Thứ 2, 23/12/2024, 02:37[GMT+7]

Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Thứ 4, 01/06/2022 | 16:51:03
1,381 lượt xem
Từ số báo ngày 1/6, Báo Nhân Dân mở chuyên mục “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”.

Ảnh: Trần Hải

Để góp phần triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ Nghị quyết Đại hội XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, từ số báo hôm nay, Báo Nhân Dân mở chuyên mục “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”. Chuyên mục giới thiệu, phân tích sâu thêm những điểm mới, những nội dung cơ bản, cốt lõi về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phản ánh việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ này của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Đạo đức là nguồn gốc sức mạnh, là bản chất cách mạng của Đảng

Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của con người và xã hội loài người. Là ý thức xã hội, đạo đức phản ánh tồn tại xã hội, đồng thời cũng tác động làm biến đổi thực trạng xã hội. Vì thế, đạo đức có ý nghĩa như một động lực của sự phát triển. Đạo đức tiến bộ góp phần rất quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Nếu đạo đức xuống cấp, suy đồi sẽ kìm hãm xã hội phát triển, thậm chí kéo lùi sự phát triển, dẫn tới hiểm họa trong đời sống con người. Đạo đức còn là bộ phận quan trọng của kiến trúc thượng tầng xã hội. Cuộc cách mạng làm thay đổi ý thức xã hội và kiến trúc thượng tầng trong đó có đạo đức có ý nghĩa quyết định làm biến đổi xã hội. Đạo đức mới, tiến bộ hình thành góp phần rất quan trọng cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Ý nghĩa cách mạng của đạo đức được khẳng định từ hiện thực lịch sử.

Ở mọi thời đại, đạo đức đều mang bản chất giai cấp, gắn liền với chế độ chính trị do giai cấp đó lãnh đạo. Đạo đức của giai cấp và chế độ phong kiến, đạo đức tư sản trong chế độ tư bản chủ nghĩa và đạo đức cộng sản dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Đạo đức còn mang tính dân tộc và tính lịch sử cụ thể phản ánh sự phát triển của đời sống con người và xã hội. Đạo đức là hệ thống các chuẩn mực trong ứng xử giữa con người với nhau, giữa con người với cộng đồng, xã hội, với công việc, nhiệm vụ, với tổ chức và với chính mình, nhằm tạo dựng cuộc sống tốt đẹp.

Cùng với hệ tư tưởng và hệ thống pháp luật, đạo đức có vai trò rất quan trọng nhằm cải tạo cái cũ, lạc hậu, tiêu cực để xây dựng cái mới, tốt tươi trong xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh. Tháng 10/1920, khi Đảng Cộng sản lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, V.I.Lênin đã đề cập khái niệm đạo đức cộng sản. Người nhấn mạnh, các đồng chí phải tự giác giáo dục mình thành những người cộng sản và Đảng cần phải giáo dục nghiêm túc đạo đức hoàn toàn mới đó. Về vai trò của đạo đức cộng sản, V.I.Lênin nêu rõ: “đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản” (1).

Khi chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam, trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh, cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh. “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” (2). Đảng muốn vững chắc phải có chủ nghĩa làm cốt nghĩa là được trang bị lý luận tiên phong; Đảng phải có con đường đấu tranh cách mạng tức Cương lĩnh, đường lối đúng đắn; Đảng phải bao gồm những chiến sĩ dũng cảm đấu tranh vì lợi ích giai cấp, dân tộc và có tư cách cần thiết của người cách mệnh.

Nguyễn Ái Quốc nêu rõ 23 điểm về tư cách một người cách mệnh mang giá trị đạo đức cách mệnh. Người cách mệnh phải cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, ít lòng tham muốn về vật chất,... Đó là những chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa khoa học và cách mạng. Cùng với nền tảng vững chắc là chủ nghĩa Mác-Lênin, những tư tưởng sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc, đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, những giá trị đạo đức đó đã rèn luyện toàn Đảng, bảo đảm cho Đảng không ngừng lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đi tới thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Đảng tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và hiện thực hóa tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh, đề ra đường lối thích hợp nhằm hoàn thành triệt để sự nghiệp giành độc lập, thống nhất và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đảng cũng đứng trước một thách thức, một nguy cơ là có một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền sa vào chủ nghĩa cá nhân, phạm những lỗi lầm: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo và những tiêu cực khác.

Trong hoàn cảnh đó, tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, trình bày toàn diện, có hệ thống nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh xây dựng đạo đức cách mạng trong Đảng. Đạo đức cách mạng là thuộc về bản chất của người cộng sản và đó là đạo đức mới có ý nghĩa cách mạng sâu sắc tạo nên sức mạnh của Đảng Cộng sản. Người nêu rõ 12 điều về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng trong đó trước hết là: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (3). Đó là lý tưởng, mục tiêu đấu tranh và cũng là chuẩn mực hàng đầu về đạo đức của Đảng, đạo đức vì nước, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn cho Đảng được vững bền Mười hai điều đó chớ quên điều nào” (4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ những tính tốt: NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM. “Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”, “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (5).

Đảng chăm lo giáo dục và mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng là làm cho Đảng mạnh lên đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo cách mạng. Đảng còn phải chống nguy cơ làm suy yếu Đảng đó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi,... Phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân làm cho Đảng tiêu biểu cho đạo đức, văn minh. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (6).

Noi theo tấm gương đạo đức và thực hiện những chỉ dẫn của Người, quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn coi trọng giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao trách nhiệm nêu gương, với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đó cũng là lời khen chân thành của nhân dân. Thực tiễn cách mạng chứng minh, sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Niềm tin, sự ủng hộ và sự gắn bó mật thiết của nhân dân với Đảng bảo đảm cho Đảng vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước, công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cũng xuất hiện một nguy cơ mới, đó là tình trạng tham nhũng và một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng (1/2016) và Đại hội XIII (1/2021) nhấn mạnh nội dung xây dựng Đảng về đạo đức. “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị” (7).

Xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp và bản chất cách mạng, sức chiến đấu của Đảng. Đảng cũng nhận diện rõ hơn bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, những cán bộ, đảng viên “hữu danh vô thực” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra. Làm sao trong Đảng không còn những cán bộ, đảng viên như thế thì Đảng mới trong sạch và thật sự vững mạnh. Tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quyết định. Mỗi người tự nhận thức và xử lý quan hệ giữa trách nhiệm chính trị trước Đảng, đất nước, nhân dân với lợi ích cá nhân chính đáng; quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ; quan hệ giữa vai trò lãnh đạo và ý thức vì dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Danh dự của cán bộ, đảng viên, thanh danh của Đảng là thiêng liêng, cao cả. Đó là những điều cần thiết phải luôn luôn ghi nhớ, góp phần nêu cao và hoàn thiện đạo đức trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, uy tín và sức chiến đấu của Đảng.

(1) V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tập 41, trang 369.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, trang 289.

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 289.

(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 290.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, trang 292.

(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 15, trang 672.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, tập I, trang 183.

Theo nhandan.vn