Thứ 6, 22/11/2024, 05:39[GMT+7]

9/10 bệnh nhân hồi phục sau COVID-19 gặp phải các di chứng

Thứ 4, 30/09/2020 | 08:06:43
2,148 lượt xem
Trong 10 bệnh nhân COVID-19, có tới 9 người gặp phải các di chứng sau khi hồi phục. Đây là kết quả từ một nghiên cứu sơ bộ do Hàn Quốc mới tiến hành.

Bệnh nhân COVID-19 sau khi hồi phục có thể phải chịu các di chứng lâu dài. (Ảnh: AP)

Nghiên cứu được tiến hành với 965 bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 879 (tương đương 91,1%) xác nhận đang chịu ít nhất một trong những di chứng từ căn bệnh này. Trong đó, tình trạng mệt mỏi là di chứng phổ biến nhất, tiếp đó là việc khó tập trung. Các di chứng khác bao gồm ảnh hưởng đến tâm lý và mất cảm giác mùi vị.

Các nhà nghiên cứu cho biết, dù đây mới là kết quả sơ bộ từ khảo sát trực tuyến nhưng Hàn Quốc sẽ sớm công bố các phân tích chi tiết nhằm giúp ích cho quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19.

Không phải bệnh nhân nào phục hồi sau COVID-19 cũng phải chịu di chứng. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm đang không ngừng tăng cao, đồng nghĩa với việc nhiều người trong số họ sẽ bị ảnh hưởng lâu dài dù khỏi bệnh. Các chuyên gia ý tế từ Đại học Y khoa Chicago, Mỹ nhận định, có thể các ca bệnh nhẹ sẽ không để lại di chứng, nhưng đối với những trường hợp nặng, chức năng phổi sẽ không thể trở về như ban đầu. Thậm chí, có dấu hiệu tổn thương phổi ở những bệnh nhân nặng.

9/10 bệnh nhân hồi phục sau COVID-19 gặp phải các di chứng - Ảnh 1.

Di chứng có thể xảy ra đặc biệt đối với bệnh nhân nặng. (Ảnh: AP)

Một nghiên cứu của Bệnh viện Princess Margaret ở Hong Kong (Trung Quốc) với 12 trường hợp đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 cho thấy, có 3 người không thể đi bộ nhanh do bị khó thở. Nghiên cứu này dự đoán, một số bệnh nhân có thể giảm 20 - 30% chức năng phổi. Theo thống kê, ngay cả khi được coi là đã phục hồi, nhiều bệnh nhân sẽ trải qua hội chứng hậu nhiễm virus như ho nhẹ, mệt mỏi, đau khớp.

Giám đốc điều hành của Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Mike Ryan, cho biết, thông thường sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, người bệnh mất khoảng 6 tuần để hồi phục. Con số này sẽ lên tới vài tháng nếu người đó mắc bệnh nặng hoặc đi kèm với bệnh nền.

Trên thực tế, những người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ có các kháng thể giúp họ chống lại virus, nhưng vẫn chưa rõ thời gian được miễn dịch kéo dài bao lâu. Do đó, theo WHO, có khả năng là bệnh nhân âm tính giả hoặc cơ thể không sản sinh đủ kháng thể để chống lại virus trong lần tiếp xúc sau đó.

Bên cạnh đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Royal Free Hospital và Trường Y Đại học London của Anh từng đưa ra cảnh báo rằng, những người bị nhiễm cúm có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn 57% so với những người không bị cúm. Do cùng được xếp vào loại virus đường hô hấp nên nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 sẽ có mối liên quan tới các chứng bệnh rối loạn tâm trạng.

Trong khi đó, các chuyên gia tim mạch lo ngại rằng, COVID-19 có thể gây hại lâu dài cho tim. Một nghiên cứu trên 420 bệnh nhân người lớn của Đại học Vũ Hán, Trung Quốc được đăng tải trên tạp chí Jama Cardiology của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho rằng, 1/5 số bệnh nhân xuất hiện tổn thương tim kéo dài.

Ngoài ra, Đại học Y khoa Colorado của Mỹ cũng đưa ra dự đoán, dịch bệnh chết người này có thể gây ra các bệnh thần kinh do tổn thương mô não và dây thần kinh cho người bệnh.

Theo vtv.vn