Thứ 7, 04/05/2024, 09:22[GMT+7]

Lãnh đạo nhóm chính trị lớn nhất EU muốn ngăn Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp châu Âu

Chủ nhật, 17/05/2020 | 07:37:48
1,010 lượt xem
Lãnh đạo nhóm chính trị lớn nhất thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho rằng EU nên áp các lệnh cấm tạm thời đối với các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp của Trung Quốc, trong bối cảnh đại dịch đang đẩy giá trị của nhiều công ty xuống thấp.

Ông Manfred Weber, chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) - Ảnh: REUTERS

Ông Manfred Weber, chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), ngày 16-5 trả lời tờ Welt am Sonntag (Đức) rằng ông ủng hộ việc đặt lệnh cấm kéo dài 12 tháng đối với việc các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại doanh nghiệp châu Âu. EPP là nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện châu Âu (EP).

"Chúng tôi thấy rằng các công ty Trung Quốc, một phần nhận được hỗ trợ từ quỹ nhà nước, đang ngày một cố gắng thâu tóm doanh nghiệp châu Âu đang bị mất giá hoặc rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn vì dịch bệnh từ virus corona chủng mới (COVID-19)", ông Weber nói.

Theo ông, EU vì thế cần hành động phù hợp tình thế và chấm dứt "chuyến mua sắm của Trung Quốc" bằng cách đặt ra lệnh cấm 12 tháng, cho đến khi cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể chấm dứt.

"Chúng ta phải bảo vệ bản thân", ông nói thêm.

Theo Reuters, Trung Quốc và EU đã nhiều lần đàm phán về một thỏa thuận đầu tư toàn diện từ năm 2013 cho đến nay. Vướng mắc của những cuộc đàm phán này bao gồm cách tiếp cận thị trường phù hợp và tạo ra sân chơi công bằng cho các bên.

Lãnh đạo Trung Quốc và EU dự tính sẽ cùng tham gia một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng 9-2020, mặc cho đại dịch COVID-19 đang đe dọa khả năng tổ chức cuộc gặp này.

"Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta trong tương lai về kinh tế, xã hội và chính trị.

Tôi nhìn nhận Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của châu Âu, đại diện cho một mô hình xã hội khác, muốn bành trướng quyền lực và thay thế Mỹ dưới cương vị cường quốc lãnh đạo", ông Weber nhận định.

Ông cho rằng châu Âu nên đánh giá Trung Quốc nghiêm túc và tôn trọng quốc gia này như một cường quốc thế giới, "nhưng trước hết phải cực kỳ cảnh giác".

Chính phủ Đức hồi tháng 4 đã đồng ý siết chặt các quy định bảo vệ doanh nghiệp nội khỏi các thương vụ thâu tóm bởi doanh nghiệp ngoài EU.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc trước tình hình đầu tư từ các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc tăng mạnh tại các ngành công nghiệp trọng điểm của Đức.

Theo tuoitre.vn