Thứ 6, 22/11/2024, 11:49[GMT+7]

Thỏa thuận lịch sử giữa Israel với UAE và Bahrain khép lại nhiều thập niên thù hằn

Thứ 5, 17/09/2020 | 07:55:26
2,485 lượt xem
Đồng ý khép lại nhiều thập niên thù hằn, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE và Bahrain đã chính thức thiết lập quan hệ với Israel. Lễ ký đã diễn ra tại Nhà Trắng, Mỹ.

Tổng thống Donald Trump trong lễ ký thỏa thuận hòa bình giữa Israel và 2 quốc gia vùng Vịnh tại Nhà Trắng ngày 15/9/2020. Trong ảnh, từ trái sang phải, Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain Khalid bin Ahmed Al Khalifa, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Ngoại giao UAE Abdullah bin Zayed al-Nahyan. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump ca ngợi, đây là bước tiến lớn hướng tới một tương lai mà ở đó mọi người dân thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc sẽ cùng chung sống hòa bình và thịnh vượng.

Với các thỏa thuận này, UAE và Bahrain trở thành các quốc gia Arab thứ ba và thứ tư bình thường hóa quan hệ với Israel, sau Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu: "Ngày hôm nay là một bước ngoặt của lịch sử. Trong hàng nghìn năm, người Do Thái đã cầu nguyện cho hòa bình. Trong nhiều thập kỷ, Nhà nước Do Thái cũng cầu nguyện cho hòa bình. Và đây là lý do tại sao chúng ta cần biết ơn sâu sắc ngày hôm nay đến như vậy".

Ông Abdullah bin Zayed al-nahyan - Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất nhấn mạnh: "Tôi đứng ở đây hôm nay để đón nhận bàn tay hòa bình. Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi trong lòng Trung Đông, một sự thay đổi sẽ mang lại hy vọng trên toàn thế giới".

Ông Abdullatif al Zayani - Ngoại trưởng Bahrain tuyên bố: "Thỏa thuận hôm nay là một bước quan trọng đầu tiên. Nhiệm vụ bây giờ của chúng ta là làm việc tích cực và khẩn trương nhằm mang đến một nền hòa bình lâu dài và an ninh cho các dân tộc mà họ xứng đáng được hưởng. Một giải pháp hai nhà nước công bằng, toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel sẽ là nền tảng cho hòa bình ở khu vực".

Thỏa thuận lịch sử giữa Israel với UAE và Bahrain khép lại nhiều thập niên thù hằn - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump ca ngợi, đây là bước tiến lớn hướng tới tương lai. Ảnh: AP

Cách tiếp cận mới trong vấn đề hòa bình Trung Đông

Hai thỏa thuận lần này có một điểm chung, đó là vai trò trung gian của Mỹ, với một cách tiếp cận mới trong vấn đề hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, giới quan sát ở Vùng Vịnh đang rất thận trọng đánh giá những tác động của ván cờ mới giữa Israel và các nước Arab, do vẫn còn những lo ngại các bản thỏa thuận được ký kết bỏ qua các quyền lợi của người Palestine trong tổng thể tiến trình hòa bình tại Trung Đông.

Theo thống nhất giữa ba bên, Israel, UAE và Mỹ thì Nhà nước Do Thái sẽ tạm ngừng sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây của người Palestine, đồng thời tập trung các nỗ lực mở rộng quan hệ với các nước Arab và Hồi giáo khác. Các bên sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được một giải pháp công bằng, toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Thỏa thuận Abraham đã bỏ qua một nguyên tắc được tôn trọng lâu nay trong thế giới Arab, đó là các quốc gia Arab sẽ không công nhận Nhà nước Do Thái cho đến khi cuộc xung đột Israel - Palestine được giải quyết. Một Nhà nước Palestine độc lập được xây dựng ở Bờ Tây và Dải Gaza, những vùng lãnh thổ mà Israel đã chinh phục trong cuộc chiến năm 1967.

Giới lãnh đạo Palestine đã phản đối kịch liệt thỏa thuận này vì cho rằng nó "bỏ qua các quyền lợi của người Palestine, khiến mục tiêu thành lập một nhà nước độc lập của người Palestine trở nên xa vời hơn".

Thỏa thuận lịch sử giữa Israel với UAE và Bahrain khép lại nhiều thập niên thù hằn - Ảnh 2.

Theo thống nhất giữa ba bên, Israel, UAE và Mỹ, thì Nhà nước Do thái sẽ tạm ngừng sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây của người Palestine.

Nhưng Mỹ, kiến trúc sư chính của thỏa thuận, lại cho rằng, việc các quốc gia Arab làm hòa với Israel không làm giảm nhu cầu tiến tới hòa bình với người Palestine. Và rằng, thỏa thuận Abraham còn mang lại động lực tích cực cho giới lãnh đạo Palestine để bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Israel nhằm chấm dứt xung đột. Với Nhà Trắng, cách tiếp cận để giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine lâu nay đã trở nên lỗi thời, khiến cả khu vực Trung Đông mắc kẹt trong vòng xoáy bạo lực.

Ba nhà lãnh đạo bắt đầu viết một trang mới cho một Trung Đông mới

Ông Jared Kushner - Cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ khẳng định: "Tôi tin rằng thỏa thuận này có khả năng thay đổi toàn bộ diễn biến của Trung Đông. Những thập kỷ qua, chúng ta đã trải qua xung đột, chiến tranh và chia rẽ, nhưng ba nhà lãnh đạo đã đến với nhau và họ bắt đầu viết một trang mới cho một Trung Đông mới".

Liên Hợp Quốc cũng hy vọng về thỏa thuận này. Ông Nickolay Mladenov - Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tiến trình hòa bình Trung Đông cho rằng: "Thỏa thuận giữa Israel và UAE cũng có khả năng thay đổi động lực cho toàn khu vực, nó tạo ra những cơ hội hợp tác mới vào thời điểm Trung Đông và thế giới đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 và quá trình cực đoan hóa. Nó sẽ tạo ra cơ hội cho kinh tế và hòa bình".

Tuy nhiên, việc bỏ qua lợi ích sống còn của Palestine trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel là một bước đi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã lên tiếng phản đối các thỏa thuận này. Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ngày hôm qua tái khẳng định, chỉ khi nào Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng thì Trung Đông mới có hòa bình.

Những mâu thuẫn chồng chất tại Trung Đông không dễ gì hóa giải qua 1, 2 thỏa thuận, nhưng chí ít Trung Đông giờ cũng bớt đi sự đối đầu.

Trái ngược với dự đoán khi ông Trump mới lên nắm quyền rằng, Trung Đông sẽ đỏ lửa, xung đột sẽ gia tăng, Tổng thống Mỹ đang làm được những điều mà những người tiền nhiệm của ông không làm được.

Đây cũng được nhận định là cơ hội để làm nổi bật uy tín của ông Donald Trump với tư cách là người kiến tạo hòa bình trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 50 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo vtv.vn