Thứ 4, 25/12/2024, 20:33[GMT+7]

Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành

Thứ 2, 29/05/2023 | 15:35:43
5,287 lượt xem
Mây tre đan thủ công vốn là nghề truyền thống ở xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư. Trải qua thăng trầm của thời gian, sản phẩm công nghiệp sản xuất từ nhựa ra đời với giá rẻ, tiện lợi khiến sản phẩm mây tre đan làm ra khó tiêu thụ, nghề đan vì thế cũng dần mai một. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề của những người thợ và với giá trị bền vững của sản phẩm thủ công chất liệu tự nhiên, nhiều hộ gia đình ở Phúc Thành vẫn gắn bó giữ nghề truyền thống.

Ông Lại Hoàng Đạt và vợ là bà Khiếu Thị Chiên gần 80 tuổi nhưng vẫn gắn bó với nghề mây tre đan truyền thống.

Ông Lại Hoàng Đạt và vợ là bà Khiếu Thị Chiên năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn gắn bó với nghề mây tre đan truyền thống. Bên chiếc rổ mới vừa lên khung, đôi tay ông Đạt thoăn thoắt, khéo léo thao tác đan lát chẳng khác gì một nghệ nhân. Khi nhắc đến nghề mây tre đan, ông hồ hởi kể về cái thời cả làng quanh năm rộn ràng tiếng chẻ tre đan lát vui như hội.

“Không ai biết nghề đan lát xuất hiện ở Phúc Thành có từ khi nào, chỉ biết rằng nói đến nghề đan thì Phúc Thành là làng nổi tiếng từ xưa đến nay của cả vùng. Ban đầu người dân tận dụng thời gian nông nhàn để tạo ra các vật dụng dùng trong gia đình, dần dần bán ra xung quanh vùng tạo nên một mặt hàng thiết yếu. Thời hoàng kim, cả xã có tới 400 - 500 hộ với hơn 1.000 lao động tham gia đan lát. Từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết đan và đan giỏi, hàng hóa bán khắp nơi trong huyện và cả ở tỉnh ngoài. Nghề đan tạo nguồn thu nhập chính cho hàng trăm gia đình”. Ông Đạt nhớ lại.

Các sản phẩm chủ yếu của làng nghề mây tre đan xã Phúc Thành.

Sản phẩm mây tre đan ở Phúc Thành chủ yếu là nông cụ và đồ gia dụng được đan từ tre như gầu tát nước, thúng, rổ, rá, nong, nia... Nguyên liệu chính là tre, nứa già, mây được chuyển từ vùng khác về. Cách đan nhìn thì khá đơn giản nhưng để làm ra một sản phẩm mây tre đan đẹp, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn.

“Từ cách chẻ nan cũng phải biết lách dao sao cho có độ dày mỏng đều tăm tắp, rồi cách chọn từng dây cột theo từng loại cứng, dẻo khác nhau cho từng loại sản phẩm; từng mối rút cũng phải nhanh, mạnh và dứt khoát để mối tre, mây không bị chùng”. Ông Nguyễn Quang Bút vừa làm vừa miêu tả lại từng công đoạn.

Một cây luồng sẽ đan được 4 đôi thúng, bán với giá 120.000 đồng/đôi. Để hoàn thành một đôi thúng, người làm nghề phải ngồi miệt mài nguyên một ngày. Công phu với từng sản phẩm nhưng lợi nhuận không cao, lại chịu sức ép cạnh tranh với sản phẩm nhựa sản xuất công nghiệp, vì thế, toàn xã hiện chỉ còn khoảng 30 hộ gia đình giữ nghề đan, chủ yếu là những người cao tuổi. Vậy nhưng nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên sản phẩm mây tre đan làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó.

Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TTTH huyện Vũ Thư.

Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: Dẫu không còn được thịnh như xưa nhưng nghề đan góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người trung, cao tuổi, đưa thu nhập bình quân đầu người của xã lên 55 triệu đồng/người/năm, gấp gần 2 lần so với thời điểm địa phương bắt tay xây dựng nông thôn mới (năm 2011). Hiện nay, nhu cầu sử dụng các đồ gia dụng làm từ mây tre đan đang có xu hướng tăng trở lại vì nó thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe. Đây là cơ hội cho nghề đan thủ công hồi sinh. Để làng nghề không bị mai một, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con, nhất là các nghệ nhân cao tuổi nỗ lực duy trì, tìm cách đổi mới sản phẩm để thích nghi, tồn tại với nhu cầu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho bà con làng nghề. Bên cạnh đan hàng truyền thống hiện bà con còn đan các mặt hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp như: lồng gà, lồng chim, hàng mỹ nghệ nên cho thu nhập khá.

Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống là việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết. Với nỗ lực và sự say nghề, những đôi tay vẫn cần mẫn không chỉ gìn giữ nghề mà còn làm nên sức sống bền chặt của nghề đan truyền thống ở Phúc Thành.

Tiên Dung 

(Đài TTTH Vũ Thư)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày