Thứ 4, 22/01/2025, 18:55[GMT+7]

Chị Hiếu “mài sắt thành vàng”

Thứ 2, 15/05/2023 | 10:13:16
66,703 lượt xem
Làng nghề sản xuất dũa cưa xã Mê Linh (Đông Hưng) được mệnh danh là làng nghề “mài sắt thành vàng”, từ xưa đã góp phần không nhỏ giúp vùng quê này “thay da đổi thịt”. Song, cơ chế thị trường đã khiến làng nghề mai một. Thế nhưng, vẫn còn có người đam mê, tâm huyết, trăn trở duy trì, phát triển nghề truyền thống của địa phương. Một trong những người đó là chị Nguyễn Thị Hiếu.

Cơ sở của chị Nguyễn Thị Hiếu giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho trên 20 lao động địa phương.

Ở tuổi 60, không thể xin vào làm tại các công ty nhưng nhờ có công việc tại cơ sở sản xuất cạm chuột, cán thép của chị Hiếu, bà Nguyễn Thị Luyên, xã Mê Linh vẫn có thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/tháng. Bà Luyên cho biết: Công việc ở đây không nặng nhọc, phù hợp với sức khỏe của tôi. Ngoài thời gian lo việc đồng áng của gia đình, tôi tới đây làm để có thêm thu nhập. Từ cơ sở sản xuất nhỏ chỉ hai vợ chồng làm, sau hơn 20 năm hoạt động đến nay chị Hiếu đã mở rộng cơ sở, giải quyết việc làm cho trên 20 lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ con nhỏ, không có điều kiện vào công ty. 

Chị Nghiêm Thị Thảo, xã Mê Linh chia sẻ: Chồng tôi đi làm ăn xa, con còn nhỏ nên tôi xin vào làm tại cơ sở của chị Hiếu. Vừa có việc làm, thu nhập ổn định vừa chăm lo được việc nhà và các con.  

Từ khi lập gia đình, nhà chồng đã có nghề sản xuất dũa cưa, vậy là chị Hiếu học và theo nghề truyền thống của nhà chồng tới bây giờ, đồng thời phát triển thêm nghề làm bẫy chuột. Khi chồng ốm rồi qua đời, thị trường tiêu thụ khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào cao mà giá bán sản phẩm lại không tăng, một mình chị vất vả chèo chống để giữ lửa nghề truyền thống. 

Chị Hiếu cho biết: Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều gia đình đã phải bỏ nghề hoặc sản xuất cầm chừng, sản lượng giảm nhưng tôi tiếc nghề hai vợ chồng vất vả gây dựng gom vốn đầu tư máy uốn khung, quay lò xo nhằm giảm công việc nặng nhọc cho người lao động. Bên cạnh đó, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Hiện sản phẩm của cơ sở tiêu thụ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, được các chủ cửa hàng phía Nam xuất sang Campuchia. Hàng do cơ sở sản xuất luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, nhiều khi giá cả thị trường lên xuống thất thường tôi vẫn giữ một mức giá, vì thế dù khó khăn, có nhiều cơ sở cạnh tranh nhưng khách hàng vẫn luôn ủng hộ. Trong năm có 2 đợt cao điểm xuất hàng bẫy chuột là đầu năm và tháng 7, tháng 8, mỗi tháng cơ sở xuất 1,4 vạn chiếc bẫy chuột. Thời gian bẫy chuột xuất được ít, cơ sở tăng cường làm hàng cán thép để lấy hàng nọ nuôi hàng kia. 

Thời điểm này bẫy chuột khó tiêu thụ, trong kho tồn nhiều hàng nhưng cơ sở vẫn nhập nguyên liệu về, duy trì việc làm thường xuyên cho người lao động. Những lúc khó khăn, người lao động cùng chia sẻ với cơ sở. 

Bà Bùi Thị Khái, xã Mê Linh cho biết: Tôi làm ở đây thu nhập mỗi tháng được 4 triệu đồng, bình thường thì lấy hết lương nhưng khi cơ sở khó khăn thì chúng tôi đồng thuận nhận một nửa lương hoặc 2/3 lương, khi bán được hàng chúng tôi nhận nốt số còn lại.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn song hiện nay cơ sở của chị Hiếu vẫn là cơ sở lớn nhất xã Mê Linh, doanh thu hàng năm đạt 500 - 600 triệu đồng. 

Chị Bùi Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mê Linh cho biết: Hoàn cảnh gia đình chị Hiếu rất khó khăn, chồng mất, phải chăm lo bố mẹ già, nuôi 3 con nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo chị Hiếu vẫn một mình chu toàn việc nhà, làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đồng thời vẫn thu xếp công việc tham gia sinh hoạt hội. Chúng tôi vẫn tuyên truyền gương điển hình của chị Hiếu tại các hội nghị để những chị em khác học tập, làm theo.    

Chị Hiếu (bên phải) kiểm tra sản phẩm trước khi xuất hàng.

Trung Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày