Thứ 7, 23/11/2024, 22:30[GMT+7]

Đào giếng giữa lòng khe lấy nước cho trò

Thứ 3, 07/07/2020 | 12:15:20
1,598 lượt xem
Bắt đầu từ tháng 4, nước các con suối ở bản Xà Khía, Lâm Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình đã cạn kiệt. Chưa bao giờ hạn hán đến sớm và kéo dài như năm nay.

Tìm nguồn nước cho học sinh, thầy cô và dân bản. Ảnh: Ngô Mậu Tình

Mặt đường oằn cong, bong tróc từng lớp tạo thành những làn bụi mờ mịt mỗi khi có xe đi ngang. Các đường nước dẫn về trường lặc lè chảy được hai, ba ki lô mét rồi tắc nghẽn. Suối khe trơ đáy làm lộ ra những lớp đá cuội chơ vơ rát bỏng.

Dùng nước như... gạo

Chưa năm nào nắng như năm nay. Trời lại không mưa nên nước các con suối khô cạn. Ở các bản xã Lâm Thủy, bà con Bru - Vân Kiều phải dùng can nhựa đi lấy nước cho việc ăn uống. Bà con cần kiệm sử dụng nước như chi tiêu hàng ngày vậy. Đời sống đã khó khăn, thiếu thốn mọi bề, chỉ có nước là mênh mông giàu có nhưng giờ đây nước như gạo. 

Ông Hoàng Kim, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Thủy trò chuyện: "Con khe Vàng bản Xà Khía mấy chục năm nay nước đầy ăm ắp. Năm nay, nó cạn. Mấy bụi cây Rì Rì cháy giữa lòng khe là lần đầu tiên già gặp. Có lẽ, ông trời không ưng cái bụng nên đá ở khe cũng xám đen. Mà cũng lạ, từ khi những cây lim, cây dạ cây táu, cây huệng… bị chặt hết, nước khe hình như ngày càng ít đi. Đá ngày càng lô nhô nhiều hơn".

Ở Lâm Thủy không chỉ riêng gì khe Vàng, chín con khe vào bản Bạch Đàn nước cũng đã cạn. Rồi khe Zin, khe Tăng Ký giờ trơ sỏi đá. Bà con phải đi khá xa lên phía đầu nguồn để lấy nước. Cây rừng không còn mát xanh như trước. Các quả núi chưa kịp xanh vì cây chưa kịp tốt sau khi người ta đã khai thác hàng chục héc ta rừng trồng.

Cũng như bao vùng núi khác, việc thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô vẫn thường xảy ra tại Lâm Thủy trong nhiều năm nay. Trong khó khăn, bà con dân bản đã tìm cách dẫn nước từ thượng nguồn các con suối bằng việc tận dụng cao độ và áp lực của nước. Nguồn nước sạch cung cấp cho toàn bản Xà Khía ở khe Già Miệt đã cạn kiệt từ tháng Ba. Nguồn nước do các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy khảo sát, thực hiện từ trường đến khe Zin khoảng 3 km trước đây cung cấp đủ cho hơn 200 học sinh bán trú và các hộ gia đình xung quanh nay cũng cạn.

"Cũng lạ thầy giáo ạ, trời nắng thế này mà hoa lau vẫn còn nở. Lau tàn rất chậm. Nước thì hết rồi. Không biết các thầy cô giáo làm cách nào để bảo đảm cho hơn 200 học sinh và khu nội trú giáo viên đây", ông Hoàng Kim trăn trở.

Đào giếng giữa lòng suối là câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Ảnh: Ngô Mậu Tình

Tìm nước cho học sinh

Bắt đầu từ tháng 4, sau ngày học sinh tựu trường trở lại, các thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy ngày nào cũng đi dẫn nước từ các con suối về cho khu nội trú. Vất vả lắm. Nhiều thầy da cháy đen nhưng thấy nước chảy về được là ai ai cũng cười thật tươi, để lộ hai hàm răng trắng xóa. Mà cũng phải, phục vụ cho sinh hoạt của hơn 200 học sinh tiểu học và THCS tại bán trú đâu đơn giản. 

Nước để tắm giặt, nước để vệ sinh cá nhân cần rất nhiều. Có hôm nước bị tắc, thầy cô giáo khu nội trú phải đi chở từng can nước để dội nhà cầu cho học sinh. Thương các em bố mẹ đi làm suốt tháng trên rừng, không có cái mũ để đội đầu, không có cái áo để mặc, đôi dép để đi nên các thầy cô đối xử với các em như con của mình. Tình yêu nơi biên giới là vậy. Bé nhỏ trong mỗi công việc nhưng rất đỗi nhiệt thành, yêu thương.

Sang tháng 5, nước bắt đầu cạn, thầy cô hướng dẫn học sinh ra khe Vàng để tắm, giặt. Các vũng nước đọng lại chỏng chơ trên những triền đá như thách thức, trêu ngươi. Thế là ý tưởng đào giếng giữa khe suối được hình thành. Thầy giáo Nguyễn Thanh Hiển – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy tranh thủ ý kiến góp ý của các thầy đi trước rồi bàn bạc với anh em trong hội đồng sư phạm. Quyết định thực hiện ngay và luôn sau đó.

Bí thư xã Lâm Thủy dẫn mọi người ra suối, chọn chỗ đất trũng, ít đá lộ thiên có nước ri rỉ chảy rồi bảo: "Chắc dưới này nước nhiều và có mạch chứ không phải là nước thấm bên ngoài vào".

Thế là mọi người chia công việc ra làm. Người thì liên lạc chở bi giếng dưới xuôi lên, người thì đi mượn dụng cụ. Người thì bắt lại hệ thống dây điện để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Người thì phụ trách máy bơm nước, tính toán sao cho phù hợp với đường dẫn 500m với độ cao 200m. Rồi đến công đoạn đưa 3 bi giếng xuống suối để làm thành giếng nước. Nhiều lắm những vất vả tưởng chừng không thể làm được. Nhưng công trình giếng nước giữa khe suối cuối cùng đã xong. Nước trong veo phun lên thẳng đứng trong tiếng hò reo sung sướng của toàn thể những người có mặt.

Đào giếng giữa lòng suối là câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Ba bi giếng nước đầy ắp. Có thể, trong nước là biết bao mồ hôi của các thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy. Đó là giải pháp chống hạn, đáp ứng nước cho nhu cầu của học sinh và giáo viên ở nội trú trong mùa hè nắng nóng nảy lửa này. 

Sáng kiến sẽ được sử dụng trong năm nay và nhiều năm khác khi chúng tôi đã tính toán được việc chống trôi khi mùa mưa lũ đến. Câu chuyện đi dẫn nước, bắt nước và hôm nay là đào giếng giữa khe suối, là câu chuyện chân thật, cảm động. Câu chuyện này được viết bởi tình yêu, sự sáng tạo của đội ngũ với công việc và học sinh thân yêu của mình.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày