Thứ 6, 22/11/2024, 22:22[GMT+7]

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Thứ 2, 19/10/2020 | 09:03:08
5,767 lượt xem
Xác định việc dạy nghề cho người khuyết tật (NKT) là nhiệm vụ quan trọng, gần 20 năm qua, Trung tâm Dạy nghề cho NKT trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho hàng nghìn NKT, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản để học nghề và làm nghề, giúp họ có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người khuyết tật được đào tạo nghề may tại Trung tâm.

Tham gia khóa học nghề may từ năm đầu tiên khi Trung tâm Dạy nghề cho NKT được thành lập, chị Bùi Thị Thúy, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) đã nỗ lực phát triển và truyền nghề cho nhiều NKT khác. Từ một học viên của khóa học, giờ đây chị đã trở thành giáo viên trực tiếp giảng dạy tại Trung tâm. Chị Thúy cho biết, sau khi hoàn thành khóa học nghề may tại Trung tâm, chị đã có được những kỹ năng cơ bản về may mặc. Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh việc giảng dạy tại Trung tâm, chị cũng đi làm tại các cơ sở may mặc với thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, giúp chị ổn định cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Cũng như chị Thúy, rất nhiều NKT đã được học nghề tại Trung tâm và tìm được việc làm ổn định, phù hợp với khả năng của bản thân. Trung tâm thực hiện dạy nghề bằng nguồn kinh phí do Trung ương Hội và UBND tỉnh hỗ trợ, chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm và nguồn xã hội hóa. Gần 20 năm qua, Trung tâm đã dạy nghề may dân dụng, may công nghiệp, vi tính văn phòng, điện tử, điện lạnh cho gần 1.000 NKT và liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp dạy nghề kim hoàn, mây tre đan, thêu ren, gỗ mĩ nghệ cho hàng nghìn lao động là NKT tại cộng đồng. NKT được học nghề tại Trung tâm đều đủ 15 tuổi trở lên. Sau khi hoàn thành khóa học, mỗi học viên sẽ được cấp chứng chỉ sư phạm trung cấp nghề công nghệ may và thiết kế thời trang. Hiện tại, Trung tâm đang đào tạo nghề may công nghiệp cho 11 học viên là NKT của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Thái Bình hiện có trên 10 vạn NKT. Có thể nói, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò nòng cốt là Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Các vấn đề của NKT luôn được Hội quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ và có những hướng đi phù hợp. Song, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT tại Trung tâm dạy nghề cho NKT vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất của Trung tâm đã xuống cấp, đặc biệt là thiết bị máy móc và nhà ở cho học viên. Chính vì thế, thời gian tới, Trung tâm dạy nghề cho NKT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành để sửa chữa khu nhà ở của học viên và đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho NKT. Để tạo điều kiện tốt nhất cho NKT được học nghề, Hội Bảo trợ sẽ tiếp tục tiếp cận với các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân sản xuất các nghề may, thêu, chạm khắc gỗ để liên kết dạy nghề cho NKT, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của họ. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao nhận thức cho mọi người về vai trò và vị trí của việc học nghề và dạy nghề cho NKT. Tiếp tục chuẩn hóa số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, trang bị đầy đủ kiến thức để họ có thể dạy nghề và truyền nghề một cách an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn ngoài những nghề truyền thống đang được đào tạo, sẽ có thêm lớp đào tạo về kỹ năng thanh nhạc giúp NKT có năng khiếu hoạt động văn hóa nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho NKT.

Thu Hoài