Thứ 7, 27/04/2024, 11:14[GMT+7]

“Sao Tháng Tám”: Bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam

Thứ 4, 19/08/2020 | 10:37:53
13,340 lượt xem
Cách mạng tháng Tám năm 1945, một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc là đề tài thu hút nhiều nhà làm phim. Đã có biết bao nhiêu thước phim tài liệu, phim điện ảnh, kịch cho chúng ta những hình dung về nạn đói năm ấy. Trong đó “Sao Tháng Tám”- bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt, đã giúp khán giả hiểu sâu sắc nhất về những nỗi “bĩ cực” của dân tộc ta lúc bấy giờ.

“Sao Tháng Tám” (Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977) được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại. Bộ phim của cố đạo diễn, NSND Trần Ðắc cũng là một trong những tác phẩm về chiến tranh có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, có lẽ chưa có bộ phim nào phản ánh thành công những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng năm ấy như “Sao Tháng Tám”. Bộ phim giúp khán giả hiểu được cuộc sống lầm than của dân ta mà không trang viết nào tái hiện chân thực bằng. Bộ phim được quay ở thời điểm nước ta mới thống nhất vào năm 1975-1976 nên bối cảnh phim rất chân thực.

Ở đó có những con người gầy còm, những mái nhà tranh liêu xiêu, cây đa, hồ nước hoang sơ, vắng bóng người, những con đường đất đầy lá cây, mái chợ quê liêu xiêu lợp bằng những bó rạ khô, những chiếc nón mê rách tươm chẳng còn nổi vành nón, những khu phố Pháp cũ còn nguyên dáng vẻ phồn hoa, sang trọng hay nhà máy điện chạy than với những chiếc xe goòng chở than đẩy bằng tay... Người đói vật vờ như những cái bóng khắp các hang cùng, ngõ hẻm, với tiếng khóc, tiếng rên, tiếng kêu ai oán.

Lấy chất liệu từ hiện thực, đoàn làm phim đã tỏ ra cực kỳ trau chuốt, tỉ mỉ từng tạo hình, trang phục, bối cảnh. Từ những dáng người “da bọc xương” lay lắt trong cơn đói, khung cảnh một buổi chợ quê ảm đạm đến những bộ áo dài sang trọng và ngôi nhà xa hoa của các “bà lớn”, “ông lớn”...

Mỗi khuôn hình là những hình ảnh chân thực nhất và hơn cả là mang hơi thở thời đại nhất, bao quát nhất về thời điểm lịch sử đương thời, khiến bao trái tim phải thổn thức, trở thành một phần ký ức không bao giờ phai trong lòng mỗi người. Nhà quay phim đã tinh tế tạo nên những khuôn hình giàu sức gợi, khơi lên cảm xúc mãnh liệt cho người xem.

Cảnh chị Nhu gặp hai bà cháu đói khổ, vốc gạo rơi dưới gốc đa khô khốc, gió thổi ào ào, máy quay lia từ trên cao xuống, lá rơi lả tả, nên thơ đấy, mà cũng nghẹn ngào, xót xa. Pha dừng máy trước cảnh một bên là hình nhân giấy đốt cho người chết và một bên là một bà lão còn sống nhưng có khác nào bộ xương dưới âm phủ, thật lâu, đủ lâu để ám ảnh tâm trí người xem, nhen nhóm lên cả lòng thương cảm và căm phẫn.

Cảnh Kiên bị thương, ngẩng mặt nhìn chị gái, máy quay bắt cận cảnh ánh mắt anh vừa đau đớn vừa căm phẫn đối diện với ánh mắt kinh hoàng của người chị ruột, kẻ đã gián tiếp khiến quân Nhật nổ súng vào anh. Ðó là những thước phim đầy nghệ thuật, không chỉ đẹp mà còn có sức biểu đạt hơn vạn lời nói. Phim có những lời thoại giản đơn mà rung động tâm can.

Hẳn ai đã từng xem qua bộ phim này không thể quên được cảnh quay ông cụ già thều thào khi bị mang đi “Tôi chưa chết, đừng chôn tôi” và tiếng đáp trả của hai thanh niên “Đằng nào cụ chả chết, cụ đi sớm cho mát mẻ” hay cảnh cháu bé khóc thảm thiết “Các bác ơi! Cứu bà cháu với” đầy bi thương… Những công nhân lao động sống cảnh cơ cực trong các hầm lò, nhà máy với đồng lương rẻ mạt, ngày ngày bị đánh đập.

Giữa cảnh lầm than ấy, cuộc đối đầu giữa một dân tộc với những kẻ xâm lược đang chực chờ bùng nổ. “Sao Tháng Tám” là cuộc đấu tranh từng giờ, từng phút của những chiến sĩ trong phạm vi nhỏ ở nội và ngoại thành Hà Nội từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1945 – thời kì căng thẳng nhất của cuộc kháng chiến.

Mỗi nhân vật là biểu trưng cho một tầng lớp tham gia kháng chiến từ lôi kéo vận động quần chúng rải truyền đơn, huy động công nhân đình công ở các nhà máy, xí nghiệp đến trực tiếp liên lạc, chống lại việt gian. Từ người phụ nữ bụng mang dạ chửa như chị Nhu (NSƯT Thanh Tú) một cán bộ Việt Minh cốt cán, những thanh niên trí thức như Kiên (NS Dũng Nhi), người phụ nữ nông dân như cô Mến (NSƯT Thanh Hiền), đến những cụ già đói rách, cùng cực, những đứa trẻ ngây thơ… đều tham gia cách mạng. Họ kiên cường chống chọi với những tên chỉ điểm như Kiều Trinh (Cố NS Đức Hoàn), gã mật thám cáo già như Công…

Với diễn xuất tài tình của dàn diễn viên trẻ, bộ phim đã khắc họa lại thời khắc căng thẳng trong cuộc đấu trí giữa những nhân vật đưa bộ phim đến tầm kinh điển có hơi hướng hành động của điện ảnh Việt Nam.

Trong các tuyến nhân vật, cô Nhu của NSƯT Thanh Tú gây ấn tượng hơn cả. NSƯT Thanh Tú phải biến đổi mình từ hình ảnh thanh lịch của cô nữ sinh Đồng Khánh tới cô công nhân lam lũ, mang bụng bầu đi làm việc trong nhà máy điện Yên Phụ; rồi lại biến mình thành người tu hành quá độ đường đọc kinh siêu thoát cho những người chết đói, tha phương; tới dáng vẻ bình thản của cô gái đi khâu thuê, người đánh giậm dưới ao, người bán bánh cuốn khéo nói hòng che mắt mật thám, tìm cách liên lạc với đồng đội, đồng chí của mình, gây dựng cơ sở cách mạng; cả tới ánh mắt cương nghị, lời nói quyết tâm khi lãnh đạo phong trào ở vùng ven Hà Nội và ở nhà máy điện...

Với vai diễn hóa thân nhiều số phận cuộc đời mà Thanh Tú đã thể hiện rất thành công thì giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc của Liên hoan phim Việt Nam 1977 quả là rất xứng đáng.

NSƯT Thanh Tú từng chia sẻ: “Tôi đến với vai diễn Nhu trong Sao Tháng Tám rất tình cờ. Năm 1976, khi đạo diễn Trần Đắc thấy đạo diễn Phạm Văn Khoa đang thử vai cho tôi để vào phim “Chị Dậu”, ông đã “nhặt” tôi vào luôn vai Nhu. Lúc đạo diễn Trần Đắc quyết định chọn tôi, giám đốc hãng phim không đồng ý. Ông cho rằng tôi không phù hợp với vai nữ chiến sĩ chịu khổ chịu sở để hy sinh cho cách mạng nhưng đạo diễn Trần Đắc vẫn không thay đổi ý định.

Bằng sự động viên, chỉ bảo tận tình của ông, tôi đã làm cho mọi người phải quên đi những vai diễn “tiểu thư phố cổ” trước đó của mình”. Thời gian quay phim cũng đã để lại cho NSƯT Thanh Tú biết bao kỷ niệm. Bà từng kể: Lúc quay ở Nhà máy điện Yên Phụ, giờ nghỉ trưa, chúng tôi đi ăn ở chợ Châu Long bên cạnh. Tôi tình cờ gặp một anh đi lấy xỉ than. Anh hỏi tôi làm gì, tôi bảo đi nhặt than.

Anh chẳng nghi ngờ vì lúc đó tôi mặc nguyên trang phục công nhân của chị Thu. Anh cười, nói tôi ăn trắng mặc trơn sẽ ăn đứt các diễn viên điện ảnh. Anh bảo về ở với anh cho đỡ phải đi nhặt than và rủ tôi đi chơi suốt cả buổi trưa. Hôm sau có cảnh quay, tôi thấy anh vẫn đợi ở chỗ hôm trước. Có lẽ lúc xem phim, anh ấy mới biết tôi là diễn viên. Lúc đó, tôi đã có con trai 7 tuổi.

Có thể nói “Sao Tháng Tám” là bộ phim gây sức ảnh hưởng của thời đại, làm mãn nhãn người xem. Không hổ danh là phim về đề tài cách mạng, bộ phim đã phần nào khơi lại một thời của dân tộc những mảng màu đối lập của xã hội đương thời, đói nghèo, cái chết lầm than và sự xa hoa của những “ông lớn”, “bà huyện”, sự căm phẫn, tức tối trước một xã hội đầy bất công của nước ta trong thời điểm đó.

Bộ phim đã thành công trong việc tạo ra những chi tiết, bối cảnh xã hội, sự mâu thuẫn trong những tình huống đẩy lên cao trào kháng chiến, sự đồng lòng đồng sức trong đồng bào, khẳng định một dân tộc độc lập, tự chủ.

“Sao Tháng Tám” đủ sức gợi và làm nên một chương lịch sử phim ảnh của thời đại, vang vọng mãi trong nền điện ảnh Việt Nam, một bước phát triển mạnh mẽ trong làng điện ảnh của nhà làm phim cùng những diễn viên trong bộ phim của ngày ấy, để đến nay trước sự phát triển vượt bậc của môn nghệ thuật thứ bảy khi nói đến đề tài cách mạng, “Sao Tháng Tám” vẫn là bộ phim không thể nào thay thế được.

Theo laodongthudo.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày