Thứ 2, 07/10/2024, 17:43[GMT+7]

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Thứ 6, 02/10/2020 | 09:01:03
2,634 lượt xem
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò nòng cốt của các tổ chức nhân đạo, việc triển khai các hoạt động trợ giúp người yếu thế ở Thái Bình những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Báo Thái Bình phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Hội Doanh nhân nữ tỉnh, Hội Phụ nữ Công an tỉnh trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho gia đình em Phạm Thùy Linh (xã Quỳnh Bảo, huyện Quỳnh Phụ).

Trao những chiếc “cần câu”

Là một trong những cơ sở tiêu biểu hoạt động theo mô hình xen kép tại cộng đồng, Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ may mặc người khuyết tật (NKT) xã Vũ Lễ (Kiến Xương) tạo việc làm cho nhiều lao động là NKT. Anh Nguyễn Đức An, công nhân Công ty cho biết, vì sức khỏe yếu, khó khăn trong việc đi lại nên anh không làm được những việc nặng nhọc. Sau khi được tạo điều kiện làm việc tại Công ty, anh rất vui vì có việc làm, thu nhập, đủ khả năng nuôi sống bản thân và còn giúp đỡ gia đình.

Thái Bình hiện có trên 10 vạn NKT. Hiện nay, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã và đang triển khai hoạt động dạy nghề cho NKT qua hai hình thức: dạy nghề tập trung và dạy nghề xen kép tại cộng đồng, chủ yếu là các nghề như may công nghiệp, đan, thêu, móc, mộc dân dụng, tranh đá quý, làm chổi đót, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bằng các hình thức này, mỗi năm đã có hàng trăm NKT được học nghề. Từ năm 2013 đến nay, Hội và các cơ sở đã tổ chức dạy nghề cho hơn 2.000 NKT, kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, những năm qua, Hội Người mù tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh đã tổ chức được hàng trăm lớp dạy nghề tẩm quất, tăm tre, chổi đót, đan làn ni lông... cho hàng nghìn lượt hội viên. Riêng Hội Người mù tỉnh đã mở 35 cơ sở nghề với tổng doanh thu đạt trên 14 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có trên 400 người mù làm nghề tẩm quất tại 41 cơ sở với mức thu nhập ổn định từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Qua hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 80% năm 1992 xuống còn 18% năm 2020 (theo chuẩn mới).

Chung tay, góp sức hỗ trợ người yếu thế

Vận động nguồn lực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các tổ chức nhân đạo tập trung thực hiện. Với phương châm “Vì mọi người, ở mọi nơi”, trong giai đoạn 2015 - 2020, các cấp hội chữ thập đỏ đã làm tốt công tác đối ngoại, tìm kiếm nhà đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước, huy động được nhiều nguồn lực. Điển hình như dự án Habitat triển khai tại 5 xã thuộc hai huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư và thành phố Thái Bình với số tiền 3,2 tỷ đồng; dự án hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo học giỏi do Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) và Quỹ Phát triển giáo dục (EDF) tài trợ cho 2.748 học sinh trị giá 7,7 tỷ đồng; dự án “Ngân hàng bò giống” của Quỹ Thiện tâm hỗ trợ 450 con bò giống sinh sản cho các hộ dân nghèo... 

Từ các dự án, hàng nghìn người dân nghèo ở các địa phương đã được hỗ trợ sinh kế, xây, sửa nhà, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Gia đình chị Bùi Thị Phương, xã An Vinh (Quỳnh Phụ) là một trong những hộ được hưởng lợi từ dự án Habitat. Sau nhiều năm phải đi ở nhờ, cuối năm 2018 gia đình chị đã có ngôi nhà kiên cố, khang trang. Chị Phương cho biết, gia đình chị được dự án hỗ trợ không hoàn lại 30 triệu đồng và cho vay 20 triệu đồng với lãi suất thấp để xây nhà. Có nhà mới, gia đình chị không phải đi ở nhờ nữa và có điều kiện phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái ăn học.

Hướng về cộng đồng, hướng tới những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các tổ chức nhân đạo trong tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo, trợ giúp các đối tượng khó khăn, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái. Trong đó phải kể đến chương trình trao gạo hỗ trợ các địa chỉ đỏ của các cấp hội chữ thập đỏ. 

Ông Lê Duy Quang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Hiện tại, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh đang bảo trợ thường xuyên 950 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 10kg gạo. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, hộ sản xuất, kinh doanh cùng chung tay để hoạt động ý nghĩa này ngày càng có sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Phấn đấu đến năm 2021 toàn tỉnh sẽ có trên 1.000 gia đình, đối tượng được nhận gạo.

Cùng với các cấp hội chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Hội Người mù tỉnh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh cũng tích cực giúp đỡ những đối tượng yếu thế bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng tổ chức. Trong giai đoạn 2015 - 2020, các đơn vị đã kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng gần 300.000 suất quà; sửa chữa và xây mới trên 700 ngôi nhà tình nghĩa, tình thương; thực hiện tẩy độc cho gần 3.000 nạn nhân chất độc da cam; khám chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn người nghèo, người cao tuổi, đối tượng chính sách; tặng hàng nghìn xe lăn, xe lắc, hàng trăm sổ tiết kiệm, trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt... cho người nghèo, NKT, trẻ mồ côi, người khiếm thị, nạn nhân chất độc da cam. Với sự giúp đỡ đa dạng, linh hoạt, những đối tượng yếu thế ngày càng vơi bớt khó khăn, có thêm niềm tin, động lực để vươn lên trong cuộc sống.

Tùy từng nhóm đối tượng yếu thế, các tổ chức nhân đạo sẽ lựa chọn trao “cần câu” hay “con cá”. Từ những hoạt động này càng khẳng định rõ vai trò nòng cốt và tính chuyên nghiệp trong hoạt động nhân đạo của các đơn vị. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người yếu thế được nâng cao. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người yếu thế ngày càng được bảo đảm, giúp họ xóa bỏ tâm lý mặc cảm, từ đó rèn luyện kỹ năng và năng lực để hòa nhập cộng đồng. Những hoạt động vì người yếu thế được thực hiện ngày một bền vững và được nhân ra diện rộng. Qua đó kết nối tình yêu thương, khơi dậy lòng nhân ái, tạo sức hút, sự lan tỏa để cả cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ những người yếu thế, thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa con người với con người để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thu Trang