Thứ 6, 26/04/2024, 01:53[GMT+7]

Về làng ăn cơm trắng

Thứ 2, 03/08/2020 | 10:53:14
4,525 lượt xem
Dân gian lưu truyền câu ca: “Muốn ăn cơm trắng, cá trôi/Thì về An Lộng đúc nồi với anh”.

Làng nghề đúc đồng An Lộng, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) vẫn đỏ lửa.

Làng An Lộng, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ nằm cận kề sông Luộc, phía bên kia là tỉnh lỵ Hưng Yên xưa có thương cảng phố Hiến, cửa ngõ thương mại của kinh thành Thăng Long và cũng là nơi giao lưu hàng hóa của An Lộng. An Lộng nổi tiếng nhiều đời với nghề đúc đồng, sản phẩm đồng đúc của làng chủ yếu là chuông, khánh, thanh la, nạo bạt phục vụ đời sống tâm linh, lễ hội. Ngoài ra, các sản phẩm đúc truyền thống phục vụ đời sống dân sinh như mâm đồng, nồi đồng điếu, xoong, chảo gang và nhiều đồ dùng bằng nhôm khác...

Song tồn với các nghề mưu sinh khác, theo các bậc cao niên của làng kể lại, nghề đúc đồng An Lộng có nguồn gốc từ Thiệu Dương (Thanh Hóa), những nghệ nhân đầu tiên mang nghề đúc đồng đến An Lộng sinh cơ, lập nghiệp thuở ban đầu chủ yếu đúc xoong nồi (như câu nói dân gian nồi đồng nấu cơm, nấu rượu, nồi đất nấu ốc, nấu ếch...), cao hơn là đúc các loại chuông, khánh, tượng, lư hương. Sau này, thợ lành nghề của An Lộng còn đúc được cả “chân vịt” tàu thủy trọng tải cả ngàn tấn đòi hỏi độ chính xác và độ chịu lực cao. Không dừng lại ở sản phẩm đúc đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nghệ nhân đúc đồng An Lộng còn chuyển sang đúc nhôm (nồi, xoong, chậu, các loại dụng cụ phục vụ bếp ăn như thìa, muôi, mâm và cả chiếc “ninh” một loại dụng cụ nấu ăn của dân tộc Thái...). Những mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như vỏ máy bơm nước, lưỡi cày gang 51...

Theo các tài liệu khảo cứu, từ thuở “hồng hoang” trên mảnh đất Đa hương cương thuộc quận Giao Chỉ con người của nền văn minh sông Hồng đã tràn xuống chiếm lĩnh đồng bằng phì nhiêu cùng với nghề trồng lúa nước “chủ nhân” của nền văn minh ấy đã đem theo rất nhiều “nghề” truyền thống nhằm duy trì cuộc sống, bảo đảm “cái ăn” đi đôi với “cái mặc” và sinh hoạt đời thường. Cơ chế thị trường làm “xoay” chiều sản phẩm làng nghề, gần đây các nghệ nhân đúc đồng làng An Lộng phải chuyển đổi sản xuất sang hướng sản phẩm hàng hóa như đúc xoong nhôm, quả pit-ton các loại máy công cụ, nông cụ... nhưng vẫn “giữ lửa” nghề đúc đồng truyền thống. Nhìn những người thợ đúc đồng dưới nắng hè gay gắt bên những lò lửa cháy rực và những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt cương nghị ta có thể thấy những giá trị trí tuệ, tài năng ẩn sâu trong từng sản phẩm đúc đồng, cảm nhận tinh hoa từ những đôi bàn tay người thợ đúc đồng gửi gắm cả tình cảm trong sản phẩm đúc. Theo các nghệ nhân cao niên, để đúc ra một sản phẩm cũng giống như những nghề truyền thống khác, nghề đúc đồng phải trải qua nhiều khâu kỹ thuật, trong đó có rất nhiều khâu kỹ thuật thao tác trong điều kiện nặng nhọc, khó khăn vì lửa cháy, khói bụi và nguyên liệu là đồng, gang có trọng lượng riêng rất nặng nhưng đòi hỏi người thợ đúc phải tỉ mỉ trong từng động tác và thao tác phải có kỹ thuật, khoa học. 

Cựu chiến binh, nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Lục, thôn 3, An Lộng cho biết: Trừ nguyên liệu làm khuôn đúc (bằng đất chịu lửa) còn lại đều có thể tận dụng phế liệu như đồng, nhôm, gang... Đối với kỹ thuật đúc chuông, để chuông có âm thanh vang, trầm bổng, nghệ nhân đúc chuông phải có kinh nghiệm pha vàng với tỷ lệ nhất định mới thành công. Kỹ thuật này đòi hỏi người thợ lành nghề dày dạn kinh nghiệm đúc, đúc rất nhiều chuông mới có kinh nghiệm. Riêng về kỹ thuật tạo khuôn, nghệ nhân làng đúc đồng An Lộng có những kinh nghiệm quý giá tích lũy từ nhiều đời, đó là kinh nghiệm tạo khuôn đúc không hao tốn nguyên liệu so với nhiều làng nghề đúc đồng khác trên cả nước, nguyên liệu lại tự làm được như khai thác đất sét tại địa phương, than trấu nghiền nhỏ... vẫn bảo đảm chất lượng khuôn đúc, sản phẩm đúc ra không hao tốn nguyên liệu và không cong, vênh... Kết quả điền dã tại làng nghề đúc đồng An Lộng cho thấy, các nguyên liệu đúc ở đây được xử lý, pha chế theo kinh nghiệm gia truyền, so với việc chế tạo khuôn đúc hiện đại có phần “phức tạp” hơn, chi tiết tỉ mỉ hơn. Quá trình tạo khuôn đúc theo kỹ thuật “kinh nghiệm” đúc rút từ nhiều đời của nghệ nhân đúc đồng An Lộng có thể gợi ý cho các nhà nghiên cứu khám phá những bí mật của các khuôn đúc thời Hùng Vương. Những gì quan sát được bằng mắt thường mới chỉ phần nào hé lộ bí truyền nghề đúc đồng An Lộng qua sự tạo tác khuôn đúc, còn những bí quyết của nghề đúc đồng vẫn ẩn chứa trong từng cung đoạn kỹ thuật khác, bảo đảm sản phẩm “ra đời” có chất lượng cao, bền, đẹp mà những người “ngoài làng” thợ không thể biết được. Bình thường chúng ta ngắm nhìn những “quả” chuông, “cái” lệnh và những bức tượng đồng nói chung, tượng Phật nói riêng “người đời” không dễ nhận ra những chi tiết hoa văn chìm, nổi khác nhau đòi hỏi kỹ thuật tạo khuôn đúc khác nhau và nói nôm na là rất khó đúc, vậy mà qua bàn tay người thợ đúc đồng An Lộng, sản phẩm đúc vẫn thành công, không hao tốn nguyên liệu, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật... Có những quả chuông, người đặt hàng yêu cầu phải có hoa văn, họa tiết sinh động, mềm mại trên quai chuông như những con rồng uốn lượn, sư tử vờn cầu hoặc “tứ linh”, “tứ quý”... phần nào nói lên trình độ kỹ thuật của nghệ nhân làng nghề đúc đồng An Lộng rất tinh tế. 

Theo dòng thời gian, kể từ khi “thủy tổ” của làng nghề đúc đồng An Lộng từ Thiệu Dương, Thanh Hóa đến làng quê bên sông Luộc gây dựng làng nghề đến nay, sản phẩm của nghề đúc đồng An Lộng được “lưu hành” khắp nơi trên đất nước ta, vượt qua cả địa giới hành chính sang tận “trời Tây”, ngược dòng sông Luộc, sông Hồng, sông Lô... lên với đồng bào vùng cao, len lỏi đến tận các bản làng người Mông, người Dao trên cao nguyên đá... đến nơi đèo heo hút gió biên ải xa xôi.

Cựu chiến binh, nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Lục dẫn tôi đi thăm lại các dấu tích làng nghề đúc đồng một thời “hoàng kim” của thế kỷ XX, vẫn còn gặp được những “chàng ngự lâm” đúc đồng An Lộng với cơ thể cường tráng dù mùa đông hay mùa hạ nắng lửa áo vẫn “đẫm mồ hôi”, gương mặt sạm đen vì khói bụi làng nghề, họ phải “đối diện” trực tiếp mặt với lửa, lễ mễ khênh khuôn đúc, rót đồng nung chảy nghìn độ thành nước vào khuôn đúc. 

Chứng kiến cảnh lao động “chân tay” nhưng lại hàm chứa kỹ thuật “khó nhằn” ta mới thấu hiểu hết nỗi vất vả, nặng nhọc của nghề đúc đồng. Rất may, dù cơ chế thị trường tác động khiến “lửa đỏ” làng nghề nhiều phen “bạt phong” nhưng vẫn không làm nguôi ngoai tâm tưởng của lớp thợ trẻ làng nghề đúc đồng An Lộng với nghề truyền thống cha ông gửi lại. Kho tàng tri thức dân gian hòa trộn với kinh nghiệm đúc rút bao đời làm nghề đúc đồng của các nghệ nhân làng An Lộng truyền từ lớp nghệ nhân đi trước truyền lại cho thế hệ tiếp nối ở làng nghề đúc đồng truyền thống An Lộng vẫn như mạch nguồn sông Hồng, sông Luộc chảy mãi không ngừng...

Ông Nguyễn Văn Lục, thôn An Lộng 3, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ

Từ năm 2000 trở lại đây, làng nghề đúc đồng An Lộng chúng tôi lại sôi động trở lại sau nhiều năm vắng bóng bởi trước đó thị trường tiêu dùng hướng sang dùng đồ nhựa. Hiện nay, đồ thờ cúng gia đình bằng đồng; chuông, tượng ở các đền, chùa, miếu, phủ... đang được ưa chuộng và đặt hàng nên làng nghề chuyển sang đúc đồng mỹ nghệ. Bình quân mỗi năm làng nghề thu về khoảng vài trăm triệu đồng lợi nhuận, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.

Ông Nguyễn Văn Tâm, thôn An Lộng 3, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ

Thân phụ tôi là Nguyễn Văn Quạng thuộc lớp tiền bối về nghề đúc đồng của làng An Lộng đã truyền nghề cho tôi và hy vọng tôi cùng con cháu giữ nghề truyền thống,.Hiện gia đình tôi còn giữ chiếc bễ thổi lò lửa đúc đồng được làm từ thân cây gỗ lim nguyên bản và một số vật dụng của nghề đúc đồng cổ điển rất mong được hiến tặng cho bảo tàng tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tựa, thôn An Lộng 3, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ

Gia đình tôi cũng mấy đời làm nghề đúc đồng, đời tôi chuyển sang đúc gang, mặt hàng chủ yếu là lưỡi cày 51 gang đúc xuất đi các tỉnh miền núi phía Bắc và một số phụ tùng máy nông cụ khác. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được đơn đặt hàng đúc chuông đồng cho một vài bản tự.


Quang Viện