Thứ 7, 27/04/2024, 05:50[GMT+7]

OCOP Thái Bình: Con đường chậm mà chắc

Thứ 2, 24/08/2020 | 09:17:35
4,933 lượt xem

Diện mạo nông thôn mới xã Dương Phúc (Thái Thụy). Ảnh: Trần Tuấn

Cùng đi trên con đường nông thôn mới nâng cao thuộc xã Dương Phúc (Thái Thụy) ông Vũ Công Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng dựng nông thôn mới tỉnh nói như tâm sự với chúng tôi: Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là 1 trong 3 địa phương về đích sớm nhất cả nước. Đây thực sự là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh. Bởi con đường 10 năm xây dựng nông thôn mới, mới chỉ là bước đầu, đoạn đường tiếp theo chắc chắn sẽ còn vất vả, gian truân hơn vì mỗi xã vừa phải giữ vững các tiêu chí của xã nông thôn mới đã đạt được nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí để đạt xã nông thôn mới nâng cao và cao hơn nữa là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ngừng một lát như để xâu chuỗi lại tư duy của mình rồi ông bảo: Nói như vậy có nghĩa là việc xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình lâu dài mà không có điểm dừng. Vì trong xây dựng nông thôn mới người dân là chủ thể mà cái đích của việc xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nghe nói vậy tôi liền hỏi ông Bình chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có phải là mục tiêu đó không. Ông bảo đúng rồi. Vậy tại sao Thái Bình triển khai chậm thế? Ông cười và bảo: Làm nông nghiệp không nhanh được đâu bác ạ. Nghe ông nói tôi lại nhớ lại chuyện ở tỉnh nọ ngay sau khi có chủ trương của Trung ương về xây dựng chương trình OCOP tỉnh này đã có ngay tới vài ba trăm sản phẩm, ấy vậy mà chỉ sau chưa đầy một năm rà soát lại số sản phẩm rơi rụng đã lên tới con số cả trăm. 

Còn ở Thái Bình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối xây dựng dựng nông thôn mới đã tham mưu cho tỉnh chủ trương không làm ồ ạt mà phối hợp chặt chẽ với các huyện, các ngành làm đến đâu chắc đến đó. Từ việc tổ chức học tập trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh làm trước như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Sơn La, Hòa Bình, căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng huyện, từng xã, thậm chí của từng doanh nghiệp, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh đã lựa chọn 30 sản phẩm của 21 đơn vị và phân chia ra 6 nhóm sản phẩm OCOP trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Trong đó, nhóm sản phẩm chiếm ưu thế nhất là nông sản tươi thô và sơ chế, thịt tươi, thủy sản nước ngọt, nước mắm tươi, đồ chế biến từ rau, củ, quả, chế biến từ thịt cá, lương thực, với những sản phẩm tiêu biểu như: nước mắm Diêm Điền, nước mắm Thái Bình (Thái Thụy), mắm cáy Hồng Tiến (Kiến Xương), bánh đa Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ), bánh cáy làng Nguyễn (Đông Hưng), kẹo lạc, kẹo dồi (Hưng Hà), miến dong Đông Thọ (thành phố Thái Bình)... Công ty Cổ phần Thủy sản Diêm Điền là một trong số ít những đơn vị đến với chương trình OCOP từ rất sớm nhờ có sự hướng dẫn của các cán bộ Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới nên việc tham gia chương trình của Công ty diễn ra khá suôn sẻ. Qua đó giúp Công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá được thương hiệu, nhờ đó thị trường tiêu thụ được mở rộng. Năm 2019, Công ty đã thu mua và chế biến 1.200 tấn cá, được trên một triệu lít nước mắm, doanh thu 7,5 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn là người lao động có việc làm ổn định với thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, xây thêm hệ thống bể chứa, hệ thống xả thải tránh ô nhiễm môi trường, mở rộng và nâng cao chất lượng nước mắm Diêm Điền. 

Xã Nguyên Xá (Đông Hưng) có tới 25 cơ sở chuyên sản xuất bánh cáy nhưng cơ sở Thiên Đức là đơn vị đầu tiên tham gia OCOP được các cán bộ chuyên môn giúp đỡ. Chủ cơ sở sản xuất đã hiểu hơn về lợi thế khi tham gia chương trình OCOP, qua đó chất lượng bánh cáy của Thiên Đức ngày càng nâng cao, mẫu mã đẹp, thương hiệu dần được khẳng định, thị trường tiêu thụ mở rộng. Ngoài ra, Công ty còn sản xuất thêm các sản phẩm mới như kẹo dồi, kẹo lạc, bánh kem, nhờ đó 50 lao động có việc làm ổn định với thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Chọn mô hình điểm để tập trung chỉ đạo, sau đó mới nhân ra diện rộng chính là cách làm mà ông Vũ Công Bình cùng các cán bộ, nhân viên Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh đang thực hiện. 

Từ chủ trương này ở nhóm vải may mặc, Văn phòng đã chọn doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Thanh Chất (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà) làm điểm. Ông Bùi Thanh Chất, Giám đốc doanh nghiệp cho biết, đến với OCOP lúc đầu ông cũng bỡ ngỡ nhưng được các cán bộ hướng dẫn nên càng hiểu hơn về chương trình và chương trình đã giúp doanh nghiệp mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối nhiều hơn với các doanh nghiệp trong làng nghề. Cái mà doanh nghiệp Thanh Chất làm được chắc chắn các doanh nghiệp trong làng nghề ở Thái Phương cũng sẽ làm được và đây sẽ là tiền đề để các sản phẩm làng nghề Thái Phương tiếp tục vươn xa không chỉ ở thị trường trong nước mà là các nước trong khu vực và trên thế giới.

Làm OCOP ở Thái Bình sẽ không rầm rộ nhưng chắc chắn, số cơ sở tham gia chương trình OCOP qua mỗi năm sẽ tăng theo cấp số cộng và như vậy mục tiêu mỗi xã một sản phẩm mà đề án đề ra đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

(Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng dựng nông thôn mới tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày