Thứ 6, 22/11/2024, 10:40[GMT+7]

Gia tăng nguy cơ phá sản nhiều trường Đại học tại Anh và Australia

Thứ 5, 15/10/2020 | 08:04:42
2,674 lượt xem
Dịch COVID-19 với những gián đoạn về đi lại đã làm gia tăng nguy cơ phá sản của nhiều trường Đại học tại Anh và Australia.

Nhiều trường đại học ở Australia vắng bóng sinh viên quốc tế trong hơn nửa năm qua. Ảnh: The Guardian

Trên thực tế, một nguồn thu nhập quan trọng của các ngôi trường này là từ các sinh viên quốc tế. Các trường sẽ phải làm như thế nào để có thể tìm ra hướng giải quyết vấn đề và cách làm đó có hiệu quả hay không? Đây là nội dung được báo chí quốc tế quan tâm đăng tải những ngày gần đây.

"13 Đại học tại Anh đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì COVID-19", đây là dòng tít của kênh CNBC. Theo Viện Nghiên cứu Tài chính Anh, cuộc khủng hoảng COVID-19 "đặt ra một mối đe dọa tài chính đáng kể" đối với toàn bộ mảng giáo dục bậc Đại học của Vương quốc Anh, với hầu hết các trường bị sụt giảm nguồn thu.

Hãng truyền thông BBC của Anh cho biết, các nguồn thu bị ảnh hưởng của các trường Đại học tại nước này vì COVID-19 cụ thể bao gồm: Số lượng sinh viên quốc tế ít hơn, thu nhập từ cho thuê chỗ ở cho sinh viên sụt giảm, thu nhập từ tổ chức hội nghị và dịch vụ bán đồ ăn uống cho sinh viên gần như không còn, trong khi lại gia tăng thua lỗ trong đầu tư dài hạn.

Theo ước tính, tổng thiệt hại của ngành giáo dục Đại học tại Anh vì COVID-19 khoảng từ 3 đến 19 tỷ bảng. Con số này tương đương mức thiệt hại từ 7,5% đến gần một nửa thu nhập hàng năm của ngành này.

Gia tăng nguy cơ phá sản nhiều trường Đại học tại Anh và Australia - Ảnh 1.

Hầu hết các trường đại học đều bị ảnh hưởng tài chính do đại dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images

Càng là quốc gia có ngành kinh doanh giáo dục mạnh, thì sẽ càng chịu nhiều áp lực lớn từ COVID-19. Ngoài Anh, phải kể đến Australia. Một số trường Đại học tại nước này cũng gặp tình cảnh khó khăn vì thiếu sinh viên quốc tế. Tờ Financial Review cho rằng các trường Đại học tại Australia sẽ buộc phải bán tài sản và sáp nhập. Trong bài phân tích, cây viết Robert Bolton của tờ Financial Review có trích lời của một chuyên gia kinh tế, đưa ra gợi ý rằng trường Đại học nào có sở hữu nhiều tòa nhà, đất đai, thì có thể bán bớt để đảm bảo nguồn thu.

Việc thiếu sinh viên quốc tế, thiếu nguồn thu đã khiến cho các trường Đại học của Australia phải cắt giảm tới 10% công việc, tức là khoảng 12 nghìn lao động tại các trường Đại học nước này đã mất việc kể từ khi dịch bùng phát.

Với số giảng viên không mất việc thì họ được yêu cầu thiết kế các bài giảng có thể tái sử dụng. tức là các bài giảng ghi trước, và sau đó trình chiếu cho sinh viên của các lớp khác nhau. Nhờ vậy, nhà trường có thể chỉ trả công 1 lần cho 1 bài giảng nhưng lại dùng được cho nhiều học sinh hơn.

Mặc dù vậy, nhiều giảng viên không ủng hộ cách làm này. Tờ Guardian trích lời một số giảng viên cho rằng việc ghi hình trước bài giảng và áp dụng chung cho nhiều lớp là không tốt cho sinh viên, vì phải học lại những nội dung không được cập nhật thường xuyên trước giờ lên lớp. Ngoài ra, họ cũng cho rằng làm như vậy là bất công với giảng viên khi giảng viên không được trả công đúng với những gì họ xứng đáng.

Hiện các trường Đại học tại Anh đang trông chờ vào gói cứu trợ của chính phủ. Còn tại Australia, hàng chục trường Đại học đã gửi thư cầu cứu tới chính phủ để kêu gọi mở cửa cho các sinh viên quốc tế được nhập cảnh tiếp tục học tập. Có thể thấy, COVID-19 đã đặt ra yêu cầu buộc các trường dựa vào du học sinh quốc tế phải thay đổi để có thể tồn tại và phát triển trong tương lai, đem lại những lợi ích xứng đáng cho cả sinh viên, nhân viên và nhà trường.

Theo vtv.vn