Thứ 7, 23/11/2024, 19:52[GMT+7]

Làng "nên công"

Thứ 2, 29/06/2020 | 16:16:26
5,413 lượt xem
Đến cuối thế kỷ XIV, An Tiêm trở thành thủ phủ của lộ An Tiêm gồm các huyện Thái Bình, Tây Quan, Đa Dực, A Côi. Đình làng An Tiêm thờ “Nhị vị” thành hoàng và “Ngũ vị” tổ sư của nghề rèn sắt đã đưa danh tiếng làng An Tiêm nên công nhất miền...

Đình An Tiêm - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo truyền ngôn của các cố lão Phạm Lập, Ngô Văn Xích (người làng An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy), làng An Tiêm được hình thành từ khoảng thế kỷ thứ VIII. Thủy tổ làng vốn là người vùng Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa ra khai khẩn đất hoang dựng làng, lập ấp. Các “tiên công” đặt tên làng là An Tiêm để nhớ về Mai An Tiêm, người đã biến đảo Nga Sơn hoang vu thành quê hương của dưa hấu, thương cảng sầm uất... Đến cuối thế kỷ XIV, An Tiêm trở thành thủ phủ của lộ An Tiêm gồm các huyện Thái Bình, Tây Quan, Đa Dực, A Côi. Đình làng An Tiêm thờ “Nhị vị” thành hoàng và “Ngũ vị” tổ sư của nghề rèn sắt đã đưa danh tiếng làng An Tiêm nên công nhất miền...

Theo các bậc cao niên làng An Tiêm, “Nhị vị” thành hoàng làng và “Ngũ vị” tổ sư nghề rèn sắt là những người có công với nước, với làng. Các cụ kể rằng, vào thế kỷ thứ XIII giặc Nguyên Mông xâm chiếm nước ta, vua Trần và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn làng An Tiêm và Cao Dương thuộc lộ An Tiêm làm địa điểm xây dựng căn cứ kháng chiến trong vùng cứ địa nam sông Hóa và sông Thái Bình. Làng Cao Dương (xã Thụy Hưng nay) được chọn làm “công binh xưởng” sản xuất vũ khí phục vụ quân đội nhà Trần. Làng An Tiêm có 5 phường thợ được chọn cử sang “công binh xưởng” rèn vũ khí, một phường do tổ sư Tống Đình Uyên người làng Cao Dương đảm nhiệm, bốn phường còn lại do các tổ sư Lê Đình Ngay, Bùi Đình Lãnh, Trịnh Thiên Tĩnh và Phan Đình Mỹ người làng An Tiêm phụ trách. Sau đại thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba (năm 1285, 1288), vua Trần phong cho cả 5 ông là “Tổ sư” nghề rèn quốc gia và hưởng lộc vua ban, khi mất triều đình sắc phong cho dân làng An Tiêm hương khói phụng thờ tại đình làng An Tiêm.

Theo các tài liệu khảo cứu, đình An Tiêm thờ “Nhị vị” thành hoàng là Dũng Tướng Đại Vương và Mãnh Tướng Đại Vương cùng phối thờ “Ngũ vị” tổ sư nghề rèn tại gian bên trái đình làng. Hơn bảy trăm năm qua, dân làng An Tiêm đời nối đời lập bài vị thờ các tổ sư tại đình, sau các họ Lê, Bùi, Trịnh, Phan... trong làng với 13 chi ngành khác nhau đã góp công, góp sức xây dựng từ phủ để thờ ngũ vị tổ sư. Làng An Tiêm xưa nay hàng năm đều “mở hội làng” tại đình và các miếu của làng. Thời gian mở hội thường từ 15 đến 20 tháng 3 (âm lịch). Những năm được mùa, nhân dân phấn khởi, đời sống no đủ lễ hội kéo dài đến 25 tháng 3. Ngày khai hội dân làng rước thánh từ miếu Đông, miếu Tây và ngũ vị tổ sư ở từ phủ về đình, ngày giã hội lại rước thánh về miếu. Hội làng An Tiêm có các trò chơi như vật, đánh đu, đấu võ, đi cầu kiều, bịt mắt bắt dê, chơi cờ người... Năm được mùa còn đốt cây bông, múa rối nước... Các buổi tối có gánh tuồng của ông Chánh Toại, gánh chèo của bà Nghị Cầm, của ông Bá Ruyện... có năm còn mời gánh hát của ông ba Đồi ở làng Nguyễn (Đông Hưng) về hát. Các gánh hát thi nhau tranh giải... ngoài tuồng chèo còn hát “nhà tơ”, hát chầu văn... có năm cả quan phủ, quan huyện về dự. Làng xưa có những nghệ nhân đàn giỏi hát hay như cụ Ngội, cụ Lụy... mỗi khi tiếng đàn, tiếng hát của các cụ vang lên làng như òa vỡ trong tiếng vỗ tay tán thưởng tan trong không gian... Riêng lễ hội đình An Tiêm diễn ra trong ba ngày (từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 âm lịch). Đặc biệt là nghi lễ rước Thành hoàng quanh làng và lễ dâng hương tưởng nhớ tổ sư nghề rèn, trong đó có cuộc thi thợ rèn giữa các đội rèn trong làng gắn với truyền thống làng nghề rèn An Tiêm nổi tiếng. Nghi lễ mang tính chất giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cổ động phát triển nghề rèn. Vào dịp diễn ra lễ hội, con cháu nhân dân trong làng đi làm ăn xa đều về lễ thánh. Thời xa xưa, lễ hội làng An Tiêm còn có tục “tiễn thuyền” tái hiện lại các trận chiến của các tướng quân. Lễ hội kết thúc sau 15 ngày, đêm mùng 1 tháng 4 (âm lịch) làng tổ chức lễ tiễn thuyền, các phe giáp tập trung làm các hình nộm tượng trưng cho các quan, lính... Từ ngày rằm tháng Giêng đến ngày làng vào đám mở hội dâng vào đình. Đến giờ tý (đêm ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch) lễ rước quanh làng, khi đến đầu làng (đầu dòng sông) thì những hình nộm quan quân tượng trưng cho triều đình nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông được thả xuống sông cho siêu thoát. Các bậc cao niên kể, nghi lễ rước thuyền yêu cầu mọi thành viên trong lễ rước cần phải đi lặng lẽ, dân làng chỉ được phép đứng xa nhìn, không ai được đến gần xem do kỵ húy. Chủ tế và đội bồi tế được “các cụ” trong làng họp bàn, lựa chọn kỹ lưỡng theo các tiêu chuẩn lệ xưa, yêu cầu là người “đức trọng”, gia đình song toàn “có nếp, có tẻ”, không có thành viên vi phạm pháp luật, không vướng tang bụi. Đội tế nam quan và nữ quan hàng năm thực hành công việc tế thánh tại đền và đình có 24 người. Làng An Tiêm xưa có đầy đủ các thiết chế tín ngưỡng như đình, từ đường của 8 giáp, có chùa Tây, miếu Tây, miếu Đông, chùa Đông, đền Hầu, chùa Hầu, có từ hàng phủ, từ Tư văn... An Tiêm cũng sớm có chợ... tất cả các thiết chế trên tạo cho An Tiêm trở thành một làng quê đẹp, sầm uất. Ngoài đình, chùa, đền, miếu... làng An Tiêm còn có lầu bà Nàng. Chuyện về lầu bà Nàng được kể rằng: Họ Phạm, họ nhà ông phó Luân có một vị quan làm đến thượng thư bộ Hình khâm sai đại thần, ông có một người con gái là Phạm Thị Huyền, một người con hiếu thảo, bà lấy chồng ở kinh đô, được phong Quận chúa... Chẳng may cha đẻ qua đời, bà thương nhớ cha than khóc thấu tận trời xanh, rồi lâm bệnh chết tại kinh đô. Nhà vua cho bà là người con hiếu thảo, phong cho bà là “Huệ Hoa công chúa”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, những người thợ rèn An Tiêm đã rèn mã tấu, dao găm, lưỡi lê, kiếm, bàn chông và cả súng trường. Dân làng còn nhớ tên tuổi của các nghệ nhân nghề rèn đã đúc được súng trường như Nguyễn Luy, Nguyễn Pho, Trịnh Nhương... Riêng khẩu súng của Trịnh Nhương đúc đã được đem đi triển lãm tại Quân khu 3. Những năm đầu thế kỷ XXI khi hàng hóa sản xuất theo dây chuyền công nghệ, máy móc thay sức người thì nghề rèn và sản phẩm từ làng nghề rèn truyền thống An Tiêm vẫn được duy trì phát triển, trong tiềm thức sâu xa, người nông dân Việt vẫn ưa dùng những sản phẩm do các lò rèn ở làng An Tiêm làm ra.


Cựu chiến binh Lê Minh Nguyệt, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn An Tiêm 1, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy
Làng An Tiêm có 3 thôn (An Tiêm 1, 2, 3), thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX), chúng tôi gắn trách nhiệm trưởng thôn là thành viên ban khánh tiết đình An Tiêm. Đảng ủy, UBND xã và các đoàn thể đều tham gia công tác tổ chức lễ hội: từ Mặt trận, các lão ông, lão bà, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ... được Ban tổ chức lễ hội phân công từng việc: Ban tiếp tân, ban hậu cần, ban lễ nghi, đội rước, đội tế nam quan, đội tế nữ quan. Tôi mong các cấp hỗ trợ thêm kinh phí cho người quản lý di tích để toàn tâm toàn ý ra giúp làng. Hàng năm tổ chức lễ hội thường xuyên, các cấp chính quyền hỗ trợ thêm kinh phí và công tác an ninh để bà con có những mùa lễ hội ý nghĩa, an toàn.

Cựu chiến binh Lê Quý Thiều, trưởng ban khánh tiết đình An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy
Đình An Tiêm là niềm tự hào của mỗi người dân làng An Tiêm và xã Thụy Dân. Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ơn các cụ xưa mang nghề rèn về dạy dân... chính quyền và nhân dân Thụy Dân đã bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế trẻ biết trân trọng, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của địa phương.

Ông Lê Xuân Muôn, thủ nhang đình An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy
Năm 2003, đình An Tiêm được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày 14/4/2011, đình An Tiêm vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Mới đây, bằng nguồn vốn xã hội hóa, dân làng An Tiêm phục hồi được giếng nước trước đình, đang tu bổ, sửa chữa nhiều hạng mục của ngôi đình, vừa xây dựng xong tòa nước chè, phục hồi kiến trúc đình theo nguyên bản cổ xưa là chữ “Công” thể hiện ý nghĩa làng nghề thay vì kiến trúc kiểu chữ “Nhị”.


Quang Viện