Thứ 4, 15/01/2025, 14:38[GMT+7]

EU khởi kiện Cộng hòa Chypres và Malta vì bê bối bán hộ chiếu và thị thực

Thứ 4, 21/10/2020 | 08:21:31
1,942 lượt xem
Nguyên nhân là việc hai nước này bán hộ chiếu và thị thực cho người nước ngoài, vi phạm luật lệ châu Âu.

Cyprus cấp hộ chiếu vàng cho người nước ngoài. Ảnh: Getty

Chương trình cấp hộ chiếu và thị thực cho những người nước ngoài, với lý do thu hút đầu tư nước ngoài đã gây nhiều bê bối khi cấp quyền trú ngụ và đi lại tự do trong lãnh thổ 27 quốc gia Liên minh châu Âu cho tội phạm và tham nhũng nước ngoài.

Cơ sở pháp lý mà Ủy ban châu Âu dựa vào để khởi kiện hai nước Malta và Cộng hòa Chypres là nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia thanh viên Liên minh châu Âu. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Maros Sefcovic, thông báo các thủ tục tố tụng sẽ bắt đầu ngay từ 20/10.

Châu Âu đã chỉ trích chương trình "hộ chiếu vàng" từ lâu, vụ việc mới đây tại Cộng hòa Chypres là giọt nước tràn ly. Hàng chục hồ sơ xin quốc tịch Chypres là của những người nước ngoài đang bị khởi tố hoặc tội phạm quốc tế, thậm chí đang thi hành án tù. Cộng hòa Chypres đòi 2,5 triệu Euro cho một hộ chiếu và đã thu được 7 tỷ Euro từ cách làm này. Malta thì chỉ cần một khoản đóng góp chưa tới 1 triệu USD, cộng điều kiện phải mua bất động sản và cam kết cư trú 5 năm.

Năm ngoái, Ủy ban châu Âu cũng đã công bố một báo cáo điều tra về "hộ chiếu vàng", trong đó nêu bật các rủi ro về bảo mật, rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng và nguy cơ để lọt cho tội phạm nước ngoài cư trú và đi lại tự do trong lãnh thổ Liên minh châu Âu.

Hiện nay, có khoảng 20 quốc gia có cơ chế cấp "hộ chiếu vàng" hay "thị thực vàng" cho các nhà đầu tư. Ba quốc gia là Bulgaria, Chypres và Malta có cả 2 chương trình này. Giá trị cũng rất khác nhau. Mức đầu tư thấp nhất từ 13.500 euro tại Croatia đến 5 triệu euro tại Luxembourg và Slovakia.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, từ năm 2008 - 2018, EU đã đón trên 6.000 công dân mới và gần 100.000 cư dân mới thông qua chương trình "hộ chiếu vàng". Cũng theo tổ chức này, cơ chế hộ chiếu vàng đã đem lại cho EU đến 25 tỷ euro đầu tư nước ngoài trực tiếp trong 10 năm qua.

Các nước Bulgaria, Chypres và Malta thậm chí có những chính sách cho phép cấp quyền công dân cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không bắt buộc những người này phải sống tại nước đó, hoặc thậm chí không có mối liên hệ thực chất nào với nước họ có quyền công dân. Chính sự lỏng lẻo đó đang khiến chương trình "hộ chiếu vàng" có nguy cơ bị lợi dụng.

Châu Âu nhìn nhận thế nào về nguy cơ từ việc cấp hộ chiếu và thị thực vàng không kiểm soát hiện nay?

Chương trình thu hút đầu tư theo cách cấp hộ chiếu và thị thực cho nhà đầu tư nước ngoài được châu Âu chấp nhận, nếu như nhà đầu tư thực sự mang tiền đến sản xuất hay buôn bán tại châu Âu, cư trú thực sự và lâu dài tại châu Âu. Vấn đề của Cộng hòa Chypres và Malta là người nước ngoài có tiền thậm chí vẫn ở nguyên tại nước của họ, không kinh doanh đầu tư gì cả tại Chypres và Malta. Đó thực chất là bỏ tiền ra mua hộ chiếu châu Âu, để khi cần thoát thân thì có cửa đi. Chuyện mua bán hộ chiếu liên quan đến chuyển ngân lậu, rửa tiền, tham nhũng, thì cũng vi phạm các luật lệ của Liên minh châu Âu. Khởi kiện hai nước thành viên là bước đi đầu tiên lập lại trật tự trong lĩnh vực này.

EU khởi kiện Cộng hòa Chypres và Malta vì bê bối bán hộ chiếu và thị thực - Ảnh 2.

Một hộ chiếu của Cyprus. Ảnh: Reuters.

Liên minh châu Âu không thể cấm các nước thành viên thực hiện các chương trình "hộ chiếu vàng". Vậy có công cụ gì để kiểm soát?

Dựa vào Tòa án để ngăn ngừa và trừng phạt các nước vi phạm là cách mà Ủy ban châu Âu lựa chọn. Cho đến nay, các cảnh cáo của phía châu Âu đều không có kết quả, các cam kết của một số nước đều không được các nước đó thực thi. Tổng thống Cộng hòa Chypres tuần trước đã cam kết dừng chương trình "hộ chiếu vàng" từ ngày 1/11. Nhưng Ủy ban châu Âu vẫn nghi ngờ rằng Chypres đang tìm một hình thức biến tướng khác. Ủy ban châu Âu cho biết, Bulgaria đã từng cam kết tương tự, nhưng mãi mà Quốc hội Bulgaria vẫn chưa sửa đổi luật lệ. Ủy ban châu Âu lần này viện đến tòa án với mong muốn hủy bỏ hoàn toàn cách làm biến tướng, không thực chất thu hút đầu tư.

Đầu tư thị thực vẫn luôn là con dao hai lưỡi. Có tiền nhưng đi kèm là những vấn đề phát sinh, từ rửa tiền, tham nhũng hoặc gây nguy cơ về an ninh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tháng trước tuyên bố các giá trị của châu Âu không phải để bán.

Cao ủy tư pháp của EU Didier Reynders thì khẳng định "trao quyền công dân là đặc quyền của các quốc gia thành viên", song các quyền và điều kiện của quốc tịch châu Âu không nên bị lợi dụng bởi các kế hoạch đầu tư mạo hiểm của từng quốc gia. Sẽ cần có thời gian để châu Âu hoàn thiện công cụ kiểm soát, nhưng chắc chắn là thời gian tới hộ chiếu vàng vào châu Âu sẽ khó khăn hơn.

Theo vtv.vn