Thứ 3, 21/05/2024, 11:59[GMT+7]

Thượng Hiền: Làng nghề hối hả quanh năm

Thứ 6, 09/10/2020 | 09:23:21
3,987 lượt xem
Nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai, hầu hết người dân có việc làm trong lúc nông nhàn. Đó là những kết quả đạt được từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế đã được cấp ủy, chính quyền xã Thượng Hiền (Kiến Xương) triển khai trong suốt thời gian qua.

Ông Phạm Văn Du, chủ doanh nghiệp tư nhân mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Dinh Doanh và Công ty TNHH Du Dương tạo việc làm thường xuyên cho 500 lao động.

Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các ban, ngành, đoàn thể ở Thượng Hiền đã tập trung vận động nhân dân phát huy nội lực, tận dụng nghề truyền thống phát triển rộng toàn xã, trở thành nghề chính ở địa phương. 

Ông Phạm Bá Long, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như quan điểm, bài học về công tác dân vận của Đảng, những năm qua, xã Thượng Hiền không ngừng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các phương thức, hoạt động về công tác dân vận sao cho phù hợp với tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thông qua công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phát triển rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình nhất là phát triển nghề đã lan rộng toàn xã. Nơi đây có làng nghề truyền thống mây tre đan trên 100 năm, phát triển ổn định với đa dạng sản phẩm từ mặt mây đến các hàng hoa, giỏ hàng phục vụ xuất khẩu. Vì thế, quan điểm của địa phương là ưu tiên hàng đầu về mặt bằng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng. Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân duy trì nghề, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thương hiệu làng nghề. Đến nay Thượng Hiền có hai doanh nghiệp lớn và hàng chục cơ sở chuyên cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho làng nghề. Vì thế, làng nghề luôn “sống khỏe”. Những người ngoài độ tuổi lao động hay học sinh, trẻ em tham gia làm nghề cũng đạt mức thu nhập ổn định từ 2,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Nét đặc sắc hơn là các hộ đều sản xuất tại gia đình, người sản xuất không cần phải đi mua nguyên liệu mà có các cơ sở thu mua sản phẩm cung cấp đến từng hộ làm nghề. Các hộ đều có thói quen dự trữ nguồn nguyên liệu nên làm quanh năm không hết việc, ngay cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vừa qua các hộ làm nghề mây tre đan cũng không phải nghỉ làm.

Nói là làng nghề nhưng thực ra cả xã đều làm nghề, gọi là nghề phụ nhưng thực chất là nghề chính. Đó chính là cái hay của làng nghề này mà ít nơi còn duy trì được. Làng Văn Lăng có tới 95% người dân theo đạo đóng vai trò chính trong phát triển nghề mây tre đan ở địa phương. 

Ông Phạm Văn Du, chủ doanh nghiệp tư nhân mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Dinh Doanh và Công ty TNHH Du Dương cho biết: Làm nghề từ khi còn nhỏ nhưng đến năm 2004 tôi mới thành lập doanh nghiệp, từ đó có rất nhiều thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có thêm đối tác để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, góp phần phát triển ổn định làng nghề. Đến nay toàn xã làm nghề và có nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. 

Bình quân mỗi tháng ông Du lấy khoảng hơn 40 tấn mây, tạo việc làm cho khoảng 500 người, mỗi năm đạt tổng doanh thu từ 15 - 20 tỷ đồng, nộp thuế từ 700 - 900 triệu đồng. Đặc biệt, ông Du đã tạo điều kiện cho người lao động được đóng bảo hiểm, thanh toán đầy đủ lương hàng tháng. Do đó người lao động rất yên tâm làm nghề, làng nghề luôn nhộn nhịp bởi có đầy đủ người làm các công đoạn từ mua mây, chẻ mây, làm sợi mây, đan mây. Sản phẩm từ những đôi tay người dân Thượng Hiền làm ra đã được xuất khẩu sang nước ngoài, kể cả những thị trường khó tính như Nhật Bản cũng hài lòng và đặt hàng với số lượng lớn. 

Tự hào về nghề truyền thống, bà Trần Thị Đào, thôn Văn Lăng chia sẻ: Nhờ có nghề mây tre đan mà người dân trong làng ai cũng có việc để làm, cuộc sống gia đình cũng vì thế ngày càng khấm khá. Người dân ai cũng say nghề. Đặc biệt, làm nghề mây nhưng không ai bỏ làm nông nghiệp, nhà nào cũng cấy lúa. Nhiều nhà còn duy trì cấy hàng mẫu lúa nhưng vẫn có thu nhập từ nghề mỗi tháng vài triệu đồng.

Nhờ phát triển nghề mà tỷ lệ hộ giàu ở Thượng Hiền chiếm trên 30%, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 4%. Làng nghề hối hả quanh năm, bức tranh làng nghề luôn tràn đầy sức sống.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày