Thứ 6, 22/11/2024, 08:14[GMT+7]

Phim Việt cân bằng giữa nghệ thuật và hút khách

Chủ nhật, 05/04/2020 | 11:43:41
1,052 lượt xem
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam - Cánh diều 2019, có lẽ không được trao trong một buổi lễ lớn như mọi năm. Tuy nhiên, Hội Điện ảnh Việt Nam vẫn thực hiện chấm giải để vinh danh các nghệ sĩ cống hiến xuất sắc trong năm qua, cũng như nhìn lại một năm mà điện ảnh Việt đã chuyển động tích cực, dần cân bằng giữa tính nghệ thuật và hút khách.

Một cảnh trong phim “Mắt biếc”, tác phẩm điện ảnh được chú ý ở Giải thưởng Cánh diều 2019.

Mùa phim chất lượng, hấp dẫn

Giải thưởng Cánh diều 2019 dự định diễn ra ngày 15-3, cùng với lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Điện ảnh Việt Nam (1970-2020), nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội quyết định lùi ngày trao vào tháng 4-2020 và chỉ tổ chức trong phạm vi nhỏ. Các ban giám khảo đang chấm giải lần lượt từng hạng mục, để vừa có quyết định chính xác, chất lượng, vừa bảo đảm an toàn, tránh tập trung đông người trong thời điểm này.

Mùa giải Cánh diều 2019 có 113 tác phẩm tham dự, trong đó có 16 phim truyện điện ảnh, 13 phim truyện truyền hình, 34 phim tài liệu, 12 phim khoa học, 15 phim hoạt hình, 17 phim ngắn và 6 công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh. Theo Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, tiêu chí chấm giải năm nay vẫn đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Đặc biệt, Ban Giám khảo sẽ hướng tới những tác phẩm cân bằng giữa các yếu tố.

Ở hạng mục được quan tâm nhất là phim truyện điện ảnh, lần này đáng mừng là số lượng gia tăng, với 16 tác phẩm, trong đó tụ hội hầu hết các phim tư nhân đáng chú ý của năm 2019, đồng thời có cả phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất là “Truyền thuyết về Quán Tiên” và “Hợp đồng bán mình”. 16 phim trải rộng nhiều thể loại như tâm lý, tình cảm, hài, kinh dị, hành động. Nhìn vào danh sách tác phẩm tham dự, những người theo sát điện ảnh có thể dự đoán, Cánh diều vàng sẽ là cuộc đua giữa các phim có doanh thu phòng vé cao, như “Hai Phượng”, “Mắt biếc” và các phim có nhiều khác lạ trong xử lý nghệ thuật, như “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Bắc kim thang”... 

Hạng mục phim truyện truyền hình cũng gây chú ý không kém với sự góp mặt của các phim tạo nên những “cơn sốt” trong năm qua, như “Về nhà đi con”, “Mê cung”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Nàng dâu order”, “Mùa cúc Susi”… Theo đạo diễn Trịnh Lê Văn, Trưởng ban Giám khảo phim truyện truyền hình, các phim có chất lượng cân bằng, không nhiều khác biệt, đi sát hiện thực cuộc sống. Song, phải thừa nhận, “Về nhà đi con” với câu chuyện gia đình giản dị, gần gũi, nhân văn và “Mùa cúc Susi” phơi bày chân thực những góc tối của đời sống, ca ngợi nghị lực con người, xứng đáng được tôn vinh.

Phim tài liệu, phim khoa học cũng có nhiều tác phẩm tiêu biểu, tác động tích cực đến khán giả, như: “Khởi nghiệp từ phong vị quê nhà”, “Đường đua xanh”, “Ký ức những người truyền lửa”, “Những cột mốc sống”, “Cuộc chiến chống SARS”, “Lò đốt rác thải sinh hoạt”… Hạng mục công trình nghiên cứu đáng khích lệ với những tác phẩm giá trị tham gia: “Một thập kỷ phim truyện điện ảnh Việt Nam”, “Thiết kế mỹ thuật phim truyện điện ảnh”…

Thuận đà tạo bứt phá

Nếu như nhiều mùa giải trước, có những phim truyện điện ảnh đầu tư sâu về mặt nghệ thuật, được giới chuyên môn khen ngợi, nhưng lại chưa thu hút khán giả, thì năm qua, câu chuyện ấy đã hóa giải phần nào. “Hai Phượng” và “Mắt biếc” là ví dụ điển hình khi vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé, trở thành những phim doanh thu tốt của điện ảnh Việt. “Hai Phượng” được giới chuyên môn đánh giá cao khi đề cập đến câu chuyện nhân văn, thuần Việt nhưng diễn tiến nhanh, mạnh kiểu Hollywood. Phim cũng nhận giải “Bông sen bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI - năm 2019.

Còn “Mắt biếc” ra mắt cuối năm 2019 và trụ rạp suốt nhiều tháng, với sự đầu tư chỉn chu về bối cảnh, nhân vật, phục trang, âm nhạc… đã chạm vào trái tim phần đông khán giả - điều mà bất cứ bộ phim nào cũng hướng tới. Đạo diễn phim “Mắt biếc” Victor Vũ chia sẻ, phim thành công không nhất thiết phải có diễn viên “ngôi sao”, mà cần chọn người hợp vai, tỏa sáng đúng lúc, cùng với đó là cách triển khai, dẫn dắt câu chuyện phim thuyết phục, tạo ấn tượng trong lòng khán giả…

Ở mảng phim truyện truyền hình, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết, sau những thành công của phim về đề tài gia đình thời gian qua, đơn vị đã chuyển hướng khai thác những đề tài khác, như nông thôn mới, chính luận, thương trường, thanh niên lập nghiệp…, nhằm tạo nhiều mảng màu hơn cho khán giả. Tuy nhiên, các phim sản xuất đều theo tiêu chí gần gũi với đời sống, ngôn ngữ thể hiện mới lạ, đậm tính nhân văn…

Khác với các mảng phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình năm qua mới đáp ứng được việc phát sóng trên truyền hình. Phim thuộc các thể loại này để chiếu rạp dường như chưa được các nhà làm phim chú trọng đầu tư…

Nhìn lại một năm có những chuyển động khá tích cực của điện ảnh nước nhà, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận định, đây là động lực để những người làm điện ảnh năng động, đổi mới, bứt phá hơn, đặc biệt là đi sâu, đi sát vào những vấn đề nóng bỏng của đời sống, được công chúng quan tâm, yêu thích.

Theo hanoimoi.com.vn




Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày