Thứ 5, 09/05/2024, 16:01[GMT+7]

Vang mãi bài ca chiến thắng

Thứ 6, 01/05/2020 | 08:46:43
3,680 lượt xem
Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4 là sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam. Ngay trong ngày 30/4/1975 và những ngày sau đó, hàng loạt cơ quan báo chí, hãng thông tấn quốc tế đã liên tục đưa tin về thắng lợi của quân và dân ta, thể hiện sự yêu mến, cảm phục với một dân tộc anh hùng.

Đã 45 năm qua đi, nhưng với những người chiến sĩ từng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa thì hồi ức về ngày đại thắng của dân tộc không bao giờ có thể phai mờ. Chúng tôi đến thăm cựu chiến binh (CCB) Phạm Công Chính, thôn Nhuệ, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà trong lúc ông cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm về ngày đại thắng 30/4/1975. Ông Chính nguyên là lính lái xe thuộc Cục hậu cần Quân đoàn 3, tham gia phục vụ kháng chiến và tiến đánh giải phóng  hướng Tây Bắc Sài Gòn. CCB Phạm Công Chính chia sẻ: Để bảo đảm vũ khí, lương thực và nhu yếu phẩm cho chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi thường xuyên phải di chuyển vào ban đêm, kính chắn gió đều được tháo, toàn bộ thân xe đều được ngụy trang cẩn thận. Nếu như đi qua khu vực quân địch thả bom, đường tắc thì tôi sẽ bắn 3 phát súng, phát thứ nhất báo hiệu là đường đang bị tắc, ngay lập tức sẽ có đoàn dân công đến hỗ trợ; phát thứ hai bắn để báo hiệu đường đã sửa xong, có thể thông xe và phát súng thứ ba là ra tín hiệu xe bị hư hỏng, cần sửa chữa. Cứ như vậy, tôi cùng các đồng đội đã vượt qua mưa bom, bão đạn để vận chuyển thành công những chuyến hàng phục vụ tốt công tác hậu cần cho tiền tuyến.

Cựu chiến binh Trần Văn Minh và các đồng đội ôn lại thời khắc tiến sát dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.


Còn với CCB Trần Văn Minh, tổ 3, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, trong những ngày tháng tư lịch sử, ông cùng đồng đội trong Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 tiến đánh cứ điểm Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Đây là huyện nằm dọc theo quốc lộ 1A, cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 40km, giao thông thuận tiện nên việc giải phóng Trảng Bom có ý nghĩa hết sức quan trọng, là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu của quân ta. Ông Minh cho biết: Chúng tôi là lính thông tin, ngoài nhiệm vụ bảo đảm thông tin xuyên suốt, có những chiến sĩ thông tin đã xung phong làm nhiệm vụ đo đạc khoảng cách để quân ta có được vị trí đặt họng pháo tốt nhất. Trong hai ngày 23 - 24/4/1975, cứ mỗi khi đêm xuống, lại có một số cán bộ, chiến sĩ thông tin vượt qua những cạm bẫy, vật cản, bò sát mặt đất để căng dây, tính từng mét một khoảng cách để quân đội ta đặt họng pháo một cách chính xác nhất. Mỗi một sợi dây thông tin khi ấy chỉ dài có 500m. Gần 5 giờ sáng ngày 26/4/1975, chúng tôi mở màn chiến dịch bằng các loạt pháo cối 120mm, pháo 85mm cùng nhiều loại hỏa lực, bắn cấp tập vào khu Trảng Bom - hàng phòng ngự kiên cố của quân ngụy.


Trận tiến công mục tiêu Trảng Bom của Sư đoàn 341 được tổ chức tiến công nhanh, hiệp đồng chặt chẽ, đánh thẳng và trúng mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy của địch và đã tiêu diệt, đánh tan Sư đoàn 18 của ngụy, bắt hơn 1.000 tên và hàng nghìn tên địch ra hàng chỉ sau hơn 4 tiếng tấn công. Cánh cửa thép của địch ở hướng Đông Sài Gòn bị phá vỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của Quân đoàn 4 tiến vào Sài Gòn.

Cựu chiến binh Phạm Duy Đô cùng đồng đội ôn lại truyền thống một thời chiến đấu.


Tại một diễn biến khác, ông Phạm Duy Đô hiện ở tổ 8, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình khi đó là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116 Đặc công. Đại đội 1 của Phạm Duy Đô được lệnh tấn công vào kho xăng An Bình và cùng đơn vị chiếm giữ, bảo vệ cầu Đồng Nai trên xa lộ Biên Hòa, 1 trong 14 cửa ngõ dẫn thẳng vào Sài Gòn chờ đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Riêng tại cầu Đồng Nai nối với xa lộ Biên Hòa, địch bố trí 4 quả bom tấn đề phòng trường hợp cấp thiết sẽ lập tức kích nổ, phá tan đường vào của binh đoàn xe tăng ta. Chính vì vậy, khi được lệnh giữ cầu, lính ngụy thường rất cảnh giác với lực lượng đặc công nước. Địch liên tục kiểm soát mặt sông, thấy động tĩnh và nghi ngờ chỗ nào là lập tức nã đạn xối xả. CCB Phạm Duy Đô cho biết: Trước yêu cầu nhiệm vụ của cấp trên và căn cứ vào tình hình thực tế, tôi và các đồng đội xác định bằng mọi giá phải chiếm, giữ được cầu chờ quân ta từ các mũi tiến quân vào giải phóng Sài Gòn. Tôi đã cùng 2 chiến sĩ của Đại đội 1 mang theo bộc phá, bí mật bơi qua sông để phá trạm điện của địch với mục tiêu cắt đứt kíp nổ xa của 4 tấn bom đang giấu ở cầu. Rạng sáng ngày 28/4/1975, 3 chiến sĩ đặc công nước chúng tôi mang theo súng cùng gần 100kg bộc phá, đặt lên một phao, buộc vào lưng cùng nhau xuống nước, bí mật bơi sang đầu cầu bên kia; chúng tôi bơi hơn 1km không để lại động tĩnh, khiến bọn địch không mảy may nghi ngờ. Lên tới bờ, mỗi người với hơn 30kg bộc phá, chia nhau ra các hướng và phá thành công trạm điện trong sự ngỡ ngàng tột độ của quân địch.


11 giờ hơn, đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 có đặc công dẫn đường hùng dũng tiến vào dinh Độc Lập. Các chiến sĩ đặc công cùng đơn vị bạn bao vây toàn bộ khu vực. Trung úy Bùi Quang Thận xông thẳng lên tầng thượng dinh Độc Lập hạ cờ chính quyền Sài Gòn, kéo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên đỉnh cột cờ lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Cùng lúc đó, CCB Phạm Duy Đô chạy lên ban công của dinh Độc Lập vẫy cờ giải phóng để ra hiệu cho quân ta tiến vào.


Ngay sau khi tiếp quản được dinh Độc Lập, các chiến sĩ trong Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 nhận nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ an toàn mục tiêu dinh Độc Lập. CCB Trần Văn Minh, tổ 3, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình chia sẻ: Hơn 8 giờ sáng ngày 30/4/1975, tôi cùng đơn vị nhận lệnh cấp tốc tiến vào Sài Gòn. Khi chúng tôi vào đến nơi, Sư đoàn 304 đã cử xe tăng chốt chặn trước cổng dinh Độc Lập không cho bất cứ một ai vào. Chúng tôi cùng đoàn xe tăng là bảo vệ vòng ngoài, ngay sát cổng dinh Độc Lập. Ngay khi nghe thấy giọng tổng thống Dương Văn Minh cất lên trên loa phóng thanh, anh em chiến sĩ và người dân hoàn toàn im lặng. Chỉ khi Dương Văn Minh tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương giải phóng hoàn toàn và trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, anh em chiến sĩ mới òa lên vui sướng. Cả ngày hôm ấy, chúng tôi ngồi trên xe tăng đi khắp Sài Gòn để ăn mừng.


Đã 45 năm qua đi, nhưng những hồi ức về ngày đại thắng 30/4/1975 vẫn được ông Chính, ông Minh, ông Đô và nhiều CCB khác ngồi bên nhau, xúc động kể lại cho con cháu. Những câu chuyện hào hùng đó cũng là nền tảng để các ông giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiến Đạt

Ông Đặng Đức Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Chí Hòa đã có hàng trăm thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ. Các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Chí Hòa thấu hiểu được sự khốc liệt  của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc nên bản thân mỗi người luôn có ý thức, trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ thành quả độc lập. Sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975 luôn luôn khắc ghi trong tâm trí mỗi người lính Cụ Hồ. Giờ đây nhiều người dù đã ở cái tuổi mắt mờ, chân chậm nhưng vẫn luôn giữ vững và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” nêu gương sáng, tích cực vận động con cháu, người thân và nhân dân địa phương phát huy truyền thống cách mạng của quê hương hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Mỗi cựu chiến binh dù ở độ tuổi nào cũng sẽ luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, chung sức đồng lòng cùng nhân dân địa phương vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.


Bác sĩ quân y Nguyễn Đức Luân, xã Phú Lương, huyện Đông Hưng

Tôi rất tự hào vì mình được tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Những chiến sĩ quân y chúng tôi nơi “tuyến lửa” Trường Sơn dù làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường nhưng luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”, hết lòng cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh. Giữa mưa bom, bão đạn, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, chúng tôi quên đói, quên rét, làm việc đêm ngày không biết mệt mỏi chỉ mong tiếp cận sớm, cứu chữa kịp thời giành lại sự sống cho các thương binh. Đến nay, chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng tôi luôn bị ám ảnh về những thương bệnh binh cùng sự tàn phá kinh khủng của bom đạn. Để góp phần “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, máu xương không tiếc, công lao không màng, chúng tôi chỉ mong thế hệ sau hãy tiếp bước cha ông ra sức học tập, thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Phạm Thúc Kháng, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình

Năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tôi lên đường nhập ngũ và được bổ sung vào Tiểu đoàn xe 56, Binh trạm 44, thực hiện nhiệm vụ lái xe vận chuyển vũ khí, đạn dược trên tuyến đường ngang B46 cho bộ đội ta đánh địch ở Khu 5 và Bắc Tây Nguyên từ năm 1968 đến chiến thắng Buôn Ma Thuột (tháng 3/1975). Tuyến đường ngang B46 do Binh trạm 44 quản lý từ đất Lào vượt dãy Trường Sơn về Việt Nam là tuyến đường địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt. Khó khăn không quản, mưa dầm, gió rét, dốc cao, vực thẳm không ngại, nguy hiểm không sợ, tôi và đồng đội xác định “hàng còn, người còn thì xe còn”, “tất cả cho xe lên phía trước”, luôn vững vàng tay lái đưa xe hàng thẳng ra tiền tuyến. Đến năm 1973, tôi lái xe phục vụ các đơn vị bộ đội chủ lực của ta đánh thắng địch ở trận mở màn Buôn Ma Thuột và các trận đánh quyết định giải phóng Tây Nguyên. 12 năm (1969 -1981), tôi đã lái 16 vạn ki-lô-mét đường, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực bổ sung cho nhiều chiến trường lớn của miền Nam, được chứng nhận lái xe “5 tốt”. Tôi được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương nhưng phần thưởng lớn nhất với tôi và những chiến sĩ lái xe Trường Sơn là đã góp phần nhỏ bé cùng quân và dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để Bắc - Nam sum họp một nhà.

Ông Trần Đức Thăng, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư

Đã 45 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng song ký ức hào hùng của một thời hoa lửa và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi trái tim người lính Trung đoàn pháo binh 40 chúng tôi. Trong những năm tháng đó, chúng tôi tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. Muốn vào được trận địa, chúng tôi phải đưa pháo nặng trên 2 tấn xuyên hàng chục ki-lô-mét rừng, vượt qua đèo, vượt qua núi cao, vực sâu vô cùng nguy hiểm. Song với lòng quyết tâm được hun đúc từ chí căm thù giặc, chúng tôi không chỉ dốc hết sức lực đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa an toàn, bí mật mà còn phối hợp nhịp nhàng với các binh chủng khác tấn công vào căn cứ của quân địch làm nên những chiến công vang dội như trận giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, cao điểm 824 và cao điểm Ngọc Hồi (Kon Tum)… Trên cương vị Tiểu đội trưởng Đội trinh sát pháo, tôi được cử đi trinh sát ở đồn Đăk Tô - Tân Cảnh để chuẩn bị cho quân ta đánh vào đồn. Trên đường đi tôi bị thương phải đi điều trị 3 tháng. Tại cao điểm Ngọc Hồi, Mỹ rải thảm bom B52 xuống, tôi bị thương lần nữa và do vết thương nặng, sức khỏe giảm sút nên được xuất ngũ với thương tật 31%. Về địa phương, tôi đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau, đồng thời tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp để góp lương thực gửi ra tiền tuyến, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Quách Đình Nhàn, tổ 19, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình

Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một chiến công vĩ đại trong lịch sử dân tộc, khẳng định sức mạnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.  Nhân tố quyết định thắng lợi của toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Với đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ; giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền Nam và Bắc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, Đảng ta đã phát huy được cao nhất sức mạnh của cả nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, bằng tầm cao trí tuệ và tài thao lược xuất sắc, Đảng ta đã phát triển và nâng tầm nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam đến đỉnh cao, giành thắng lợi từng bước, kiên trì và nhất quán thực hiện quyết tâm chiến lược “đánh cho Mỹ cút” tiến tới “đánh cho ngụy nhào” và kết thúc thắng lợi chiến tranh bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Anh Tăng Quốc Sử, sinh ngày 30/4/1975, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình

Tôi rất may mắn được sinh đúng ngày 30/4/1975, ngày non sông thu về một mối. Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thời khắc lịch sử của dân tộc, thỏa bao nỗi mong chờ của nhân dân cả nước sẽ mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng 30/4 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Và hôm nay, tinh thần chiến thắng 30/4 luôn thôi thúc chúng tôi không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển, phải làm hết sức mình để xây dựng đất nước. Bài học lớn nhất mà chúng tôi tiếp thu từ lớp cha anh chính là lòng yêu nước và phát huy sức mạnh đoàn kết. Chiến tranh càng lùi xa, chúng ta càng phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy tối đa giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng 30/4 mang lại, để dân tộc mãi mãi hòa bình và thịnh vượng.
Em Dương Thanh Nhàn, học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình

Học môn Lịch sử chúng em hiểu và rất tự hào về đại thắng mùa xuân năm 1975 của dân tộc Việt Nam. Sự kiện 30/4/1975 là một sự kiện có tính chất bước ngoặt đối với lịch sử dân tộc ta, nó đã mở ra thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam. Đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng mang một tầm vóc quốc tế cực kỳ to lớn, mở đầu thời kỳ đánh bại chủ nghĩa thực dân mới và trở thành tấm gương cho nhiều dân tộc trên thế giới noi theo. Hiện nay, đất nước ta đang trên bước đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chúng em là những chủ nhân tương lai của đất nước mang trên mình trách nhiệm phải cố gắng học tập, bảo vệ những thành quả của cha ông ta đạt được và phát huy sức mạnh, tài năng của con người Việt Nam để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nhóm phóng viên