Thứ 5, 25/04/2024, 08:00[GMT+7]

Nằm đất với... "làng" hương

Thứ 2, 13/07/2020 | 09:58:32
8,465 lượt xem
Làng Lai Triều, xã Thụy Dương (sau sáp nhập đổi thành xã Dương Phúc), huyện Thái Thụy xa xưa là xã Lai Triều gồm 2 thôn Lương Đàm và thôn Quán. Lai Triều nổi tiếng về nghề làm hương, sản phẩm của làng đã đi vào dân ca, ca dao: “Mía Thu Cúc, thóc Hoành Sơn/Lạc khoai Bái Thượng, hương thơm Lai Triều”.

Nhiều hộ gia đình ở làng Lai Triều, xã Thụy Dương (Dương Phúc), huyện Thái Thụy vẫn duy trì nghề làm hương truyền thống.

Từ xưa, lệ làng Lai Triều quy định ngặt nghèo “bí quyết” nghề làm hương “cha truyền, con nối’ tuyệt đối không được truyền cho con gái, không truyền cho người ngoài làng, vì vậy cả huyện Thụy Anh xưa chỉ có duy nhất một làng Lai Triều làm hương.

Theo các bậc cao niên, Lai Triều là một làng nội đồng, nguyên liệu để làm ra hương chỉ có những tăm hương được làm ra từ những cây tre của làng còn hương liệu và tinh bột hòa trộn hương liệu làm hương làng không có, người làm hương Lai Triều phải đi mua ở “miền ngược” như dầu trám, nhựa thông, quế chi, bột mía, hương bài… Theo lời kể của các bậc cao niên làng Lai Triều, việc sản xuất hương đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, từng khâu chuẩn bị nguyên liệu lại đòi hỏi có kỹ thuật pha chế, không làm ẩu, không pha những tạp chất “bẩn” vì theo truyền thống của người Việt, thắp hương là thể hiện lòng thành kính của con người với các thần linh, con cháu với tổ tiên. Hương Lai Triều thơm ngào ngạt là bởi có dùng bột nghiền cây mía, từ cây mía sản xuất ra cốt mía phải trải qua bao công đoạn: mía được làm sạch vỏ, chặt vát thành khúc đem phơi khô, nghiền thành bột. Bột mía lại được sấy khô, “sao” vàng, tán bột mịn, rây kỹ loại bỏ tạp chất bã... khi ấy bột mía có mùi thơm ngọt... được hòa chung với các nguyên liệu khác để làm ra bột hương. Bột hương là tổng hợp của nhiều loại nguyên liệu nhưng đã được chế biến thành một thứ than dễ bén lửa, cháy chậm là cả một quy trình đòi hỏi người làm hương phải giàu kinh nghiệm.

Các nguồn khảo luận cho biết, làng Lai Triều còn có tên Quan Triều (thế kỷ XVII), Tống Triều (thế kỷ XIX) và Lai Triều (cuối thế kỷ XIX). Có ý kiến cho rằng tên làng gắn với sự tích: Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, thứ ba (năm 1285, 1288) vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã chọn vùng hạ lưu sông Hóa và sông Thái Bình làm căn cứ kháng chiến. Triều đình nhà Trần đã lập cung Trần vương dã ngoại ô Lưu Đồn. Sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, vua quan nhà Trần trước khi rút về Thăng Long đã tập kết tại đây vì vậy làng có tên Quan Triều, sau đổi là Lai Triều. Theo văn bia khắc trên bia đá còn lưu tại miếu làng Lai Triều thì tổ nghề làm hương là Bùi Nhân Toàn tự Phúc Nghĩa. Bia dựng vào tháng 11 năm Giáp Thìn, Cảnh Trị năm thứ 2 (1664), nội dung bia khắc về sự tích 3 vị thành hoàng làng Lai Triều được thờ phụng là Hải Công (Nam Hải Đại vương); Tĩnh Lang (Đông Vụ Thanh Tĩnh Đại vương) và Túy Lang (Túy Toái Thiên Quang Đại vương) thời Hùng Duệ Vương. Sau khi tổ nghề Bùi Nhân Toàn mất tên ông được khắc chung với các vị thành hoàng của làng. Bi ký ca ngợi ông là người công minh, chính trực, hiếu đễ, trung tín, nhân nghĩa, liêm khiết, nhờ ông mà hương ấp được phú, quý. Bi ký ghi rõ địa chỉ: “Thái Bình phủ, Thụy Anh huyện, Quan Triều xã, Lương Đàm thôn...” không ghi rõ ông đã học nghề ở đâu, thời gian bao giờ, chỉ biết rằng cho đến ngày nay, con cháu làng Lai Triều vẫn giữ được nghề làm hương truyền thống mà tổ nghề truyền lại, qua “thư tịch cổ” này, con cháu trong làng biết rõ hơn về lai lịch nghề làm hương Lai Triều đã có cách đây hơn 400 năm và từng đi vào thi ca và dân gian trải gần 5 thế kỷ. Người làm nghề hương Lai Triều không độc quyền một loại hương mà mặt hàng đa dạng nhiều loại hương, chỉ có điều dù là loại hương nào cũng có mùi hương thơm ngọt ngào, ấm áp. Các loại hương phục vụ lễ, tết, hương đám hiếu đều được sản xuất thủ công bằng tay, que hương bằng loại tre ngâm phơi khô dễ cháy, hợp vệ sinh và được nhúng hỗn hợp bột thuốc hương, loại sản xuất dùng bàn lăn tay từng que hương, loại cuốn giấy bằng tay thơm ngát… Bó hương cũng đa dạng, có loại bó trăm, loại bao lẻ, loại hộp hương vòng. Để có những “cây” hương tỏa hương thơm ngát, người làm nghề phải chuẩn bị tăm hương. Tăm hương được làm bằng tre bánh tẻ, ngâm nước dưới ao nhiều tháng, vớt lên phơi nắng cho khô rồi chẻ thành tăm, dài ngắn theo yêu cầu của từng loại hương. Có loại hương dùng cả ngọn hoa lau, hoa mía dài tới mét. Hương vòng có loại 10 - 15 vòng một hộp, loại 20 - 30 vòng. “Thuốc” hương hay còn gọi là hương liệu làm nên cây hương chủ yếu là dầu trám, dầu trẩu, bột hương bài, bột mía, bột quế, bột hồi. Hàng cao cấp có thêm bột trầm, xạ hương… Hương sản xuất phục vụ đám hiếu thường dễ làm, người làm hương dùng phương pháp nhúng que tăm, hương liệu chủ yếu là nhựa trám trộn với một phần bột hương bài hòa loãng, cho tăm hương nhúng vào nguyên liệu đã được pha chế rồi đem ra phơi, hương được sản xuất thường bó bán theo trăm. Loại hương này mùi thơm hắc nhưng lại đáp ứng yêu cầu xua mùi âm khí, có sức lan tỏa mạnh trên diện rộng, giá thành lại rẻ nên nhiều người chọn mua. Do pha chế nhiều nhựa trám nên hương có màu đen (dân gian gọi là hương đen). Các cụ già làng nghề hương Lai Triều cho biết thêm: Xưa, người làm nghề hương sản xuất khá nhiều hương phục vụ nhu cầu lễ hội. Loại tăm hương nhỏ thường dùng trong năm, loại tăm hương to thường dùng vào dịp hội, lễ, tết. Hương lễ pha ít nhựa trám, phải có dầu trẩu, bột quế chi, hương liệu chủ yếu là bột tán cây hương bài hoàn toàn thảo dược, ngoài ra có pha thêm bột mía cho hương đượm tàn và có mùi ngọt ngào tạo mùi hương thơm mát. Kỹ thuật sản xuất hương se tay, người sản xuất hương nhúng tăm vào dầu hồi, lăn trên bột hương liệu như hương lễ, hàng cao cấp có thể cho thêm bột trầm, xạ hương. Hương cuộn thì cắt giấy thành băng dài, trải trên bàn se, rắc hương liệu lên mặt băng giấy, đặt tăm hương chéo trên đầu mút giấy, gập đầu giấy để giấu mép rồi lăn tẩm sao cho khi hết giấy và hương liệu thì vẫn còn phần chân hương. Làm hương vòng là khó nhất, khi chẻ tăm phải tròn và mảnh, tăm hương phải qua công đoạn nhúng ướt cho mềm rồi cuộn theo hình vòng tròn, vòng ngoài đè vòng trong theo hình cuộn chỉ. Dùng nhiệt để ép “chết” vòng đến khi bỏ ra vòng vẫn giữ như khi ép mới được, rồi nhúng vào bột như hương lễ. Một cây hương se loại to có thể thắp suốt ngày nhưng một vòng hương có thể thắp cả ngày lẫn đêm thậm chí có loại đốt cả ba ngày tết.

Nghề làm hương cũng vất vả chẳng kém cày cấy và cũng đầy những bước thăng trầm. Có thời, người quanh vùng cho rằng “thắp hương” là mê tín dị đoan, là tiếp tay cho hủ tục… quan niệm không mang tính xây dựng, bảo vệ nghề truyền thống ấy đã không ít lần khiến nghề làm hương truyền thống Lai Triều đứng trước nguy cơ mất nghề. May mắn thay, một số hộ gia đình làm nghề hương gia truyền nhiều đời, xót xa với nghề nên vẫn âm thầm “xui” các con, các cháu “lén lút” làm hương cốt để giữ nghề và có nén hương thơm dùng trong dịp lễ, tết của gia đình và làm quà biếu cho bạn bè. Đến gần làng hương Lai Triều du khách có thể cảm nhận được mùi hương thơm ngan ngát tỏa ra từ làng quê nghèo xưa kia giờ đang chuyển mình trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Cách Lai Triều khoảng vài “cây số” là biển, là làng diêm nghiệp Tam Đồng (Thụy Hải) và làng ngư nghiệp Diêm Điền quanh năm “vương vấn” mùi cá mắm. Chả vậy mà dân gian vùng quê này có câu ca: “Thà nằm đất với chị bán hương, còn hơn nằm giường với cô bán mắm” là vì vậy. Ngày 9 tháng Giêng năm Ất Dậu (2005) dân làng Lai Triều vui mừng và long trọng tổ chức lễ hội đón bằng công nhận làng nghề truyền thống do UBND tỉnh cấp, đồng thời làm lễ tưởng niệm tổ nghề Bùi Nhân Toàn.

Bà Đoàn Thị Mơ, cựu giáo chức, thôn Hoành Quan Triều, xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy

Tôi vốn là người làng Lai Triều, lớn lên đi thoát ly học ngành sư phạm rồi trở về quê hương. Tôi lấy chồng người làng bên, theo tục truyền của dòng họ, nghề làm hương gia truyền không truyền nghề cho con gái nên dù sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề làm hương nhưng tôi không được biết bí truyền pha chế hương liệu làm hương.

Bà Tống Thị Mây, thôn Lai Triều, xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy

Tôi là dâu con làng Lai Triều nên được các cụ trong dòng tộc truyền cho nghề làm hương. Gia đình tôi hiện vẫn cấy ruộng để bảo đảm lương thực. Ngoài công việc đồng ruộng, tôi vẫn duy trì nghề làm hương truyền thống, giữ chất lượng và mẫu mã hương Lai Triều gia truyền.

Bà Bùi Thị Tư, thôn Lai Triều, xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy

Năm nay do đại dịch Covid-19 khiến cho các lễ hội xuân đóng cửa, cách ly xã hội có ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất và phân phối sản phẩm hương Lai Triều. Mặc dù hương Lai Triều có tiếng bao đời, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó nhưng cũng không tránh khỏi bước lao đao.
  • Từ khóa