếp nối Batman Begins (2005) và kết thúc với The Dark Kinght Rises (2012).

Với kịch bản đen tối, lồng ghép nhiều thông điệp thời đại và xây dựng nhân vật phản diện xuất sắc (Joker), The Dark Knight trở thành bộ phim mẫu mực của dòng phim siêu anh hùng – nếu không nói là hay nhất.

Phim pha trộn nhuần nhuyễn với thể loại hình sự, kể về cuộc đối đầu quyết liệt giữa Bruce Way/Batman (Christian Bale), James Gordon (Gary Oldman), công tố viên Harvey Dent (Aaron Eckhart) với tên tội phạm vô chính phủ nguy hiểm tên gọi Joker (Heath Ledger), kẻ đang tạo ra sự hỗn loạn cho thành phố Gotham. Đây cũng là chất liệu cho thể loại phim hình sự mà Nolan khai thác để phát huy chiều sâu và tạo ra sự khác biệt cho một bộ phim siêu anh hùng.

The Dark Knight gây tiếng vang và đạt được những thành tựu nổi bật: doanh thu trên một tỷ USD toàn cầu, giành 8 đề cử Oscar và đạt số điểm 9/10 trên IMDb với hơn 2,2 triệu lượt bình chọn, trở thành bộ phim có số điểm cao thứ 4 trên tổng số 250 phim được khán giả yêu thích nhất.

Nhiều nhà phê bình cũng chọn bộ phim là tác phẩm yêu thích nhất của họ năm 2008 và nằm trong top 10 của thập kỷ.

Bộ phim được đánh giá cao về nhiều mặt, đặc biệt là kịch bản, nhạc nền, các cảnh hành động ngoạn mục, hiệu ứng kỹ xảo và nhất là diễn xuất của dàn sao tên tuổi, trong đó sáng giá nhất là Heath Ledger, ngôi sao đến từ Australia.

Do ám ảnh với nhân vật Joker sau khi bộ phim hoàn thành, Ledger đã lạm dụng thuốc ngủ dẫn đến đột tử, gây ra cú sốc lớn cho khán giả. Tại Oscar 2009, Heath Ledger được trao giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc sau khi anh đã qua đời.

Se7en (1995)Se7en có sự góp mặt của Brad Pitt, Morgan Freeman và Kevin Spacey. Phim pha trộn giữa ba thể loại: neo-noir, kỳ bí và hình sự. 

David Fincher là đạo diễn hàng đầu của dòng phim thriller. Phim của ông nổi bật với cách dàn dựng thông minh, kịch bản lắt léo ảnh hưởng từ dòng phim neo-noir cổ điển và những bản sắc không thể trộn lẫn.

Ví dụ các bộ phim của ông thường sử dụng ánh sáng yếu với tông màu xanh lục hoặc xanh lam để tăng vẻ bí ẩn, nhân vật phản diện là kẻ giết người hàng loạt xuất quỷ nhập thành và thường “chiến thắng” hoặc không nhận hình phạt thích đáng khi bộ phim kết thúc.

Bộ phim xuất sắc làm nên tên tuổi ông với những bản sắc nổi bật nói trên là Se7en, ra năm 1995 và đến nay luôn lọt vào top phim kinh điển thuộc thể loại phim hình sự tội phạm.

Nội dung phim xoay quanh hai viên thám tử, một già William Somerset (Morgan Freeman) và một trẻ, David Mills (Brad Pitt) đang điều tra vụ án giết người hàng loạt mà tên sát thủ thông minh luôn để lại dấu vết trên người nạn nhân để thách thức họ.

Điều đặc biệt, những nạn nhân bị giết đều vi phạm một trong Bảy mối tội đầu mà Kinh thánh mô tả gồm: Tham ăn, Ganh tỵ, Dâm ô, Kiêu căng, Lười biếng, Tham lam và Giận dữ.

Trong khi hành tung của kẻ sát nhân hàng loạt John Doe (Kevin Spacey) càng lúc càng khó lường và khiến tay thám tử trẻ David Mills mất kiểm soát, bất lực và giận dữ, thì nạn nhân tiếp theo lại liên quan mật thiết đến số phận của Mills.

Se7en ra mắt vào mùa thu năm 1995 và lập tức trở thành cái tên ăn khách trên toàn thế giới với doanh thu 327 triệu USD (kinh phí 33 triệu USD), trở thành tác phẩm kinh điển của dòng phim hình sự tội phạm. Kevin Spacey tiếp tục có vai phản diện “lạnh tóc gáy” cùng với vai diễn trong The Usual Suspects ra mắt cùng năm.

No Country for Old Men (2007)

Bộ phim là tác phẩm pha trộn giữa các thể loại: Cao bồi Viễn Tây, neo-noir và giật gân.

Anh em nhà Coen là hai trong số những đạo diễn đương đại được ngưỡng mộ nhất, đặc biệt là chất hài đen đặc trưng mang tính giễu nhại, châm biếm cho dù thể loại phim nổi bật của họ là dòng phim hình sự tội phạm như Blood Simple (1984, phim đầu tay làm nên tên tuổi của họ), Fargo (1996) hay The Big Lebowski (1998)…

Nhưng bộ phim xuất sắc của anh em nhà Coen chắc chắn phải là No Country For Old Men (2007), tác phẩm mang màu sắc Viễn Tây hiện đại kết hợp với phong cách hình sự “neo-noir” đặc trưng.

Llewelyn Moss (Brolin) vốn là cựu chiến binh, sống bình lặng bên vợ và không bao giờ vi phạm pháp luật. Nhưng cuộc đời của anh ta thay đổi mãi mãi khi tình cờ phát hiện chiếc vali chứa 2 triệu USD tiền mặt bị bỏ lại giữa một vụ thanh trừng của các nhóm buôn lậu ma túy mà không ai còn sống sót.

Lòng tham đã khiến Moss giữ vali tiền và lên kế hoạch chạy trốn, nhưng anh ta không ngờ mình lại trở thành con mồi cho cuộc săn lùng tội ác của tên sát thủ máu lạnh Anton Chigurth (Javier Bardem) và cả viên cảnh sát trưởng già nua sắp về vườn Ed Tom Bell (Tommy Lee Jones đóng).

Cách kể chuyện thông minh hấp dẫn, đặc biệt là nhân vật phản diện xuất chúng qua diễn xuất của tài tử gốc Tây Ban Nha Javier Bardem khiến bộ phim nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của giới phê bình và khán giả.

Bộ phim thứ 12 của anh em nhà Coen đã nhận 8 đề cử Oscar và chiến thắng 4 giải cho phim, đạo diễn, kịch bản xuất sắc cho Coen Brothers và Nam diễn viên phụ xuất sắc cho Javier Bardem. Bộ phim đã vượt qua tác phẩm There Will Be Blood của Paul Thomas Anderson tại mùa Oscar năm đó, dù cả hai đều lọt vào top những bộ phim xuất sắc đầu thế kỷ 21.

Taxi Driver (1976)

Cho dù là đạo diễn làm nên tên tuổi nhờ dòng phim gangster, Martin Scorsese khẳng định được phẩm chất bậc thầy của mình qua một bộ phim hình sự tâm lý căng thẳng ảnh hưởng từ dòng “neo-noir” cổ điển là Taxi Driver (1975).

Bộ phim đã chiến thắng giải Cành cọ vàng tại Cannes năm 1976 lúc Scorsese mới 36 tuổi và giành 4 đề cử Oscar, trong đó có Phim xuất sắc, Nam chính xuất sắc dành cho Robert DeNiro và Nữ phụ xuất sắc cho Jodie Foster. Taxi Driver là bộ phim kinh điển và luôn lọt vào danh sách bình chọn những phim xuất sắc của thế kỷ XX.

Bộ phim do Paul Schrader viết kịch bản (ông thường cộng tác với Scorsese giai đoạn đầu và sau này cũng trở thành đạo diễn) kể về Travis Bickle (DeNiro), tài xế lái taxi đêm cô độc do những cơn ám ảnh và mất ngủ sau khi trở về từ chiến tranh Việt Nam.

Từ đó, anh ta dần dần khám phá ra thế giới tăm tối và bẩn thỉu ở New York cho dù luôn được sơn phủ bởi lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài. Khi chứng kiến cô gái điếm vị thành niên (Jodie Foster) gặp nguy hiểm khi rơi vào tay nhóm tội phạm, Travis đã “thay trời hành đạo”, dẫn đến cái kết đầy bạo lực ở cuối phim.

Đoạn mở đầu phim đầy quyến rũ, những biểu tượng tôn giáo, bạo lực và cách sử dụng màu sắc, nhạc nền của Martin Scorsese... cùng diễn xuất ám ảnh của Robert DeNiro là những yếu tố khiến bộ phim được liệt vào hàng kinh điển.

Chinatown (1974)



Bộ phim có sự góp mặt của nam diễn viên Jack Nicholson pha trộn giữa các thể loại neo-noir, bí ẩn và giật gân. 

Một bộ phim nữa điển hình cho dòng “neo-noir” với kịch bản lắt léo, nhiều ẩn dụ cùng diễn xuất tuyệt hảo của Jack Nicholson và Faye Dunaway là Chinatown (Phố Tàu) của đạo diễn Roman Polanski, ra mắt vào năm 1974 và giành tới 11 đề cử Oscar bao gồm những hạng mục quan trọng nhất.

Bộ phim xoay quanh quá trình điều tra của viên thám tử tư J.J. Gittes (Jack Nicholson) về những bí ẩn của gia đình Hollis I. Mulwray (Zwerling), kỹ sư trưởng Sở Nước và Năng lượng Los Angeles.

Khởi điểm là điều tra một vụ ngoại tình, nhưng dần dần, Gittes khám phá ra những bí ẩn liên quan đến tham nhũng và giết người, cũng như số phận kỳ lạ của người phụ nữ Evelyn Mulwray (Faye Dunaway)…

Bộ phim đạt số điểm do giới phê bình chấm gần tuyệt đối 99% và 93% điểm người dùng chấm trên Rotten Tomatoes. Nhiều nhà phê bình, trong đó có Roger Ebert gọi phim là “kiệt tác”, trong khi một số nhà phê bình khác cho rằng bộ phim vẫn thua những tác phẩm kinh điển như The Malta Falcon hay The Big Sleep.

Nhưng hầu hết đều phải tán thưởng màn diễn xuất của Jack Nicholson và ghi nhận ông đã có vai diễn đóng góp lớn vào thể loại neo-noir thriller.

North by Northwest (1959)



Bộ phim của đạo diễn Alfred Hitchcock thuộc thể loại bí ẩn, giật gân. 

Nhắc đến dòng phim suspense thriller không thể không nhắc đến bậc thầy của thể loại này là Alfred Hitchcock, người để lại vô số tác phẩm kinh điển và ảnh hưởng đến hầu hết đạo diễn sau này, đặc biệt là cách sử dụng plot twist thông minh, giật gân với cái kết thay đổi toàn bộ nội dung trước đó. Ông được gọi là "ông vua của dòng phim hồi hộp" với những bản sắc gắn liền với tên tuổi ông mà khó ai có thể bắt chước.

North by Northwest (Bắc Tây Bắc) là một trong những bộ phim kinh điển có sức sống lâu bền nhất của Hitchcock. Kết hợp giữa chất hài giễu và hình sự, bộ phim mở đầu với sự nhầm lẫn khi Roger Thornhill (Cary Grant đóng), một doanh nhân thành công trong ngành quảng cáo, vì sự rất tình cờ mà bị nhầm lẫn là George Kaplan - nhân viên CIA đang bị băng cướp theo đuổi và truy sát.

Dù tìm mọi cách để chứng minh bọn cướp bắt nhầm người, Thornhill vẫn bị cuốn vào những bí ẩn không thể thoát ra được và chỉ có cách chạy trốn sau khi bị tình nghi giết chết một nhân viên Liên Hợp Quốc.

Một trong những cảnh phim nổi tiếng nhất của North by Northwest là cảnh Thornhill chạy trốn ở vùng nông thôn rộng lớn với cánh đồng ngô bát ngát và bị chiếc trực thăng truy đuổi quyết liệt.

Ở thời điểm hiện tại, kỹ xảo hoàn toàn có thể dễ dàng xử lý phân đoạn căng thẳng này, nhưng ở năm 1959, đây là thách đố lớn đối với Hitchcock.

Tất nhiên, không gì có thể làm khó được ông vua của dòng phim kinh dị hay hình sự. Hitchcock đã dàn dựng phân đoạn dài gần chục phút bằng cách ghép cảnh quay từ 133 cú máy với sự hợp tác của nhà dựng phim George Tomasini.

Rear Window (1954)

Tác phẩm của Alfed Hitchcock tiếp tục là một bộ phim thuộc thể loại bí ẩn, giật gân. 

Một bộ phim hình sự bí ẩn điển hình khác của Hitchcock là Rear Window (Vụ án mạng ở nhà bên), đặc biệt với phong cách quay phim và dựng phim sáng tạo và là nguồn cảm hứng cho vô số đạo diễn sau này khi đi theo dòng phim thriller.

Sau khi gặp tai nạn gãy chân và phải bó bột, anh chàng nhiếp ảnh gia báo chí năng nổ L.B. 'Jeff' Jefferies (James Stewart) buộc phải nằm một chỗ trong căn hộ ở khu chung cư Greenwich Village (New York). Từ đây, với thói quen nghề nghiệp của mình, Jeff tìm cách giết thời gian bằng cách sử dụng ống nhóm để theo dõi cuộc sống của hàng xóm qua chiếc cửa sổ ở phía sau của căn hộ.

Và một lần, anh ta phát hiện ra nhiều tình tiết có vẻ như liên quan đến vụ án mạng ở căn hộ đối diện. Với sự hỗ trợ của bạn gái tóc vàng xinh đẹp Lisa (Grace Kelly), họ đã cùng nhau “phá án” mà không biết rằng nguy hiểm đang rình rập họ.

Cách sử dụng máy quay phim từ “điểm nhìn” của nhân vật chính, nghệ thuật kể chuyện tăng dần sự hồi hộp đến nghẹt thở và vô số các yếu tố kỹ thuật thông minh khác trong dựng phim đã khiến Rear Window trở thành kinh điển và là mẫu mực của dòng phim hình sự.

Bộ phim nhận 4 đề cử Oscar, trong đó có hạng mục Đạo diễn xuất sắc cho Alfred Hitchcock. Phim được chọn lưu trữ trong Viện Lưu trữ phim quốc gia Mỹ và được Viện phim Mỹ (AFI) xếp thứ 48 trong 100 bộ phim hay nhất của thế kỷ 20.

Rear Window được làm lại vào năm 2007 với tên gọi Disturbia. Bộ phim đã được điều chỉnh phần lớn nội dung để hợp với bối cảnh hiện đại. Vai chính của phim do Shia LaBeouf thủ vai và được đánh giá khá thành công.

The Silence of the Lambs (1991)

Bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Thomas Harris thuộc thể loại kinh dị, giật gân.

Sự kết hợp giữa hai thể loại phim kinh dị và giật gân đã làm nên một tuyệt tác có tên The Silence of the Lambs (Sự im lặng của bầy cừu). Bộ phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Thomas Harris, ra mắt năm 1991 do đạo diễn Jonathan Demme dàn dựng với diễn xuất chính của hai ngôi sao điện ảnh tài năng Jodie Foster, Anthony Hopkins.

Trong khi đang nỗ lực phá án và truy bắt kẻ giết người hàng loạt có tên là Buffalo Bill và tìm cách giải cứu một nạn nhân bị hắn bắt, bộ phim thực chất lại kể về cuộc đối đầu căng thẳng giữa Clarice Starling (Jodie Foster), nữ học viên thông minh cố gắng che giấu thân phận của trường huấn luyện đặc vụ FBI với tên bác sĩ biến thái ăn thịt người Hannibal Lecter (Anthony Hopkins).

Cuộc đối đầu không khoan nhượng này thực chất có cả sự ngưỡng mộ mà cả hai giành cho nhau. Điều này làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm.

The Silence of the Lambs là bộ phim hiếm hoi đoạt 5 giải Oscar quan trọng nhất (thường được gọi là “Big Five”) là phim, đạo diễn, kịch bản, nam & nữ diễn viên chính xuất sắc. Trên thực tế, đây mới chỉ là bộ phim thứ 3 trong lịch sử 92 năm của giải Oscar chiến thắng “Big Five” sau sau It Happened One Night (1934) và One Flew Over the Cuckoo's Nest (1975).

Bộ phim cũng thành công vang dội tại phòng vé với doanh thu toàn cầu 272,7 triệu USD so với mức kinh phí ban đầu chỉ 19 triệu USD.

Vertigo (1958)Bộ phim là tác phẩm giật gân pha trộn yếu tố tâm lý.

Cuối cùng, bộ phim kinh điển của dòng hình sự tâm lý căng thẳng và đạt đến tầm mẫu mực nhất của thể loại này là Vertigo (Độ cao chóng mặt) – lại là bộ phim của ông vua Alfred Hitchcock.

John "Scottie" Ferguson (do James Stewart, diễn viên quen thuộc của Hitchcock thủ vai), một thám tử điều tra luôn dằn vặt bản thân sau khi gián tiếp gây ra cái chết cho đồng nghiệp do mắc hội chứng sợ độ cao.

Sau khi thôi việc, John lại được một người bạn cũ thuê để theo dõi vợ mình - Madeleine (Kim Novak), người phụ nữ có hành tung bí ẩn và luôn bị ám ảnh bởi “hồn ma” trong quá khứ.

Trong một lần cứu Madeleine khi cô rơi xuống cầu cảng ở San Francisco, giữa họ nảy sinh mối quan hệ lãng mạn, nhưng cơn ám ảnh vẫn khiến Madeleine leo lên tháp chuông để tự tử như người phụ nữ trong quá khứ.

Tuy nhiên, đó thực ra chỉ là “cái kết giả”. Cú plot twist ở cuối phim mới làm nên sức hấp dẫn khôn cưỡng của bộ phim và chứng minh cho tài nghệ thao túng khán giả của Alfred Hitchcock.

Vertigo có đầy đủ các “trademarks” của Hitchcock, đặc biệt là hình mẫu “nạn nhân tóc vàng” qua diễn xuất của ngôi sao xinh đẹp Kim Novak. Không được giới hàn lâm đánh giá cao khi mới ra mắt, nhưng qua thời gian, bộ phim này càng chứng tỏ sự kinh điển của nó.

Trong cuộc bình chọn vào năm 2012 với sự tham gia của những nhà làm phim nổi tiếng nhất khắp thế giới do Viện phim Anh tổ chức, Vertigo của Alfred Hitchcock đã được xếp vị trí đầu tiên trong những bộ phim xuất sắc mọi thời đại, vượt qua Citizen Kane của Orson Welles đã nắm giữ vị trí số một trong suốt 5 thập kỷ liên tục.

Theo zing.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày