Hương sắc Văn Quan
Làng Văn Quan được “thiên hạ” biết đến với nghề làm “hương đen” (hương được làm từ “than” của một loại thảo mộc, pha dược liệu quý). Trải bao đời dân làng không nhớ rõ, chỉ biết rằng “sắc hương” có màu đen đặc trưng của than thảo mộc khi đốt hương khói bảng lảng như sương chiều, mùi thơm tỏa lan ngào ngạt, thấm đậm mặn ngọt đời người, thơm cay của thảo dược tinh hoa đất trời, ngất ngây hương vị đồng quê như “gói” cả thiên nhiên hòa quyện trong làn khói mỏng lâng lâng, say đắm lòng người…
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu, 72 tuổi thuộc lớp người cao niên của làng kể lại, từ lúc còn nhỏ ở quê đến khi gia nhập quân đội vào Nam chiến đấu, ông đã nhiều năm tham gia làm hương tại gia đình. Cụ ông, cụ bà thân sinh ra ông cũng chỉ kể cho cháu con nghe về truyền thống gia đình nhiều đời làm nghề “se” hương, tuyệt nhiên không nhắc đến “tổ nghề”. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chia tay quân ngũ, khoác ba lô về quê cũng là lúc ông gắn bó với nghề làm hương. Hiện tại các con, cháu ông cũng đều “theo nghiệp” cha ông, tiếp tục nghề làm hương. Cũng giống như một số làng nghề khác, việc bí truyền kỹ thuật làm hương cũng có những quy ước ngặt nghèo như không truyền bí quyết nghề cho con gái, cho người ngoài làng…
Theo các nguồn khảo luận, Văn Quan vốn là làng cổ, thời Lê một phần thuộc Kiều La thôn, tổng Thượng Bái. Cách làng Văn Quan không xa là các đền, đài, miếu, phủ thời Lý - Trần và xa hơn nữa… Văn Quan nằm trong khu vực quanh năm có lễ hội làng, lễ hội vùng, do vậy nhu cầu dùng hương thơm trong nghi lễ thờ cúng đã thúc đẩy nghề làm hương ở Văn Quan phát triển. Cũng theo nguồn khảo luận, các chùa chiền trong vùng thường tự trồng cây hương bài, đây là loại cây thân thảo, có bộ rễ chùm phát triển, chịu hạn, rễ có mùi thơm nên nhân dân trồng lấy rễ làm hương. Cây hương bài dâm nhánh vào mùa xuân, mùa hạ sinh trưởng và mùa đông cho thu hoạch. Khi thu hoạch, người dân nhổ cây cả rễ, sau đó cắt phần thân lá bỏ đi, rửa sạch củ và rễ cây đem phơi khô. Khi rễ cây hương bài đã khô, cho rễ vào bàn nghiền hoặc cối đá tán nhỏ, cất trữ bột vào hũ sành dùng dần. Khi làm hương, bột hương bài là nguyên liệu chính để “se” hương. Thông thường người ta lấy tăm tre nhúng dầu trám có pha dược liệu hoặc dùng giấy mỏng quấn bột hương bài xung quanh rồi se thành từng nén. Nén hương bài có mùi thơm mát song do se tay và nguyên liệu có hạn nên chỉ đủ dùng cho “bản gia”, không trở thành hàng hóa. Để hương trở thành hàng hóa trao đổi, người làm hương Văn Quan vẫn duy trì truyền thống hương thảo mộc “pha dược liệu” quý như quế chi, trầm hương, xạ hương… Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, những hộ làm hương thủ công ở Văn Quan bây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, bởi đa số đều đã chuyển sang sử dụng máy móc để nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất. Để chất lượng hương giữ được giá trị truyền thống, người làm hương Văn Quan hầu như vẫn giữ quy trình và bí quyết làm hương từ bao đời truyền lại. Bột hương (nguyên, dược liệu) làm hương của làng Văn Quan là tập hợp của nhiều loại thảo mộc và cả các vị thuốc Bắc như Tùng Bạch chỉ, Trắc Bách diệp, Trầm, Hồi, Quế chi, Cam thảo…
Theo các nghệ nhân, để làm được loại bột hương chất lượng họ phải cân bằng tỷ lệ giữa các loại thảo mộc như “thầy lang bốc thuốc”, thực hiện đúng nguyên tắc nén hương mới đạt chuẩn chất lượng truyền thống, hương mới thơm, tàn mới đượm.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu cho biết thêm: Nguyên liệu làm hương đen gia truyền của gia đình ông chủ yếu là thân cây đỗ tương, cây hương bài mang đốt lấy tro, rây thành bột mịn. Dây keo được nghiền thành bột sau đó trộn lẫn với các loại thảo mộc quý như: Xuyên quy, Xuyên Đại hoàng, Trắc Bách diệp, Hoàng đàn, Tùng Bạch chỉ, Đinh hương...
Theo ông Sửu, tùy cách pha chế, phối trộn nguyên liệu của từng nghệ nhân mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau. Các công đoạn từ pha chế, se, nén đều được làm bằng tay (thủ công). Hiện nay, nhiều gia đình đã đầu tư máy móc giải phóng sức lao động một số công đoạn nhằm tăng năng suất. Tuy nhiên, hương làm bằng tay vẫn được người tiêu dùng “khó tính” ưa chuộng, đặt hàng. Hương làm xong được phơi dưới nắng gió để làm khô từ từ, giữ màu sắc và giữ nguyên mùi thơm đặc trưng từ các nguyên liệu thiên nhiên. Nếu gặp trời nắng thì phơi một ngày, trời không có nắng thì phải phơi từ 2 - 3 ngày. Người làm hương tuyệt đối không dùng lửa (nhiệt cưỡng bức) để làm khô hương (sấy hương) vì cách làm này sẽ vô tình mất mùi thơm tự nhiên của dược liệu.
Từ thực tế làng nghề truyền thống làm “hương đen” Văn Quan, kết quả điền dã cho thấy, người dân làng nghề hương Văn Quan luôn có ý thức bảo tồn, trao truyền bí quyết nghề từ thế hệ này đến thế hệ khác, luôn duy trì song hành nghề hương cùng với nghề trồng lúa nước, giao kết với các hộ làm thương mại phân phối sản phẩm hương đến các vùng miền trong cả nước. Thực tế đặt ra vấn đề dù làng Văn Quan vẫn giữ được nghề truyền thống làm hương đen nhưng hiện nay thị trường trong nước thu hẹp, thị trường ngoài nước tiêu thụ khá lớn loại hương sản xuất bằng máy, mẫu mã đẹp nhưng không dùng thảo mộc và dược liệu cộng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa tác động rất mạnh đến sản phẩm hương truyền thống và khiến cho làng nghề hương truyền thống Văn Quan gặp không ít khó khăn, đặc biệt quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hương thảo mộc tự nhiên. Vì đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ và cũng để bảo tồn vốn sản xuất, kinh doanh mà một số hộ gia đình mặc dù nỗ lực, cố gắng giữ nghề làm hương truyền thống nhiều đời nhưng do tác động cơ chế thị trường cũng đã chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm hương không truyền thống (không dùng thảo mộc và dược liệu) phục vụ xuất khẩu. Làng nghề thủ công truyền thống làm hương không chỉ riêng Văn Quan đang có nguy cơ mai một.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu, 72 tuổi, thôn Văn Quan, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà Cá nhân tôi nhận thức được chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với làng nghề truyền thống nói chung, làng nghề thủ công truyền thống trong những năm qua đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để các ngành nghề phát triển, đặc biệt là nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề thủ công truyền thống như làng hương Văn Quan chúng tôi tồn tại và phát triển đúng hướng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển và thay đổi diện mạo nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Chị Chu Thị Thía, chủ cơ sở làm hương Hoàn Thành, thôn Văn Quan, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà Tôi làm dâu làng Văn Quan hơn 10 năm nay, do làm dâu nên được các cụ truyền nghề làm hương. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường hương xuất khẩu đi đôi với phát triển kinh tế gia đình nên gia đình tôi quyết định đầu tư mua sắm máy móc sản xuất thay thế lao động chân tay nhằm tăng năng suất đồng thời cũng đa dạng hóa sản phẩm. Sản phẩm hương đen truyền thống của Văn Quan, gia đình tôi vẫn sản xuất, tuy nhiên vì hương đen đòi hỏi khắt khe về nguyên liệu và nguồn dược liệu quý phải nhập khẩu nên giá thành sản phẩm quá cao, quá trình sản xuất thủ công chủ yếu bằng tay nên cơ sở sản xuất của gia đình tôi chuyển hướng sản xuất mặt hàng hương bằng máy. Anh Nguyễn Văn Huyên, người làm hương truyền thống thôn Văn Quan, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà Để giữ nghề truyền thống hương đen, gia đình tôi kiên quyết không mua và pha nguyên liệu hóa chất gây ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người tiêu dùng. Mặt hàng hương đen truyền thống do gia đình tôi sản xuất vẫn bằng than của cây đỗ tương nhập từ các tỉnh miền Trung, tăm hương nhập từ quận Hà Đông (Hà Nội), dầu trám và các loại dược liệu quý khác từ các tỉnh miền núi phía Bắc. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng