Thứ 3, 26/11/2024, 10:01[GMT+7]

Hưng Hà: Vững bước dưới cờ Đảng (Kỳ 1)

Thứ 7, 25/04/2020 | 16:48:32
34,528 lượt xem
Hưng Hà - vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng. Với ý chí quật cường và sự quyết tâm chung sức, đồng lòng, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã lập nên bao kỳ tích trong xây dựng và bảo vệ quê hương.

Hưng Hà hôm nay.

Kỳ 1: Mốc son ngày đầu có Đảng

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, nhân dân Hưng Hà đã ghi dấu son vào trang sử vàng của dân tộc ngay từ những ngày đầu mới thành lập Đảng với cuộc biểu tình của nông dân do Đảng lãnh đạo ở Thái Bình.

Vùng đất cổ linh thiêng

Theo các nhà khoa học và căn cứ vào bản đồ lịch sử phát triển châu thổ sông Hồng thì vùng đất Hưng Hà có lịch sử từ 2.500 - 3.000 năm. Điều này càng có căn cứ khi ngày 20/8/2000, người dân xã Minh Tân, huyện Hưng Hà đã phát hiện và khai quật được một bộ trống đồng cổ còn nguyên khuôn đúc. Các nhà khoa học khảo cổ đã xác định bộ trống đồng này có niên đại khoảng 2.500 năm trở về trước. Phát hiện này cùng với các nghiên cứu khác đã cho thấy, vùng đất này đã có sự sống và sáng tạo từ cách đây hàng nghìn năm.

Theo ông Nguyễn Công Khanh, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện: Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất “địa linh nhân kiệt” này đã lập nên  bao kỳ tích trong dựng nước và giữ nước. Từ những năm 40 của thế kỷ thứ nhất, Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục đã về vùng Đa Cương Hương, nay là xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến (Hưng Hà) chiêu tập binh mã dựng cờ khởi nghĩa cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, giành lại độc lập cho dân tộc. Đến thời nhà Lý, Trần, Lê, mảnh đất Hưng Nhân - Duyên Hà lại liên tiếp diễn ra nhiều sự kiện lịch sử hào hùng, để lại nhiều di tích lịch sử. Đặc biệt, nói đến Hưng Hà là nói đến vùng đất nơi mà vào thế kỷ thứ XIII con cháu họ Trần đã mang phần mộ cụ tổ về an táng tại Tam Đường (xã Tiến Đức) và từ mảnh đất này khởi nghiệp tạo dựng vương triều Trần với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Nơi đây, 4 đời vua, các hoàng hậu, công chúa đầu triều Trần đã yên nghỉ nên làng Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà) chính là nơi tôn miếu của nhà Trần. Trong mỗi lần xuất quân hay chiến thắng trở về, vua tôi nhà Trần đều về đây làm lễ tế tổ. Vùng đất Hưng Hà còn là nơi sinh ra nhiều danh nhân, tuấn kiệt, tiêu biểu như Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung - những người có công tạo dựng và đưa nhà Trần phát triển rực rỡ trở thành một trong những vương triều cường thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ngoài ra còn có Tam nguyên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ ở xã Tân Lễ; Tiến sĩ nhà văn hóa Nguyễn Tông Quai ở xã Hòa Tiến; Tam nguyên bảng nhãn Lê Quý Đôn - nhà bác học lỗi lạc nhất của Việt Nam thế kỷ XVIII ở làng Phú Hiếu, xã Độc Lập. Ngoài ra còn có những thủ lĩnh yêu nước trong phong trào chống Pháp như Đốc Nhưỡng, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm...

Trường vị sĩ ở xã Chí Hòa - nơi lãnh đạo cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà năm 1930.

Ngày đầu có Đảng

Cũng chính nơi đây, những năm 20 của thế kỷ XX, khi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin truyền đến Thái Bình thì Hưng Hà là nơi sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng. Nhớ lại những ngày tháng lịch sử đó, ông Đỗ Gia Trác (con trai cụ Đỗ Gia Chuẩn - cán bộ lão thành cách mạng, một trong những người trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình năm 1930) chia sẻ: Tôi tự hào là con trai của một trong những thanh niên đầu tiên tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Tiên Hưng - Duyên Hà. Dù chỉ được nghe kể về cuộc biểu tình song tinh thần yêu nước thể hiện qua cuộc biểu tình đã truyền thêm niềm tự hào, thêm sức mạnh cho các thế hệ sau của xã Chí Hòa nói riêng, huyện Hưng Hà nói chung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi hiểu rằng chỉ có đấu tranh dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng mới đánh đổ được các thế lực thù địch, mới thoát khỏi chế độ lầm than, đói nghèo. Năm 1927, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời. Năm 1929, Chi bộ đảng Thần Khê - Duyên Hà, gọi tắt là Chi bộ Thần Duyên được thành lập, là một trong sáu chi bộ sớm nhất của tỉnh Thái Bình. Từ khi có ánh sáng cách mạng soi đường, phong trào đấu tranh của nông dân đòi giảm sưu, giảm thuế, giảm tô tức nặng nề, chống phụ thu lạm bổ đã liên tiếp nổ ra. Đỉnh cao là cuộc biểu tình của hàng nghìn nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào nông dân Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tối ngày 28/4/1930, cuộc họp tại nhà cụ Chuẩn ở thôn Nhuệ, xã Chí Hòa, Ban Chấp hành Liên chi bộ Thần Duyên đã thống nhất nội dung đấu tranh, nội dung tuyên truyền vận động, kế hoạch biểu tình... Đêm 30/4/1930, đúng giờ quy định, cờ đỏ búa liềm đã được treo ở cổng huyện đường Hưng Nhân, ở cây bàng trước huyện đường Duyên Hà và trên cây đa cạnh phủ Tiên Hưng. Ba lá cờ khác được treo ở bến phà Thọ Vực, bến đò Giống và cây đa quán đầu làng Quán Xá là địa điểm tập trung quần chúng đi biểu tình. Sáng sớm ngày 1/5/1930, các hồi trống hiệu nổi lên liên hồi từ làng Nhuệ, Vân Đài, Hậu Thượng như giục giã mọi người lên đường. Dẫn đầu đoàn biểu tình là lá cờ đỏ búa liềm lớn giương cao. Trên đường đi, đoàn người rải truyền đơn, hô khẩu hiệu với khí thế đấu tranh mạnh mẽ như trút mọi căm thù uất hận vào chế độ thống trị hà khắc của thực dân Pháp và tay sai. Mặc dù cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà bị đàn áp, gây ra nhiều tổn thất cho nhân dân địa phương song cuộc biểu tình đã đi vào lịch sử dân tộc và phong trào đấu tranh cách mạng năm 1929 - 1930 cũng như phong trào mặt trận dân chủ 1936 - 1939 là những cuộc tập dượt lớn của nông dân Hưng Hà tiến lên đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, góp phần viết nên những trang sử oanh liệt hào hùng của dân tộc Việt Nam.

(còn nữa)
Mai Thư