Thứ 4, 22/01/2025, 07:01[GMT+7]

Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến

Thứ 4, 05/01/2022 | 08:08:18
3,502 lượt xem
Đến sáng 5/1, thế giới có trên 294,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,47 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Australia tăng cao kỷ lục trong ngày 4/1.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 57,39 triệu ca mắc và hơn 850.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 237.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chỉ riêng ngày 3/1, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới COVID-19, tuy nhiên, số ca bệnh nặng hay tử vong không tăng cao trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng tại nước này. Con số 1 triệu ca mắc mới trong một ngày tại Mỹ cao hơn gấp đôi so với số ca mắc mới ghi nhận theo ngày tại bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào khác ở bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm.

Sự gián đoạn thống kê số ca nhiễm trong kỳ nghỉ lễ được cho là một phần nguyên nhân khiến số ca mắc mới trong ngày 3/1 bị cộng dồn và tăng vọt. Tuy nhiên, số liệu thực tế được nhận định là có thể còn cao hơn khi nhiều người Mỹ đang tự xét nghiệm COVID-19 tại nhà và không báo cáo kết quả xét nghiệm với cơ quan chức năng.

Theo kế hoạch, trong ngày 4/1, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ nhóm họp cùng đội phản ứng chống COVID-19 của Nhà Trắng để thảo luận cách thức đối phó với làn sóng dịch mới tại Mỹ.

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho mũi tiêm tăng cường thứ 3 với trẻ từ 12-15 tuổi, đồng thời rút ngắn khoảng thời gian giữa việc tiêm phòng đầy đủ với mũi tiêm tăng cường từ 6 tháng xuống 5 tháng. FDA cho biết đã xem xét các dữ liệu và thực tế về độ an toàn của mũi tiêm tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech do Bộ Y tế Israel cung cấp, trong đó có dữ liệu của 6.300 trẻ từ 12-15 tuổi tiêm loại vaccine này.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 4/1, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,96 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 482.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 .

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 619.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Các nhà khoa học tại Viện Các bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đại học Marseille của Pháp đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Biến thể mới này chứa 46 đột biến, khiến nó có khả năng né tránh vaccine tốt hơn và dễ lây lan hơn chủng gốc (nhưng vẫn chưa vượt qua được biến thể Omicron). Hiện có 12 ca nhiễm biến thể mới này ở gần thành phố Marseille, trong đó ca đầu tiên là người từng du lịch đến Cameroon.

Ngày 4/1, Pháp báo cáo số ca mắc mới cao kỷ lục với 271.686 trường hợp

Chính phủ Italy dự kiến sẽ ban hành các biện pháp mới về phòng chống dịch trong cuộc họp nội các dự kiến diễn ra vào ngày 5/1. Động thái này diễn ra trong bối số ca nhiễm mới COVID-19 liên quan đến biến thể Omicron đang gia tăng tại nước này.

Một trong số các biện pháp đang được cân nhắc là buộc người lao động nước này phải có "siêu thẻ xanh" (chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng) mới được đến nơi làm việc. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người lao động Italy nên làm việc từ xa để hạn chế bớt nguy cơ lây nhiễm. Ngày 4/1, Italy ghi nhận 170.844 ca nhiễm COVID-19 và 138.045 người tử vong. Gần 86% dân số trên 12 tuổi của nước này đã được tiêm vaccine đủ liều, nhưng vẫn còn hơn 5 triệu người chưa tiêm.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Australia tiếp tục tăng cao kỷ lục khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan trên cả nước. Ngày 4/1, Australia ghi nhận 47.202 ca mắc mới COVID-19, tăng gần 33% so với mức kỷ lục ghi nhận một ngày trước đó. Mặc dù chỉ ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì COVID-19 nhưng số ca nhập viện đang có chiều hướng tăng mạnh và lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng phát. Trong đó, bang đông dân nhất là New South Wales ghi nhận 1.344 người cần điều trị tại bệnh viện. Tại bang Victoria đông dân thứ hai, 25% số xét nghiệm tại các cơ sở của chính quyền cho kết quả dương tính. Bang này ghi nhận 14.020 ca mắc mới trong cùng ngày, gấp đôi con số ngày 3/1. Gần như toàn bộ bệnh nhân đang được điều trị tích cực đều chưa tiêm vaccine.

Tỷ lệ người dân tiêm đủ hai mũi vaccine lên tới 92%, giúp Australia hạn chế đáng kể số ca tử vong so với những đợt dịch trước. Tới nay, Australia đã ghi nhận tổng cộng 547.160 ca mắc và 2.270 người tử vong vì COVID-19.

Israel đã ghi nhận ca đầu tiên trên thế giới vừa nhiễm virus cúm mùa vừa nhiễm virus SARS-CoV-2. Trường hợp nhiễm kép đầu tiên trên thế giới này là một sản phụ. Bệnh nhân chưa tiêm phòng cúm và COVID-19. Bệnh nhân có các triệu chứng mắc bệnh thể nhẹ. Hiện người này đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt. Bộ Y tế Israel đang nghiên cứu trường hợp này để xem liệu việc nhiễm cả 2 loại virus có tăng nguy cơ bệnh trở nặng hay không.

Biến thể Omicron đang gây lo ngại trên thế giới và nhiều quốc gia đang chú trọng việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân. Israel đã chính thức cho phép tiêm vaccine COVID-19 liều thứ 4 cho người trên 60 tuổi và các nhân viên y tế. Trong đợt tiêm chủng này, Israel sẽ còn mở rộng chiến dịch thử nghiệm tiêm mũi 4 bằng một loại vaccine khác với 3 mũi trước nhằm đánh giá hiệu quả chống lại biến thể Omicron.

Loại vaccine mới sẽ được đưa vào sử dụng là của hãng Moderna, sẽ được tiêm cho những người đã được tiêm 3 mũi vaccine của Pfizer. Việc thử nghiệm còn để đánh giá tác dụng của việc sử dụng kết hợp các loại vaccine khác nhau trên cùng một bệnh nhân.

Indonesia đã quyết định cho hàng triệu học sinh đi học trực tiếp trở lại, khi các trường học trên cả nước mở cửa lại sau 18 tháng. Tại thủ đô Jakarta, hơn 10.000 trường học đủ điều kiện mở cửa trở lại vì đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều vaccine COVID-19 cho toàn bộ học sinh, hơn 80% thầy cô giáo và các nhân viên nhà trường. Các lớp học phải tuân thủ các yêu cầu về đảm bảo y tế, đó là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và tránh tập trung đông.

Hiện hình thức học trực tuyến sẽ vẫn được duy trì tại những nơi chưa đủ điều kiện mở lại trường học. Tuy nhiên, Indonesia đặt mục tiêu từ học kỳ sau sẽ yêu cầu toàn bộ học sinh có mặt tại trường. Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em độ tuổi 12-17 tuổi tại Indonesia đã bắt đầu từ tháng 7 và hiện đã có 63% các em lứa tuổi này được tiêm vaccine COVID-19.

Chính phủ Indonesia đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh, cụ thể là rút ngắn từ 14 ngày xuống còn 10 ngày đối với công dân Indonesia và du khách quốc tế đến từ các quốc gia có nhiều ca nhiễm Omicron. Còn những du khách còn lại đang phải cách ly 10 ngày sẽ được rút xuống còn 7 ngày.

Theo giới chức Indonesia, mặc dù số ca mắc biến thể Omicron đang tăng ở Indonesia nhưng sự chuẩn bị của nước này về vaccine, thuốc điều trị, cơ sở y tế và nhân viên y tế hiện đã tốt hơn so với hồi tháng 6/2021. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia vẫn kêu gọi người dân duy trì quy định như đeo khẩu trang, tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và thường xuyên rửa tay sát khuẩn, đồng thời tuân thủ các quy trình y tế.

Ngày 4/1, Hạ viện Philippines đã tiến hành phong tỏa trụ sở để hạn chế sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Theo thông báo của Tổng Thư ký Hạ viện Philippines, ông Mark Llandro Mendoza, cơ quan này đang trong quá trình phong tỏa để ngăn chặn biến thể Omicron lây lan nhằm đảm bảo an toàn cho các thành viên của Hạ viện cũng như Ban Thư ký Hạ viện và toàn thể nhân viên. Cho đến nay, Hạ viện Philippines chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron. Dự kiến, lưỡng viện quốc hội Philippines sẽ hoạt động trở lại vào ngày 17/1.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines mới đây đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng. Sau khi phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, Bộ Y tế Philippines cảnh báo, số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới. Theo thông báo từ Chính phủ nước này, các tỉnh Blacan, Cavite và Rizal lân cận thủ đô Manila đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao thứ 3 kể từ ngày 5/1. Theo các quy định mới có hiệu lực đến giữa tháng 1, những người chưa tiêm phòng phải ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần mua đồ thiết yếu hoặc tập thể dục. Các nhà hàng, công viên, nhà thờ và cơ sở thẩm mỹ sẽ phải giảm công suất hoạt động, trong khi các lớp học trực tiếp và hoạt động thể thao có tiếp xúc sẽ tạm dừng.

Ngày 4/1, Philippines ghi nhận 5.434 ca mắc mới. Đến nay, Philippines có tổng cộng hơn 2,8 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm trên 51.600 trường hợp thiệt mạng.

Số ca mắc COVID-19 được điều trị ở Singapore trong tuần qua là 1.200 bệnh nhân, so với mức đỉnh hơn 26.000 trường hợp ghi nhận trước đó. Hiện có khoảng 20 trường hợp cần chăm sóc tích cực so với 170 ca trong giai đoạn đỉnh điểm. Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, số ca tử vong do COVID-19 tại Singapore hiện ở mức thấp.

Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến - Ảnh 2.

Khoảng 41% dân số Singapore đã tiêm mũi vaccine tăng cường. (Ảnh: AP)

Theo đó, ông nhận định, tất cả những tín hiệu trên cho thấy, làn sóng dịch COVID-19 gần đây do biến thể Delta đã dần suy yếu. Để ứng phó với làn sóng lây nhiễm Omicron sắp tới, ông Ong Ye Kung nhấn mạnh, tiêm chủng và tiêm mũi vaccine tăng cường là chìa khóa chống dịch. Hiện 87% dân số Singapore đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản và 88% đã tiêm ít nhất 1 mũi. Tính tới cuối năm 2021, khoảng 41% dân số Singapore đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Hơn 20.000 trẻ em từ 9 đến 11 tuổi đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Bộ Y tế Lào ngày 4/1 thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 519 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 12 người tử vong, trong đó chỉ có 4 trường hợp là người nhập cảnh. Thông báo nêu rõ, số ca mắc mới tiếp tục giảm mạnh, ít hơn 146 trường hợp so với ngày 3/1. Đáng chú ý, chỉ sau 1 ngày giảm xuống mức 2 con số, thủ đô Vientiane ngày 4/1 lại đứng đầu cả nước khi ghi nhận số ca cộng đồng tăng lên 3 con số với 174 trường hợp.

Như vậy, đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 113.951 ca mắc COVID-19, trong đó có 403 người tử vong.

Hơn 1 triệu người ở thành phố Vũ Châu, miền Đông Trung Quốc, đã được yêu cầu ở trong nhà từ ngày 4/1 sau khi giới chức y tế ghi nhận 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không triệu chứng trong những ngày gần đây.

Bắc Kinh hiện vẫn theo đuổi chính sách "Zero COVID" với các biện pháp phong tỏa và siết chặt biên giới kể từ khi bùng phát dịch. Tuy nhiên, chiến lược này đang đối mặt với không ít sức ép khi hàng loạt ổ dịch mới bùng phát chỉ một tháng trước khi bắt đầu Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh.

Sáng 4/1, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, Hong Kong sẽ mở rộng chương trình “bong bóng vaccine” từ ngày 24/2. Các địa điểm sẽ bao gồm trường học, nhà hàng, phòng tập thể thao, rạp chiếu phim và thư viện... trong bối cảnh đặc khu này đang đẩy mạnh cuộc chiến chống lại sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đó, chỉ những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine mới được phép đến những địa điểm trên.

Phát biểu trên được đưa ra trong cuộc họp báo hàng tuần 1 ngày sau khi Cục Y tế và vệ sinh thực phẩm Hong Kong xác nhận trường hợp thứ 6 mắc biến thể Omicron trong cộng đồng.

Đại dịch COVID-19 có thể trở thành bệnh theo mùa ngay từ năm 2022, đây là nhận định được Chủ tịch Viện Khoa học Nga đưa ra. Theo đánh giá của Chủ tịch Viện Khoa học Nga, tình hình hiện nay có vẻ giống như những năm 1960, khi dịch cúm Hong Kong gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng với nhiều người mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, vaccine và thuốc điều trị đã "xuất hiện" đúng lúc và người dân thế giới đã chung sống với bệnh cúm trong 60 năm nay.

Người đứng đầu Viện Khoa học Nga cho rằng, nếu có phác đồ điều trị tốt, đáng tin cậy, dịch COVID-19 có thể sẽ bắt đầu giống như bệnh cúm thông thường ngay trong năm nay. Cũng theo Chủ tịch Viện Khoa học Nga, tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 tại Nga tương đối cao là do tỷ lệ người dân tiêm chủng thấp và hầu hết những người tử vong đều chưa tiêm vaccine.

Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đây. Theo WHO, biến thể này có ảnh hưởng đến đường hô hấp trên thay vì tác động đến phổi như các biến thể trước. Chuyên gia của WHO cho rằng, các thông tin nêu trên là tích cực. Tuy nhiên, với khả năng lây nhiễm cao, Omicron có thể trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều nước trong vài tuần tới và đây là mối đe dọa với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng không cao.

Ngoài ra, chuyên gia của WHO cũng cho rằng, còn quá sớm để đề cập việc cần một loại vaccine đặc hiệu cho Omicron. Đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện tại hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo vtv.vn