Thứ 5, 02/05/2024, 06:44[GMT+7]

Như hành trình "cá chép vượt vũ môn"

Thứ 6, 12/11/2010 | 11:09:37
2,028 lượt xem
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Y tế đã trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn có lúc tưởng phải dừng lại. Bền bỉ củng cố và đổi mới phát triển, Trường Cao đẳng Y tế nay đang khoác trên mình một diện mạo mới. Có thể ví hành trình mà thầy và trò nhà trường đã và đang theo đuổi là hành trình của “Cá chép vượt Vũ Môn”...

Hội thi học sinh giỏi. Ảnh: Trần Thu Hương

Từ tinh thần quyết tâm đổi mới

 

Nếu không tính đến những gian nan của ngày đầu mới thành lập, giai đoạn 1995- 2000 chính là giai đoạn khó khăn nhất từ sau khi thành lập trường. Khó khăn về chỉ tiêu đào tạo, cơ sở vật chất không được đầu tư,  quy mô đào tạo của trường giai đoạn này rơi xuống chỉ còn hai ngành đào tạo là y sỹ và y tá sơ cấp với số học sinh ít ỏi 150-200.

 

Đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu việc làm, nhiều người rục rịch muốn chuyển công tác. Trước thực tế đó, có nhiều ý kiến cho rằng nên sát nhập trường vào Đại học Y Thái Bình, có ý kiến nên thu nhỏ quy mô trường. Làm gì để đưa nhà trường thoát khỏi “cơn bĩ cực”? Bài toán không dễ được đặt ra với một nhà trường đã có gần 40 năm xây dựng và phát triển. “Đổi mới”, hai tiếng ấy vang lên như hồi chuông thôi thúc cả tập thể có lúc tưởng đã ngủ quên.

 

Đảng bộ, Ban giám hiệu nhà trường quyết tâm chấn chỉnh đội ngũ, tập trung lãnh đạo các mặt hoạt động trong đó việc làm đầu tiên là tuyển dụng và nâng chất lượng cán bộ, giáo viên, thực hiện các giải pháp nâng chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất. Với các giải pháp này, nhà trường dần trở lại ổn định.

 

Đang trên đà thay da, đổi thịt, bác sĩ, thạc sĩ Phạm Quang Hòa trong vai trò Hiệu trưởng nhà trường đã lãnh đạo đơn vị tiếp tục thực hiện những bước đột phá trong mở rộng quy mô, nâng chất lượng đào tạo. Mang trong mình cốt cách của người thầy thuốc, thầy giáo, nhưng Hiệu trưởng Phạm Quang Hòa có tư duy năng động của một nhà kinh tế. Không thích nói cho mọi người biết, chỉ thích làm cho mọi người thấy và điều người Hiệu trưởng quan tâm trên hết là tính thực tiễn trong quá trình đào tạo. 

 

Lý giải cho quan điểm tại sao phải lấy thực tiễn làm nền tảng đào tạo, anh cho biết nhiệm vụ của trường là đào tạo ra những y tá, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh..., đó chính là đội ngũ thực hành kỹ thuật tại bệnh viện trong suốt quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân, chỉ có thực tiễn mới đánh giá được tay nghề và khả năng chuyên môn. Chính vì vậy, người Hiệu trưởng trẻ đã lãnh đạo tập thể của mình thực hiện các nhiệm vụ thiết thực nhằm nâng chất lượng dạy và học. Nhiều lượt giáo viên được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước về chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng giảng dạy nâng lên rõ rệt.

 

Học sinh, sinh viên thực sự bước vào con đường vừa học, vừa tập. Học lý thuyết trên lớp, tập thực hành tại các địa bàn thực tập. Các phương pháp đánh, giá, lượng giá hiện đại như thi trắc nghiệm trên máy tính, thi thực hành bằng hình thức nhiều trạm được áp dụng trong thi cử.

 

Thi học sinh giỏi, đây không phải là hoạt động thường thấy ở các trường chuyên nghiệp, song nhà trường đã duy trì tốt hoạt động này được 8 năm. “Đối thoại trực tiếp giữa cán bộ, giảng viên với học sinh, sinh viên” cũng là hoạt động được nhà trường tổ chức thường xuyên những năm gần đây. Tất cả các hoạt động trên không chỉ thúc đẩy, động viên học sinh, sinh viên hăng hái học tập mà còn thực sự phát huy được tính độc lập trong người học, nguyên tắc đào tạo “lấy học sinh làm trung tâm” được tôn trọng triệt để. 

 

Kết quả và định hướng phát triển

 

Với những nỗ lực trong thực hiện các giải pháp nâng chất lượng, quy mô đào tạo của Trường không ngừng tăng hàng năm. Nếu như năm 2001, Trường chỉ đào tạo 2 ngành trung cấp với số lượng 200 học sinh. Số lượng đào tạo đã tăng dần lên 250, 450, 600, 800 học sinh các năm sau. Đến 2007, số học sinh, sinh viên toàn trường đã lên đến 1000, các loại hình đào tạo cũng đa dạng không còn dùng lại ở con số 2 khiêm tốn mà đã tăng lên 6.

 

Năm 2008, sau khi nâng cấp thành trường Cao đẳng, Trường tiếp tục xây dựng đề án mở mã ngành Cao đẳng điều dưỡng chính quy và liên thông. Cơ sở vật chất được tăng cường, nhà thực hành 3 tầng được đầu tư xây dựng, phòng máy tính, thư viện và mô hình, trang thiết bị dạy học được nâng cấp, bổ sung. Đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng được tuyển dụng thêm.

 

Năm 2008 trường có 30 biên chế, năm 2010 đã tăng lên 50 biên chế, 30 hợp đồng và hợp đồng 15 giảng viên cơ hữu, ngoài ra nhà trường còn mời 45 giảng viên thỉnh giảng có chất lượng từ các trường Đại học y, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Kinh tế, Đại học điều dưỡng Nam Định và các bệnh viện trong tỉnh. Đến nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ trên đại học đạt trên 30%.

 

Hiện nay nhà trường có 2 ngành đào tạo cao đẳng, 7 ngành trung cấp (điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên xét nghiệm, y sỹ đa khoa định hướng y học dự phòng và y học cổ truyền, y sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, dược sỹ), quy mô đào tạo 2300 học sinh, sinh viên. Có tới 30% số học sinh, sinh viên theo học tại trường là người tỉnh ngoài.

 

Quyết tâm xây dựng Trường trở thành môi trường đào tạo văn minh, chuyên nghiệp, song song với việc nâng chất lượng đào tạo, Nhà trường đang tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội, trong đó nhiệm vụ năm tới là đề nghị thẩm định mở mã ngành Cao đẳng hộ sinh và trung cấp dân số, y tế. Trong đề án “Xây dựng và phát triển trường giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến 2010” đã được UBND tỉnh phê duyệt, Định hướng của nhà trường đến năm 2015 đạt 3000 học sinh, sinh viên, năm 2020 đạt 3500.

 

Để đáp ứng được nhu cầu đào tạo này, số lượng cán bộ, giảng viên nhà trường sẽ tăng lên hơn 100 biên chế cùng hàng trăm giảng viên thỉnh giảng được mời từ các cơ sở khác. Khi đó nhà trường không chỉ đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành y tế mà còn mở rộng đào tạo đáp ứng như cầu nhân lực y tế cho y tế trường học, nhà máy, xí nghiệp, đáp ứng y tế ngoài công lập và nhu cầu xã hội, xuất khẩu lao động (làm y tá, khám hộ công cho các bệnh viện Mỹ, Nhật, Đài Loan...), đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão trong và ngoài nước...

 

Để đáp ứng nhu cầu thực hành, trường cũng thành lập Bệnh viện thực hành 100-150 giường bệnh, khi đó diện tích nhà trường cũng sẽ được mở rộng đáp ứng nhu cầu xây dựng mới cơ sỏ vật chất phục vụ cho các kế hoạch trên.

 

Khó khăn chưa hết, dự định còn nhiều, song kết quả của những đổi mới trong nâng chất lượng đào tạo của Nhà trường đang hiển hiện rõ. Uy tín và thương hiệu của nhà trường cũng ngày càng được khẳng định không chỉ ở phạm vi tỉnh. Thầy và trò Trường Cao đẳng Y tế vẫn đang bền bỉ cùng nhau tiến bước trên hành trình chinh phục tri thức và khoa học kỹ thuật.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa